Bộ không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy.
Bộ đã chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Vinachem có trách nhiệm xem xét chấp hành pháp luật của cán bộ tập đoàn và xử lý theo thẩm quyền và thủ tục đúng quy định của Nhà nước.
Trước đó trả lời tờ Dân Trí, ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương xác nhận, ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) đã vắng mặt tại cơ quan nhiều ngày qua mà không có sự cho phép của lãnh đạo Tập đoàn.
Ông Vũ Đình Duy sinh năm 1975, có học vị Thạc sỹ Công nghệ hóa học. Ông Vũ Đình Duy được điều động và bổ nhiệm về Vinachem hồi giữa tháng 4/2016, chỉ một ngày trước khi Bộ Công Thương có Bộ trưởng mới thay ông Vũ Huy Hoàng.
Trước đó, ông giữ vị trí Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng trước khi được bổ nhiệm vị trí Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương.
Trước khi về Sở Công Thương Hải Phòng và Bộ Công Thương, ông Duy từng giữ chức Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex) từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014.
Trước đó, vào giữa tháng 10/2016, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện tại Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Đồng thời kiến nghị Bộ Công An vào cuộc điều tra các sai phạm tại dự án này.
Tổng mức đầu tư cho dự án từ dự kiến ban đầu khi triển khai trên thực tế đã phải điều chỉnh từ 325 triệu USD lên thành hơn 359 triệu USD, tương đương 7000 tỷ đồng
Kết luận Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Bộ Công Thương giai đoạn 2007 đến nay.
Trong báo cáo nêu rõ: "Xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công Thương, Petro Vietnam và Vinatex vì đã thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý Nhà nước, trong việc góp vốn, nhận góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật”.
Đặc biệt, tại báo cáo Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý do phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Các dấu mốc của dự án:
Ngày 15/7/2007, Petro Vietnam ký thỏa thuận hợp tác Vinatex đầu tư xây dựng nhà máy xơ sợi polyeste và thực hiện thủ tục pháp lý cho việc thành lập PVTex, đồng thời triển khai lựa chọn tư vấn nghiên cứu dự án khả thi.
Ngày 10/10/2007, Vinatex uỷ quyền cho Petro Vietnam làm chủ đầu tư dự án, Petro Vietnam ủy quyền cho Vinatex lựa chọn nhà thầu, phê duyệt toàn bộ công việc liên quan đến thực hiện các gói thầu trong giai đoạn lập dự án khả thi.
Năm 2008, Hội đồng Quản trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD (5.437 tỷ đồng tính theo tỷ giá đương thời). Trong đó, chủ đầu tư chỉ có 30% vốn còn lại toàn bộ đều đi vay.
Năm 2014, qua 3 lần tăng vốn, vốn điều lệ của PVTex là 1.996 tỷ đồng. PetroVietnam đã bỏ tiền ra mua lại cổ phần cổ phần từ các cổ đông khác để tăng tỷ lệ góp vốn. Toàn bộ 100% vốn góp tại PVTex là của Petro Vietnam và các đơn vị thành viên, gồm: Tổng công ty Cổ phần Tài chính dầu khí, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ).
Ngày 29/5/2014, Nhà máy đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ.
Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.