PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định: "Bộ GD&ĐT thực hiện công tác quản lý nhà nước về GD&ĐT, có trách nhiệm xem xét, xử lý khi có những dấu hiệu, hành vi vi phạm chính sách, quy chế của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Với những vấn đề chuyên sâu về chuyên môn như tổ hợp tuyển sinh đại học, các môn tuyển sinh đầu vào… cần lắng nghe các đơn vị đào tạo, các chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể tương ứng".
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, trong cuộc bàn luận về môn Văn trong tổ hợp tuyển sinh y khoa ở một số trường đại học tư thục, chuyên gia các trường đào tạo về y khoa đã lên tiếng trong vấn đề chuyên môn này là rất quan trọng, là tín hiệu rất tích cực. Các phản biện từ xã hội, cộng đồng, từ báo chí, chuyên gia các trường cũng tiến hành trao đổi, giải trình với xã hội, với thí sinh, với cơ quan quản lý nhà nước… tất cả đều thể hiện tính tích cực, toát lên tinh thần tự chủ đại học, đi đôi với trách nhiệm giải trình.
Bộ GD&ĐT luôn lắng nghe, tiếp thu để có những điều chỉnh chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, đánh giá cao cơ quan báo chí đã truyền tải tiếng nói của các chuyên gia, ý kiến từ các trường đào tạo y khoa…
Thực hiện Luật Giáo dục đại học và Quyết định số 436/QĐ-TTg, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo trình độ của giáo dục đại học, trong đó đã quy định rõ: Chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành như khối ngành sức khỏe do Bộ Y tế chủ trì xây dựng phải bao gồm không chỉ những quy định về chuẩn đầu vào, mà còn các yêu cầu khác về điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra cho từng lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo. Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo phải xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo.
Do đó, khi quy định về chuẩn đầu vào, cần có quy định rõ các yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học, trong đó có thể có yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.
"Có thể thấy, chuẩn chương trình đào tạo là rất quan trọng đối với các lĩnh vực ngành đào tạo cụ thể; khi xây dựng chuẩn này phải có sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả của các bên liên quan, trong đó có đại diện các cơ sở đào tạo, giới sử dụng lao động và hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn; cần có tham khảo, đối sánh với mô hình, chuẩn hoặc tiêu chuẩn đối với các chương trình đào tạo của các nước hoặc các tổ chức quốc tế liên quan. Đồng thời bảo đảm quyền tự chủ về xây dựng chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo", PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ phân tích.
Quy chế tuyển sinh hiện hành (ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022) của Bộ GD&ĐT đã quy định rõ mỗi phương thức tuyển sinh (mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng) phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, yếu tố quan trọng nhất mà tất cả các bên liên quan đều quan tâm, đó chính là chất lượng đào tạo của các trường. Các trường nào có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, có đầu vào tuyển sinh quá thấp… thì sẽ chịu ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của mình, và về lâu về dài chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn vào học.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm.