Ngày 16/6, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phổ biến "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường" tới hơn 700 điểm cầu trực tuyến tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Theo TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới.
Năm 2021, theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới, tỉ lệ bệnh đái tháo đường ở người lớn đã tăng gấp 3 lần so với năm 2000, từ 151 triệu người lên 537 triệu người (chiếm 10,5% dân số thế giới).
Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, số ca bệnh mắc đái tháo đường gia tăng nhanh (từ 2,7% dân số năm 2002, lên 5,4% năm 2012, 7,06% năm 2021 trong độ tuổi điều tra 18-69), với gần 4,5 triệu người mắc bệnh.
Đái tháo đường là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Cứ 10 ca mắc bệnh đái tháo đường thì có 6 ca biến chứng tại mắt, đặc biệt là bệnh võng mạc do đái tháo đường khoảng từ 20-35% người mắc bệnh này. Đây là nguyên nhân gây bệnh lý bán phần sau phổ biến nhất hiện nay.
Bệnh võng mạc đái tháo đường diễn ra âm thầm, đa số bệnh nhân không biết mình mắc bệnh cho đến khi bệnh tiến triển nặng, không thể hồi phục, thậm chí được điều trị.
Tổn thương võng mạc do đái tháo đường biểu hiện rất đa dạng, như: Tăng sinh mạch máu võng mạc, phù hoàng điểm, xuất huyết, xuất tiết, bong võng mạc… Những tổn thương này sẽ gây suy giảm thị lực hoặc mù lòa không hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân, gia tăng gánh nặng kinh tế cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
Hậu quả của tình trạng này là gần 2 triệu bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam đang có nguy cơ mất thị lực.
Theo Bộ Y tế, việc xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường, áp dụng chung trên toàn quốc là hết sức cần thiết. Một trong những điểm quan trọng là giúp các đơn vị tăng cường nhận thức về quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường, bao gồm khám phát hiện sớm và phân cấp quản lý tại các tuyến theo mức độ bệnh.
Việc khám sớm là cần thiết, để phát hiện các tổn thương trên võng mạc và kịp thời chuyển bác sĩ chuyên khoa mắt khám, điều trị, tránh nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn, mù lòa. Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý giữa các tuyến cũng giúp thuận lợi trong việc theo dõi người bệnh bị bệnh võng mạc đái tháo đường, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế tuyến trên.