ECDC công bố báo cáo nêu rõ số ca nhiễm 2 mầm bệnh kháng thuốc cao, gồm Acinetobacter và Klebsiella pneumoniae, đã tăng trong năm 2020, năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19, sau đó tăng mạnh vào năm 2021. Trong năm ngoái, châu Âu ghi nhận các trường hợp nhiễm siêu vi khuẩn Acinetobacter cao gấp đôi so với mức trước đại dịch COVID-19. Các ca nhiễm siêu vi khuẩn Klebsiella pneumoniae đã tăng 31% trong năm 2020 và 20% trong năm 2021. Tuy nhiên, báo cáo của ECDC không đề cập về số ca tử vong do nhiễm các siêu vi khuẩn này trong hai năm 2020 và 2021. Các chuyên gia cho rằng khó có thể xác định chính xác nguyên nhân tử vong khi bệnh nhân phải nhập viện vì COVID-19.
Phát biểu họp báo, quan chức ECDC, ông Dominique Monnet cho biết chiều hướng tăng số ca nhiễm siêu vi khuẩn nói trên bắt nguồn từ các đợt bùng phát tại các đơn vị chăm sóc y tế đặc biệt ở các bệnh viện và tại các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Một số nhà khoa học cho rằng chiều hướng gia tăng số ca nhiễm siêu vi khuẩn tại bệnh viện trong giai đoạn dịch COVID-19 có liên quan tới việc gia tăng đơn thuốc kháng sinh được kê cho các bệnh nhân để điều trị COVID-19 và các bệnh nhiễm khuẩn khác trong thời gian dài nằm viện. Ông Monnet nhận định đây là giả thuyết hợp lý nhất, song ECDC cần thời gian để tiến hành các phân tích chuyên sâu.
Cũng theo ông Monnet, số liệu thống kê cho thấy số ca nhiễm một số siêu vi khuẩn phổ biến khác tại các bệnh viện ở châu Âu đã giảm. ECDC tin rằng điều này xuất phát từ nguyên nhân cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến nhiều dịch vụ khám chữa bệnh khác bị đình trệ.
Báo cáo mới của ECDC phù hợp với xu hướng được ghi nhận trong năm ngoái tại Mỹ. Số liệu của chính phủ nước này cho thấy số ca tử vong vì nhiễm các loại siêu vi khuẩn kháng thuốc đã tăng 15% trong năm 2020.
Tình trạng kháng thuốc một phần xuất phát từ nguyên nhân người bệnh dùng thuốc kháng sinh không đủ liều hoặc uống quá liều. Những lo ngại về vấn đề này không phải là điều xa lạ. Các chuyên gia cho rằng tình trạng lây nhiễm siêu vi khuẩn kháng thuốc, trong đó có các mầm bệnh nấm, là một "đại dịch thầm lặng" cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người mỗi năm, song các nguồn tài trợ để nghiên cứu vấn đề này vẫn chưa được chú trọng.