Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.524.273 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.461 ca mắc).
Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 41 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.610.804 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 37 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 30 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 5 ca
Trong ngày không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.184 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong ngày 24/12 có 3.949 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 265.359.396 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.199.814 liều: Mũi 1 là 71.080.884 liều; Mũi 2 là 68.690.817 liều; Mũi bổ sung là 14.497.424 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.658.692 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.271.997 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.860.391 liều: Mũi 1 là 9.127.065 liều; Mũi 2 là 8.954.973 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.778.353 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.299.191 liều: Mũi 1 là 10.221.835 liều; Mũi 2 là 8.077.356 liều.
Về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới.
Ngày 2/12/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.
Tập trung tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Adenovirus, cúm, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ...; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.