Ông Càng đã mất từ lâu. Nhà ông ở xóm trạm xá, khu xóm mới giãn dân. Mấy chục năm trước, hễ đào móng, cuốc đất, kiểu gì cũng phải chạy hành chục ngôi mộ cũ vô danh bị thất lạc, chôn vùi theo thời gian.
Ông Càng có con trai, đặt tên là Túng. Chú Túng cũng có cậu con trai, nhỏ hơn mình 1 tuổi, tên Cảnh.
Đọc theo chiều từ dưới lên, thành Cảnh - Túng - Càng. Cái tên của ba thế hệ vẽ nên một gia cảnh của 1 gia đình nông dân nghèo, rất nghèo dù theo tiêu chí mới, họ không còn là hộ nghèo nữa.
Từng có một nhà đại gia, đề xuất bỏ 100 triệu để làm con đường giáp ranh với xã khác, với điều kiện phải đặt tên, cắm biển của họ làm tên đường. Cả làng nhất quyết không nghe, nhất quyết đi trên con đường cũ, đổ trạt, chất thải rắn để làm mặt đường...
Tư cách làng, thế mới biết, rất quật cường, không bị khuất phục, cám dỗ!
Nhưng cây đa ông Càng trồng thì không ai phản đối.
Đầu tiên, nó chỉ là một cây dẹo dặt, bé tẹo, cành lá xơ xác. Thế mà bẵng đi, khi bao đứa trẻ đã vụt lớn thành trung niên, cây đa đã ra dáng của một cây cổ thụ, tàn lá xum xuê, tự nó hoàn thiện chính mình.
Ông Càng đã mất. Ai rồi cũng sẽ mất. Nhưng, thứ họ để lại, sẽ hiện diện mãi qua bao thế hệ.
Thế mới thấm, 10 năm trồng cây, trăm năm trồng người, việc vừa khó mà cũng lại vừa dễ. Khó, rất khó. Mà dễ, cũng dễ vô cùng, nếu như nó đúng, và thuận theo lẽ của nó!