Đó là một rặng tre dây, thứ tre đồng bằng quấn túm bầy đàn với nhau thành bụi. Những tay tre đan cài thành lũy, gai góc và sắc nhọn. Những mắt lá thô ráp, nhọn hoắt như chông. Nó là một thứ lũy thành tự bảo vệ nhau, và vô hình chung, nó là thành lũy của bao nhiêu ngôi làng vùng quê Bắc bộ, tự xa xửa xưa...
Dãy tre dây mọc ven sông đào, làng gọi tên là tre ông Nghinh - chủ nhân của khu đất ven sông. Từ xa nhìn về, nó xanh ngút ngát, kín đáo, bí ẩn như một vùng cổ tích. Trên khoảng xanh ấy, những đàn cò, đàn vạc kéo về trú ngụ. Những chiều hoàng hôn hắt ráng rực rỡ trời tây, tiếng chim chao chát inh ỏi cả góc sông, tưởng như có bầy trẻ đang mang xoong, thùng ra gõ.
Có lẽ, còn có nhiều loài chim nữa, nhưng những cánh trắng thi thoảng vụt lên bổng nổi bật vì nền xanh của rặng tre là dễ nhận biết nhất.
Có lẽ, đó là một chú cò giật mình trong cơn ngủ mê, thảng thốt bay lên theo phản xạ. Có lẽ, nó cũng có giấc mơ của riêng nó, thứ hữu hình mà tạo hóa ban cho tất cả giống loài.
Những giấc mơ của lũ trẻ làng, bụi tre ông Nghinh có thể là miền nhiều cổ tích nhất. Nó giữ những câu chuyện của bác hai khi còn sống, thường vác te đi xúc cá dọc sông. Chiếc giỏ tre cỡ đại có đai quấn vào hông, đáy giỏ là một tấm xốp để nó nổi lên mặt nước, di chuyển cùng với hướng của bác đẩy te kéo cá.
Bao lần lớp lưới của chiếc te bị rách, do mắc phải một gốc tre già bị vứt bỏ xuống sông, mà rất có thể, nó được ngâm bùn để đanh lại, không bị nứt nác vì nắng gió.
Có đôi khi bác đi xẻo đêm, dưới ánh trăng nhễ nhại, mặt sông như dát bạc. Nhiều khúc sông sâu vì người ta múc bùn về đổ vườn, nếu không thuộc sẽ hẫng chân, ăn nguyên một bụng nước. Đi xẻo đêm vào những ngày Rằm, thường sẽ bắt được một con cá chép bự trứng đang quẫy đám cỏ ven bờ để làm ổ đẻ.
Đôi khi, một con ba ba cỡ bàn tay người lớn, lật ngửa chiếc mai mềm vì chưa đủ tuổi cứng, chiếc bụng đỏ tía đẹp đẽ như ánh tía trên mặt trong của một chiếc vỏ trai vẫn được bác thợ mộc sử dụng để khảm xà cừ...
Những nhánh tre bánh tẻ đột nhiên vươn cao vút và mềm mại, thường là những chiếc cần câu rất tuyệt. Hoặc, làng có người chết, sẽ bảo nhau ra chặt mấy cây tre nhỏ để làm phướn, từ bụi tre ông Nghinh.
Rồi cuối cùng, dãy tre cuối cùng của làng cũng bị chặt bỏ. Không còn xanh ngút ngàn, thẳm sâu, hun hút và huyền bí của một vùng cổ tích. Không còn những tiếng chao chát vào mỗi buổi chiều, sau một ngày kiếm ăn về tổ nghỉ ngơi của bầy cò, bầy vạc. Không còn cánh chim giật thột, thảng thốt vút lên khỏi một tán tre, cánh loạn xạ, chấp chới rồi rất mau, lại đáp xuống một cành tre la đà như thể, sinh ra đã làm chỗ đậu.
Bác hai cũng không còn. Lão nông người gầy gò, xương xẩu như hai chiếc cần tre ngoặc mảnh lưới nâu vá chằng đụp làm lưới te cá, rất có thể, đã hóa thành một đám mây trắng xốp trên trời, vẫn đủng đỉnh nhìn về dòng sông, cánh đồng, rặng tre xứ sở..., hoặc cũng có thể, như một cánh vạc, vụt bay chấp chới, trông một giấc mơ của loài chim.
Không ai biết, giấc mơ của những loài chim nó là những giấc mơ gì. Nhưng chắc chắn, loài nào cũng có giấc mơ riêng của nó.
Tạo hóa, vốn dĩ rất công bằng, và luôn công bằng. Chỉ người dùng những giấc mơ, có chật chội hay không...