Nói ngắn gọn: báo chí và truyền thông xã hội bây giờ khác hai mươi năm trước nhất ở điểm là người ta có thể chỉ trích các bộ trưởng.
Nó tạo thành một làn sóng, mà chính tôi cũng hưởng ứng nhiệt tình. Với facebook trong tay, chính tôi đã bao lần đặt các câu hỏi chất vấn, hay là chỉ trích các bộ trưởng. Bộ trưởng Y tế được lôi ra sau những sự cố ngành y. Bộ trưởng giáo dục bị chì chiết mỗi lần có sự cố ngành giáo dục, hay là cải cách sách giáo khoa. Tôi tự viết, tôi cũng đi “thích” khắp loạt những bài của bạn bè, thậm chí là cả những bài kêu gọi từ chức. Bây giờ, trong không khí cởi mở này, người ta công khai kêu gọi một bộ trưởng nào đó từ chức.
Sự cố điểm thi là một ví dụ. Giống như đối với những “tồn tại” của ngành giáo dục như nạn bạo hành, cô giáo phải đi tiếp khách hay thậm chí trẻ mầm non phải ăn cơm cháy... dư luận đã có một địa chỉ để “trút giận”: 35 Đại Cồ Việt, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, nơi có một thiểu số cán bộ giáo dục đang làm việc. Đây cũng là nơi làm việc của Bộ trưởng, người phải chịu trách nhiệm về mọi vấn đề của nền giáo dục Việt Nam.
Trả lời báo chí, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng kỳ thi có gian lận là cái sai của ngành giáo dục và rằng ông Bộ trưởng phải xin lỗi và nhận trách nhiệm với nhân dân. Tức là chính người từ Bộ đi ra cũng tin rằng trách nhiệm thuộc Bộ phần nhiều.
Nhưng “cánh tay” của ông Bộ trưởng Giáo dục liệu có vươn tới Hà Giang, Sơn La hay thậm chí là trường tiểu học Nam Trung Yên vốn cách trụ sở Bộ chín cây số?
Còn nhớ cách đây đúng một năm, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin còn cho rằng Việt Nam có bộ máy giáo dục tốt hơn Thái Lan. Bộ trưởng Teerakiat cho biết, Bộ giáo dục Thái Lan có khoảng 20.000 quan chức không dạy học nhưng đang điều hành các trường học. “Trong khi đó, Việt Nam chỉ có khoảng 70 người làm công việc tương tự trong bộ này”, ông nhấn mạnh và coi đó là sự ưu việt của bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục ở Việt Nam.
Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan đã nhầm. 70 công chức mà ông nhắc đến chưa thể “quản” cả ngành giáo dục. Theo quy định hiện hành, chỉ một số ngành thuộc lực lượng vũ trang hay ngân hàng Nhà nước được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương tới cơ sở. 70 con người của Bộ giáo dục chỉ được quyết định chừng dưới 5% ngân sách cho giáo dục cả nước, còn 95% còn lại, thuộc về các ủy ban địa phương.
Ở Việt Nam, giám đốc sở Giáo dục do chủ tịch tỉnh bổ nhiệm. Cán bộ giáo dục cũng do sở Nội vụ tỉnh tuyển dụng. Có thể ở đây, chính ông Bộ trưởng Thái Lan Jareonsettasin, người được trực tiếp quản lý 20.000 quan chức giáo dục mới đang là người may mắn.
Dù đến nay chưa có thêm bằng chứng về việc ai làm và làm như thế nào nhưng rõ ràng một số cán bộ giáo dục địa phương đã bị “vạch mặt chỉ tên” về những sai phạm lớn của Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La.
Còn dư luận đang hướng mũi dùi về phía một vị Bộ trưởng không quyết tiền, không quyết nhân sự. Ở khía cạnh khác, các địa phương, dường như nắm toàn bộ tài lực, nhân lực của ngành, nhưng mỗi khi có sự cố, họ vẫn thường coi đó là trách nhiệm của người quản lý ngành - nơi chỉ có quyền đưa ra các quy định mang tính chuyên môn.
Đây không phải là chuyện riêng của ngành giáo dục. Ngành quản lý thị trường cũng có một đơn vị cấp Cục thuộc Bộ Công Thương nhưng các chi cục lại trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố. Do vậy, việc điều hành hoạt động quản lý thị trường tại địa phương đôi khi phụ thuộc vào một số vị ở UBND các cấp dẫn đến việc kéo dài thời gian, giảm hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng từng phải kêu trong một Hội thảo khoa học: “Mỗi khi có sự việc xảy ra với ngành y, dư luận xã hội và báo chí đổ trách nhiệm cho bộ trưởng. Tôi đứng đầu ngành, tôi nhận, nhưng căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật để chứng minh thì không phải bất cứ việc gì xảy ra cũng đều do lỗi của một mình Bộ Y tế”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mô hình hệ thống tổ chức y tế theo nguyên tắc song trùng trực thuộc. Có nghĩa là, các cơ sở y tế vừa chịu sự quản lý về chuyên môn của Bộ Y tế vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức, nhân lực y tế... “Song trùng trực thuộc thì chế độ trách nhiệm phải được xác lập song trùng” - Bộ trưởng chia sẻ.
Khi một thẩm mỹ viện làm chết người, người ta không quan tâm trách nhiệm cấp phép, giám sát kiểm tra của cơ sở mà hướng sự quan tâm đến bộ quản lý việc chăm sóc sức khỏe. Dù rằng bộ không có quyền cấp phép ai được làm gì, làm ở đâu trên địa phương kia.
Ở đây, chính Bộ trưởng Y tế thừa nhận: đứng đầu ngành thì phải nhận. Nhưng trách nhiệm song trùng, có nghĩa là nếu Hà Giang có gian lận điểm thi thì chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng phải là người xin lỗi chứ không phải ra văn bản yêu cầu “làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên, người thân trong gia đình không tham gia tuyên truyền, bình luận, chia sẻ các thông tin trái chiều, sai lệch, không chính thức trên các trang mạng xã hội, các thiết bị điện thoại, điện tử, Internet...”.
Bây giờ, sau những sự cố mà vai trò của địa phương quá lớn, tôi nhìn lại cái “sự nghiệp” chỉ trích Bộ trưởng đầy phấn khởi của chính mình trên mạng suốt mấy năm qua, và nhận ra có thể việc chỉ trích một vị bộ trưởng, dù có nặng nề đến đâu, không giải quyết được vấn đề của ngành. Nếu chuyện ở địa phương vẫn “khuất mắt trông coi”.