Đây là những kết quả ghi nhận từ đề tài nghiên cứu về mối liên hệ giữa áp lực đồng trang lứa và động lực học tập của học sinh chương trình song ngữ do Nguyễn Linh Anh, lớp 12AL1 Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu thực hiện. Đề tài được khảo sát trên 150 học sinh, độ tuổi từ 15 -18 tuổi, hiện đang là học sinh khối 10 đến khối 12, học chương trình song ngữ của Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội).
Nghiên cứu này được tiến hành từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2024. Mẫu nghiên cứu là mẫu thuận tiện, gồm 150 học sinh đang theo học chương trình song ngữ tại trường THCS và THPT Nguyễn Siêu trên địa bàn quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội). Các khách thể tham gia nghiên cứu bằng cách tình nguyện trả lời vào bảng hỏi trực tuyến. Có 150 phiếu trả lời được thu về, và giữ lại 150 phiếu đưa vào phân tích số liệu.
Về giới tính, số học sinh nam tham gia nghiên cứu là 62 người (41.3%), số học sinh nữ là 88 người (58.7%). Độ tuổi của học sinh từ 15-18 tuổi, độ tuổi trung bình là 16,5
Trong nghiên cứu này, tác giả đã thực hiện xử lý dữ liệu định lượng bằng phần mềm SPSS phiên bản 25.0. Các phép thông kê suy luận được sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm thống kê mô tả, phân tích tương quan nhị biến (Correlation) bằng phần mềm xử lý dữ liệu bằng SPSS phiên bản 25.0.
Form câu hỏi khảo sát |
100% học sinh bị ảnh hưởng áp lực đồng trang lứa ở mức trung bình
Những khách thể trong nghiên cứu đều chia sẻ mình bị ảnh hưởng áp lực đồng trang lứa ở mức trung bình. Trong đó, phần lớn các bạn bị áp lực phải tham gia các hoạt động tương tác xã hội như là đi chơi vào cuối tuần, tham gia buổi tiệc, đặc biệt bị áp lực phải trở nên tốt hơn trong mắt người khác hoặc được người khác công nhận.
Kết quả phân tích tương quan cho thấy có mối liên hệ thuận chiều giữa biến "Áp lực đồng trang lứa đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc bạn cố gắng trở nên ấn tượng hơn trong mắt người khác" và "Bạn đã lo lắng rất nhiều về việc đạt điểm thấp" với hệ số tương quan dương r= 0,413**, cho thấy khi áp lực từ bạn bè lớn thì học sinh sẽ càng lo lắng nhiều về việc đạt điểm thấp.
Tương tự, giữa biến "Bạn có cảm thấy cần phải giỏi hơn bạn bè trong lớp" và "Bạn đã chăm chỉ học tập vì muốn người khác nghĩ rằng bạn là người thông minh" có hệ số 0,416**, cho thấy khi áp lực bạn bè càng cao thì học sinh càng có động lực học tập để chứng tỏ bản than thông minh trước mặt người khác.
Hệ số tương quan r= 0,342** giữa biến "Áp lực bạn bè là nguyên nhân chủ yếu trong việc bạn cố gắng để được công nhận" và "Bạn đã lo lắng rất nhiều về việc đạt điểm thấp" cũng cho thấy mối liên hệ cùng chiều, cho thấy học sinh càng cố gắng để được công nhận thì càng lo lắng về việc mình sẽ đạt điểm thấp.
Báo cáo chỉ ra, áp lực từ bạn bè có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh liên quan đến kết quả học tập và động cơ học tập của sinh viên, với cả mối quan hệ cùng chiều lẫn nghịch chiều.
34% học sinh cho rằng áp lực đồng trang lứa là "đòn bẩy" để nỗ lực
Dựa trên kết quả khảo sát, có 51 học sinh, chiếm 34% trong tổng số 150 học sinh, đã đạt mức 6 (đồng ý một phần) và mức 7 (đồng ý) khi được hỏi về việc “Cảm nhận áp lực từ bạn bè đồng trang lứa như một nguyên nhân chính khiến họ nỗ lực để được công nhận”.
Thêm vào đó, 60 học sinh, tương ứng với 40%, cũng đã phản ánh mức độ đồng ý tương tự khi thừa nhận rằng họ “Cảm thấy cần phải vượt trội hơn các bạn trong lớp”. Đặc biệt, 28.7% học sinh, tương đương với 43 bạn, thường xuyên sống trong lo lắng về việc không nhận được sự công nhận từ bạn bè trong học tập.
Cuối cùng, khi được hỏi về việc liệu bạn bè có thường so sánh điểm số với nhau hay không, có đến 66 học sinh, tương đương với 44%, đã đồng ý với mệnh đề này.
Từ những con số trên, có thể thấy rõ rằng áp lực đồng trang lứa đang hiện hữu với mức độ khá cao trong tâm lý của các bạn học sinh, tạo ra những tác động không nhỏ đến quá trình học tập và sự phát triển cá nhân của các bạn học sinh.
Dựa vào số liệu, chúng ta thấy rằng trong tổng số 150 học sinh, có 28 bạn, chiếm 18,6%, đồng tình với mức 1 (hoàn toàn không đồng ý) và mức 2 (không đồng ý). Điều này cho thấy các bạn học sinh cảm thấy thiếu tự tin trong việc tiếp thu tài liệu mới một cách nhanh chóng và không đồng tình với việc phải nỗ lực học tập chỉ để gây ấn tượng với người khác về khả năng của mình. Ngoài ra, có 22 học sinh, chiếm 14,6%, không tin rằng họ có thể đạt điểm cao.
Từ những con số này, chúng ta có thể nhận thấy rằng động lực học tập của một bộ phận học sinh vẫn còn khá thấp.
Kết quả dự án với học sinh có cảm giác bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa
+ 100% HS đánh giá là hữu ích.
+ 100% HS cảm thấy có tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc.
+ 90% HS cảm thấy có động lực để vượt qua những tiêu cực của áp lực đồng trang lứa
Nghiên cứu chỉ ra được áp lực đồng trang lứa có ảnh hưởng đến động lực học tập học tập của HS học chương trình song ngữ Nguyễn Siêu. Học sinh của trường đều có động lực khá cao trong học tập, cao hơn các nghiên cứu trong các nghiên cứu trước đây về học sinh học một chương trình. Tuy chưa có đủ điều kiện để kết luận về nguyên nhân nhưng có thể thấy học sinh học nhiều môn, song ngữ nhưng có nhiều lựa chọn chủ động theo sở thích và năng lực có thể làm giảm ảnh hưởng tiêu cực của áp lực đồng trang lứa.
Học sinh trường Nguyễn Siêu cảm nhận được áp lực đồng trang lứa ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, đúng với giả thuyết đặt ra ban đầu, dựa vào kết quả có 28,7% - 44% học sinh trên tổng số 150 học sinh được khảo sát gặp tình trạng áp lực đồng trang lứa khá cao trong học tập. Ngoài ra có một số ít học sinh khoảng 18,6% trên tổng 150 các bạn học sinh được khảo sát có động lực học tập ở mức khá thấp.
Theo đó, việc học chương trình song ngữ không làm tăng mặt tiêu cực áp lực của áp lực đồng trang lứa của học sinh.
Các hoạt động câu lạc bộ có thể làm giảm được áp lực đồng trang lứa.
Xây dựng dự án giảm áp lực cho học sinh
Dự án "Safety Pin" nhằm hỗ trợ học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 trong việc nhận diện và giảm thiểu áp lực đồng trang lứa.
Mục tiêu chính của dự án là giúp học sinh hiểu rõ hơn về khái niệm áp lực đồng trang lứa và những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến tinh thần và động lực trong học tập. Bên cạnh việc nhận diện áp lực, dự án còn cung cấp cho học sinh những chiến lược cụ thể để đối phó với áp lực, từ kỹ năng giao tiếp cho đến quản lý thời gian và tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, giáo viên và gia đình.
Học sinh sẽ tham gia vào các hoạt động thú vị, bắt đầu với trò chơi "Đoán Cảm Xúc". Tại đây, học sinh chia thành các nhóm và thể hiện cảm xúc liên quan đến các tình huống áp lực mà không sử dụng lời nói, khuyến khích sự sáng tạo và tăng cường khả năng giao tiếp. Tiếp theo, hoạt động "Bingo Áp Lực" sẽ giúp các bạn học sinh khám phá những cụm từ gắn liền với áp lực trong học tập, từ đó nhận diện được mức độ áp lực mà bản thân đang trải qua.
Sau phần mở đầu, sẽ giới thiệu về khái niệm áp lực đồng trang lứa và ảnh hưởng của nó đến học sinh. Qua đó, HS sẽ được cung cấp những lời khuyên hữu ích, như cách diễn đạt cảm xúc một cách tự tin, lập kế hoạch và phân bổ thời gian học tập hợp lý. Những kỹ năng này không chỉ giúp các bạn học sinh đối phó với áp lực mà còn nâng cao động lực trong học tập.
Trong phần hoạt động tạo dựng ở nửa cuối tiết học, học sinh sẽ được phát nguyên liệu để làm móc khóa hoặc vòng tay hình chiếc ghim an toàn. Hoạt động này không chỉ tạo cơ hội cho HS thể hiện sự sáng tạo mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về việc bảo vệ bản thân. Chiếc ghim an toàn là biểu tượng của sự bảo vệ và nhắc nhở về động lực học tập trong cuộc sống.
Hộp chia sẻ cảm xúc |
Cuối cùng, trong phần kết thúc, học sinh sẽ có cơ hội chia sẻ cảm xúc và bài học qua "Hộp chia sẻ cảm xúc". HS sẽ viết những suy nghĩ của mình lên giấy và bỏ vào hộp, từ đó tạo ra một không gian thảo luận cởi mở. Bên cạnh đó, việc viết bức thư cho chính mình sẽ giúp học sinh ghi lại cảm xúc, quyết tâm và mục tiêu sau tiết học, và những bức thư này sẽ được lưu giữ để đọc lại vào cuối học kỳ, tạo điều kiện cho HS nhìn nhận những tiến bộ của bản thân.