Cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới

0:00 / 0:00
0:00
MF, WB, UNDP và ADB đều đánh giá tích cực về Việt Nam và thể hiện lạc quan rằng vượt ra ngoài những hạn chế chung, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bước vào giai đoạn phát triển tốt trước mắt.
Cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới

“Đà tăng trưởng của Việt Nam ngược với xu hướng giảm tốc ở những nơi khác của châu Á” - có thể tổng hợp đánh giá của các tổ chức quốc tế về kinh tế Việt Nam bằng nhận định được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong dự báo kinh tế mới nhất hồi tháng Chín.

Trong bối cảnh thế giới cùng lúc đối mặt với lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lương thực trong khi chưa thoát khỏi đại dịch COVID-19, triển vọng kinh tế toàn cầu được dự báo khá ảm đạm, Việt Nam nằm trong số ít nền kinh tế được đánh giá vẫn duy trì mức tăng trưởng cao.

Mạng bangkokpost.com ngày 19/9 đăng bài viết có tựa đề "Đỉnh cao so với phần còn lại" (Towering above the rest), nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng kinh tế hiếm hoi với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ổn định và là "miền đất hứa" cho các nhà đầu tư.

Báo Financial Times (Anh) ngày 26/9 đã đăng bài viết phân tích về nhóm “7 kỳ quan kinh tế thế giới,” trong đó có Việt Nam.

Bài báo nêu rõ không quá bất ngờ khi Việt Nam nằm trong danh sách 7 nước có hoạt động kinh tế hiệu quả và coi đây là minh chứng điển hình cho thấy các chính sách của chính phủ đang phát huy hiệu quả. Việt Nam đang tăng trưởng gần 7%, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trong khi đó, nhật báo La Repubblica của Italy nhận định năm 2022 Việt Nam sẽ trở thành "con hổ mới" ở châu Á sau khi Ngân hàng thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Những nhận định trên đều xuất phát từ đánh giá của các tổ chức kinh tế-tài chính uy tín về tình hình kinh tế Việt Nam.

IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thời gian gần đây khi công bố các dự báo về triển vọng kinh tế ngắn hạn đều đánh giá tích cực về Việt Nam và thể hiện lạc quan rằng vượt ra ngoài những hạn chế chung, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bước vào giai đoạn phát triển tốt trước mắt.

IMF nêu rõ triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam đang đi ngược lại xu hướng tăng trưởng chậm lại ở châu Á.

IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra 3 tháng trước và là sự điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Dù theo IMF, tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 có thể giảm còn 6,7%, nhưng con số này vẫn đi ngược với viễn cảnh u ám ở các nước khác và là mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.

Tương tự, trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB dự báo Việt Nam dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng 7,2%, tăng từ dự báo 5,3% đưa ra hồi tháng Tư.

Trong khi đó, ADB dù hạ mức dự báo của hầu hết các nước trong khu vực nhưng vẫn giữ nguyên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với GDP dự kiến tăng 6,5% năm nay và 6,7% năm tới.

ADB tin rằng Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023.

Về phần mình, UNDP đánh giá cao việc Việt Nam có đủ khả năng để khôi phục đà phát triển đã bị đình trệ do COVID-19 và quản lý những bất ổn liên quan đến các cuộc khủng hoảng, đặc biệt ấn tượng khi Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch.

Phân tích về những yếu tố giúp Việt Nam duy trì hoạt động kinh tế tốt trong bối cảnh khó khăn chung, hầu hết các tổ chức và chuyên gia đều chỉ ra những động lực chính, trong đó nhấn mạnh chính phủ đã áp dụng những chính sách đúng đắn và kịp thời giúp Việt Nam nhanh chóng tìm được con đường thuận lợi để khôi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Theo IMF và ADB, trong nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát và áp dụng chiến lược sống chung với COVID-19 cũng như tiến hành chiến dịch tiêm chủng.

Hoạt động di chuyển trong nước trở lại hoàn toàn bình thường và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại sau đại dịch COVID-19 đối với khách nước ngoài góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022, là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ.

Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, cùng với đó là sản lượng sản xuất cao và sự phục hồi trong hoạt động bán lẻ và du lịch.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP Jonathan Pincus đánh giá việc triển khai nhanh chóng và phổ cập vaccine đã giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường và giảm áp lực cho các bệnh viện, trạm y tế và trường học.

Chính sách linh hoạt và thích ứng của chính phủ đã giúp các ngành như du lịch và vận tải có thể phục hồi ấn tượng vào năm 2022.

Bên cạnh đó, theo IMF, nhờ chủ động sản xuất lương thực và thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước nên áp lực lạm phát của Việt Nam xuất hiện chủ yếu ở một số hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải.

Người tiêu dùng hầu như không bị ảnh hưởng bởi giá thực phẩm tăng vọt trên toàn cầu vì nguồn cung trong nước dồi dào. Giá các dịch vụ như y tế và giáo dục cũng tăng vừa phải.

ADB cũng đánh giá cao chính sách tiền tệ “thận trọng” của Việt Nam và việc kiểm soát giá “hiệu quả,” đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% năm nay và 4,0% năm tới, không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á” vào tháng 4/2022.

Dù vậy, trong bối cảnh nguy cơ suy thoái bao trùm, kinh tế Việt Nam cũng sẽ khó tránh bị tác động.

Theo IMF, trên đà phục hồi kinh tế, Việt Nam cũng gặp phải những trở ngại do tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, đồng nghĩa là nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm, đặc biệt là từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Tương tự, ADB nhận định suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tình trạng thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động đến sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.

Đây cũng là những yếu tố mà WB cho là sẽ gây thách thức cho kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, theo IMF, Việt Nam đang siết chặt các quy định tài chính khi Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc này làm tăng chi phí tài chính và có thể khiến dòng vốn chảy ra ngoài.

Bất ổn về thương mại toàn cầu và thị trường tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi, làm giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, làm chậm tốc độ tăng trưởng sản xuất và công nghệ.

UNDP lưu ý rằng thách thức lớn với kinh tế Việt Nam phải kể đến là biến đổi khí hậu khiến người dân phải di dời và tác động tới sinh kế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức độ phát triển con người ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất.

Thách thức tiếp theo là sự phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào xu hướng tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới. Xung đột ở Ukraine, căng thẳng giữa các nước lớn, giá cả tăng cao và sự gián đoạn đối với các mô hình thương mại toàn cầu là những nguyên nhân quan trọng gây ra sự thiếu chắc chắn.

Các tổ chức trên đều chung nhận định rằng những yếu tố này có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách phải linh hoạt và mau chóng thích ứng với các biện pháp rõ ràng.

Chính sách tài khóa cần đi đầu trong việc hỗ trợ phục hồi, nên được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với các điều kiện kinh tế đang biến động.

Ngân hàng nhà nước cần tập trung vào rủi ro lạm phát gia tăng và sẵn sàng hành động khi cần thiết, vẫn cam kết đạt được mục tiêu lạm phát.

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục xử lý các vấn đề trong hệ thống ngân hàng và giám sát chặt chẽ các rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản để đảm bảo ổn định tài chính.

Ngay cả sau nhiều thập kỷ đạt được những thành tựu ấn tượng, Việt Nam vẫn cần phải cải cách kinh tế sâu rộng để đạt được các mục tiêu phát triển.

UNDP khuyến nghị Việt Nam tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu để nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia và năng lực điều chỉnh nhanh chóng, linh hoạt trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.

Giải quyết những thách thức này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao và tiếp tục thúc đẩy chính sách phát triển bền vững hướng tới vị thế thu nhập cao hơn.

Điều quan trọng là chiến lược phát triển của Việt Nam đã bao gồm các cải cách này và việc thực hiện một cách quyết liệt sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, bao trùm và toàn diện.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).