Cả xã hội vào cuộc
Cùng với quá trình đô thị hóa và tốc độ di dân ngày càng tăng theo con số cơ học mà Hà Nội ngày nay hội tụ mọi vùng miền, mọi lối sống… Bởi thế, văn hóa trong cộng đồng Hà Nội hôm nay hòa quyện, đan xen nhiều mảng màu địa phương khác nhau. Đó là lý do mà thành phố Hà Nội ban hành nhiều chế tài và 2 Bộ quy tắc ứng xử: “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng” và “Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính TP Hà Nội” nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi ứng xử, gìn giữ nét văn hóa đẹp của người Hà Nội.
Hai Bộ quy tắc ứng xử đưa ra những điều nên và không nên làm khá gần gũi với đời sống, chẳng hạn không gây tiếng ồn, mất trật tự; không xả rác trái quy định; không hút thuốc, không thả rông vật nuôi… Nên ưu tiên, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già trẻ em, ăn mặc lịch sự phù hợp hoàn cảnh, nói lời cảm ơn xin lỗi phù hợp… Hai bộ quy tắc này không phải văn bản pháp quy, bắt buộc mọi công dân phải thực hiện, mà chỉ đưa ra chuẩn mực chung, khuyến cáo người dân cùng thực hiện. Nhưng thực tế, 2 Bộ quy tắc ứng xử được các Sở, ban ngành và các quận huyện quyết liệt thực hiện.
Ngay từ khi Bộ quy tắc ứng xử được “bấm nút khởi động”, Sở Văn hóa - Thể thao đã in 30 nghìn sổ tay Quy tắc ứng xử chuyển tới toàn bộ các cơ quan của thành phố, các quận, huyện, thị xã để triển khai tới cán bộ, công chức, nhân dân. Tiếp đó là hàng loạt các quận, huyện rục rịch triển khai thực hiện. Quận Ba Đình niêm yết nội dung Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại trụ sở UBND quận và 14 phường. Quận Bắc Từ Liêm tổ chức cho 100% phòng, ban, đơn vị ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử, in 1.200 quyển Quy tắc và 25 nghìn tờ rơi tuyên truyền Quy tắc ứng xử công cộng phát cho các hộ dân... Mới đây nhất, quận Hoàn Kiếm tổ chức hội thi tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng năm 2018 cho 18 phường trên địa bàn quận….
Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đầu tháng 8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, hai Bộ Quy tắc ứng xử đã được triển khai sâu rộng từ Thành phố đến cơ sở, các tổ dân phố, kết quả bước đầu cho thấy đã có tác dụng, đặc biệt là đối với các cơ quan hành chính nhà nước.
Điều chỉnh từ mỗi nếp nhà
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội đưa quan điểm, nhiều người đổ tội những mặt hạn chế trong ứng xử của Hà Nội thời gian gần đây là do người Hà Nội nay đã bị pha tạp, người Hà Nội gốc ít hơn người Hà Nội nhập cư. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, nguyên nhân không phải vậy. “Phải nhìn nhận rằng, người nhập cư không chỉ là những người lao động kiếm sống mà còn là những nhân vật xuất sắc của địa phương khác về Hà Nội và làm đẹp, cống hiến công sức, trí tuệ cho Thủ đô. Chuẩn mực văn hóa thanh lịch, văn minh là chung cho mọi người”.
Để điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi… của cả cộng đồng không thể thực hiện sau 1-2 năm mà phải thực hiện kiên trì, bền bỉ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia văn hóa, việc xây dựng một hệ thống quy tắc trong các môi trường giao tiếp của Hà Nội để hình thành bản sắc riêng phù hợp với truyền thống, mang nét đẹp hiện đại là một việc làm cấp thiết để gìn giữ nét văn hóa Hà Nội. Nhưng không nên chỉ thực hiện ráo riết Bộ Quy tắc ứng xử trong mỗi cơ quan, đoàn thể hay ngoài xã hội; không nên thực hiện bằng cách in hàng nghìn bộ quy tắc ứng xử phát trong cộng đồng; một trong những việc cần làm là mỗi ông bà, cha mẹ phải tự điều chỉnh, uốn nắn con cháu mình hành xử, ăn nói thật văn minh, thanh lịch.
Suy cho cùng, văn hóa trong xã hội lấy cái gốc từ gia đình. Xây dựng văn hóa phải đặc biệt chú trọng tới văn hóa, tổ ấm gia đình. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Mọi người có được giáo dục tốt từ gia đình thì mới có thể có được ứng xử hay ngoài xã hội. Quy tắc ứng xử chính là nếp sống văn minh, văn hóa của mỗi người được thực hiện nền nếp ngay từ trong gia đình.
Hà Nội là một không gian văn hiến, anh hùng, hòa bình, nơi hội tụ của văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài. Để giữ gìn và phát huy truyền thống đó trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các bộ quy tắc ứng xử phải được triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn, thực sự trở thành nếp sống tốt đẹp trong cộng đồng dân cư… Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cần đẩy mạnh vận động người dân về văn hóa ứng xử tại nơi công cộng, nhất là Hà Nội đang trở thành siêu đô thị với trên 10 triệu dân, nếu không biết cách ứng xử văn hóa sẽ không thể có sự bình yên. Trong đó, các khu đô thị xây dựng văn hóa chung cư để hướng tới đô thị văn minh” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.