COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế Gig

COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế Gig

Thuật ngữ “nền kinh tế Gig” dùng để chỉ nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian. Kể từ khi đại dịch bùng phát, ngày càng có nhiều người lao động tự do.

_____________

COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế Gig ảnh 1

Chỉ hơn một năm trước, Chiya Amos, người Singapore, vẫn sống bằng đam mê với công việc chỉ huy dàn nhạc cổ điển tại các vở ballet và nhạc kịch ở Nga.

Kể từ tháng 1 năm nay, đều đặn 12 tiếng mỗi ngày, Amos đạp xe vòng quanh Singapore, bất chấp cái nóng để giao các đồ ăn, thức uống và hàng hóa nhẹ.

Đại dịch COVID-19 đã kìm hãm sự nghiệp của Amos, buộc các hợp đồng biểu diễn dài hạn của anh phải tạm dừng khi tình hình dịch bệnh tại Nga tăng chóng mặt. Sau 10 tháng thất nghiệp, Amos trở về Singapore để tránh dịch cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn ở quê nhà.

Nhưng không có dàn nhạc nào chào đón Amos khi anh trở về.

COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế Gig ảnh 2

“Nhiều đồng nghiệp cũng rơi vào cảnh thất nghiệp như tôi, chẳng ở đâu chịu chứa chấp các nhạc công như chúng tôi”, Amos than thở. “Tôi đã nộp đơn tới hơn 40 chỗ khác nhau, nhưng hầu hết đều không phản hồi”.

Mặc dù mức thu nhập của công việc giao hàng này không kém cạnh so với làm nhạc trưởng, thế nhưng Amos phải bỏ nhiều thời gian hơn để rong ruổi ngoài đường và sức khỏe cũng vì thế bị bào mòn.

Giữa các ca làm việc, Amos không quên nghe lại các vở nhạc kịch Verdi (Giuseppe Verdi, một nhà soạn nhạc opera người Ý) và nói chuyện hàng ngày với vợ mình ở Nga, cả hai đã không được đoàn tụ hơn một năm qua.

“Tôi nhớ cảm giác được đứng trên sân khấu. Tôi nhớ được làm việc với dàn nhạc, tôi nhớ nhất những lần vẩy tay và tạo ra ma thuật từ âm nhạc”, người nhạc trưởng trăn trở.

Để giữ cho tâm trí tích cực, Amos tự tìm ra những điểm tương đồng giữa công việc giao hàng và chỉ huy dàn nhạc giao hưởng.

“Là một người giao hàng, tôi mang thức ăn, nguồn sống tới cho mọi người. Còn với tư cách một nhạc trưởng, tôi mang tới thức ăn cho đôi tai, nguồn dinh dưỡng cho tâm hồn và trí óc khán giả”, Amos ví von.

COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế Gig ảnh 3

Trên khắp thế giới, dịch bệnh COVID-19 đã làm tiêu tan hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 81 triệu việc làm đã bị mất đi vào năm 2020, theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Tuy nhiên, 2020 là một năm bùng nổ của các công ty thương mại điện tử ở các quốc gia Đông Nam Á. Bất chấp cuộc suy thoái do đại dịch gây ra, các giao dịch thương mại điện tử trong cùng năm đã tăng 52% lên 32 tỷ USD theo cuộc khảo sát gần đây nhất của e-Conomy SEA 2020.

Thương mại điện tử và giao hàng là một trong số ít ngành có lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế bị tàn phá.

COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế Gig ảnh 4

Nổi bật trong số đó là Gojek, siêu tập đoàn “cây nhà lá vườn” của Indonesia. Hiện Gojek đang hoạt động tại hơn 200 thành phố và thị trấn tại 5 quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó Indonesia vẫn là cơ sở lớn nhất. Công ty cho biết họ có 2 triệu đối tác tài xế.

Bất chấp những hạn chế về đại dịch, Gojek vào tháng 11 năm ngoái đã “chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu ổn định trong suốt hoạt động kinh doanh của mình” với hơn 12 tỷ USD tổng giá trị giao dịch hàng năm - tăng 10% so với năm trước.

Các công ty như Gojek hay Grab phụ thuộc vào các tài xế giao hàng có thu nhập tương đối thấp như Komaruddin, thanh niên 28 tuổi cho biết anh kiếm được khoảng 200.000 rupiah (14 USD) mỗi ngày kể từ khi gia nhập “đội quân áo xanh”.

Trước đại dịch, Komaruddin làm việc 12 giờ mỗi ngày, rong ruổi mọi hang cùng ngõ hẻm và chỉ được nghỉ một ngày mỗi tuần.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tài xế này còn bận bịu hơn trước. Số giờ làm của Komaruddin tăng lên 16, và cứ hai tuần mới dám nghỉ xả hơi một ngày. Vất vả là vậy, thế nhưng thu nhập của Komaruddin lại giảm đi một nửa so với trước kia.

“Hai đứa con của tôi thường phàn nàn về việc hiếm khi nhìn thấy bố ở nhà”, Komaruddin nói. “Tôi sẽ cố gắng tìm một công việc khác nếu có thể. Nhưng tình hình hiện vẫn hết sức khó khăn”.

Thu nhập của các tài xế giảm một phần do hoạt động kinh doanh sinh lợi từ việc chở hành khách đã cạn kiệt, trong khi hoạt động giao đồ ăn, dù nhảy vọt, lại tốn nhiều thời gian nhưng thù lao lại thấp. Có lần, Komaruddin đã phải đợi suốt 1 giờ đồng hồ vào lúc nửa đêm vì khách hàng ngủ quên.

Gojek gọi những người như Komaruddin là “đối tác tài xế” thay vì nhân viên chính thức, đồng thời khuyến khích các tài xế đăng ký chương trình bảo hộ người lao động của chính phủ, bao gồm bảo hiểm tai nạn và nhân thọ.

“Trước đây Gojek áp dụng mức thưởng trong ngày cho những tài xế đáp ứng hạn ngạch giao hàng, thì hiện tại chương trình này đã bị đình chỉ, có nghĩa là tiền trả cho mỗi đơn giao hàng giảm trung bình 20%”, theo Igun Wicaksono, Chủ tịch Hiệp hội Hai bánh, một tổ chức gồm 100.000 tài xế Gojek và Grab trên Indonesia.

Wicaksono cho biết các thành viên trong hiệp hội cũng gặp không ít rủi ro như tai nạn giao thông hay thậm chí là mắc COVID-19.

Năm ngoái, Gojek cho biết đã huy động được hơn 100 tỷ rupiah (7,1 triệu USD) trong quỹ hỗ trợ cho các đối tác tài xế của mình để phân phát hàng triệu phiếu đồ ăn và hàng trăm nghìn gói thực phẩm thiết yếu cho các tài xế và gia đình của họ.

COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế Gig ảnh 5

Vài năm trở lại đây, nền kinh tế Gig đã phổ biến trên toàn thế giới, thậm chí đại dịch tạo cơ hội cho những nghề giao hàng, lái xe trở nên bùng nổ.

Nhiều người đã chuyển sang làm tự do trong khi chờ đợi một công việc lâu dài hoặc coi nó như một nguồn sung thu nhập của họ trong khi tham gia vào các dự án kinh doanh, giáo dục hoặc khởi nghiệp.

Một phần của cuộc cách mạng này đã được hỗ trợ bởi công nghệ - sự gia tăng của các ứng dụng cho phép đặt hàng bất cứ thứ gì bằng điện thoại của mình.

Công việc giao đồ ăn hoặc tài xế công nghệ có thể bị mang tiếng là không ổn định, nhưng nhà kinh tế học Sumit Agarwal của Đại học Quốc gia Singapore đánh giá cao tiềm năng và lợi thế của nền kinh tế Gig trong thời đại dịch.

Theo ông Agarwal, nền kinh tế Gig đã cung cấp một giải pháp cho nhiều người chưa tìm được việc làm toàn thời gian. Trong giai đoạn Singapore phong tỏa, người lao động từ các ngành du lịch và dịch vụ đã chuyển sang các công việc như giao đồ ăn để kiếm sống.

Đối với những người lao động ở bậc thấp trong thang kỹ năng - đây là một cơ hội quá tốt. Các tài xế và nhân viên giao đồ ăn từ các công ty như Grab, Gojek được cho là có thể kiếm được hàng nghìn đơn hàng mỗi tháng.

Nếu không có nền kinh tế Gig, những người lao động này sẽ bị giới hạn trong những công việc cố định như thu ngân hoặc bảo vệ, tạp vụ, với những ca làm việc dài còn lương thì thấp.

COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế Gig ảnh 6

Cùng với sự lên ngôi của nền kinh tế Gig, câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì để hỗ trợ những người lao động trong hệ sinh thái này, vốn vẫn chịu nhiều biến động của thị trường.

Tại Singapore, các biện pháp hỗ trợ các chương trình đào tạo và tăng cường tiết kiệm lương hưu của nhân viên nền kinh tế Gig đã được triển khai vào năm ngoái.

“Lý tưởng nhất là sẽ có các chương trình cho những người lao động Gig được đào tạo về các kỹ năng phù hợp với lĩnh vực làm việc tự do của họ để tạo ra tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này. Người lao động Gig có thể được đào tạo để tương tác tốt hơn với khách hàng. Họ cũng có thể học cách tạo dựng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng với tư cách là một cá thể độc lập và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình”, ông Agarwal chỉ ra.

Heru Sutadi, giám đốc điều hành viện nghiên cứu nền kinh tế kỹ thuật số có trụ sở tại Jakarta, chỉ ra rằng vào khoảng năm 2015, khi kỷ nguyên của Gojek mới hình thành, các tài xế có thể dễ dàng kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu vùng của Jakarta.

COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế Gig ảnh 7

Điều đó đã thu hút nhiều người chuyển sang chạy xe, ước tính hiện có khoảng 4 triệu tài xế trực tuyến ở Indonesia đang làm việc cho Gojek và Grab. Các tài xế đang cạnh tranh nhiều hơn để có được thu nhập ít hơn và đại dịch đã làm trầm trọng thêm hoàn cảnh của họ.

“Đại dịch thực sự đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả thu nhập của các tài xế công nghệ”, Sutadi nói. “Nhưng những nền tảng này đã thu được rất nhiều khoản đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, họ nên chú ý nhiều hơn đến phúc lợi của các đối tác. Vì sau cùng, chính các tài xế mới là những người đã giúp các công ty này phát triển”.

Bài: Bắc Hiệp

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.