Vaccine COVID-19: Chia sẻ hay tích trữ?

Vaccine COVID-19: Chia sẻ hay tích trữ?

Nguồn cung vaccine COVID-19 toàn cầu được dự báo sẽ còn khan hiếm trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm tới. Các chính phủ trên khắp thế giới đang đứng trước áp lực chính trị phải tìm kiếm đủ số liều vaccine cho công dân của mình.

__________________________

Khoảng 190 quốc gia, trong đó có 64 nước thu nhập cao, đã gia nhập Cơ chế COVAX - một sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bảo trợ nhằm phân phối vaccine một cách công bằng tới mọi quốc gia. Tuy nhiên, để không bị bỏ lại phía sau, nhiều chính phủ đã nỗ lực chiếm lợi thế bằng cách ký các thỏa thuận song phương với các tập đoàn dược phẩm nhằm được ưu tiên mua vaccine.

Nhiều quốc gia tận dụng các thỏa thuận song phương này để mua được số liều vaccine cao hơn nhiều lần so với dân số. Tiêu biểu như Canada qua thỏa thuận với nhiều tập đoàn dược phẩm khác nhau đã mua về tổng số liều vaccine lớn hơn gần 9 lần so với dân số 37 triệu người của quốc gia này. Những thỏa thuận tương tự đã giúp cho các quốc gia thu nhập cao giảm thiểu nguy cơ thiếu vaccine trong trường hợp vaccine của một nhà sản xuất nào đó không phát huy tác dụng trong thực tế. Tuy nhiên, chúng cũng hạn chế khả năng tiếp cận vaccine của các quốc gia thu nhập thấp hơn trong bối cảnh cung không đủ cầu như hiện tại.

Vaccine COVID-19: Chia sẻ hay tích trữ? ảnh 1

Các chính phủ biện giải việc ký các thỏa thuận song phương này bằng một lập luận đơn giản: Họ phải tích trữ đủ liều vaccine để cung cấp cho các công dân của mình. Một số chính phủ khác thì lập luận rằng họ đã bỏ tiền bỏ của cho việc phát triển vaccine COVID-19, bởi vậy được quyền ưu tiên với những mẻ sản phầm đầu tiên. Tuy nhiên, một khi vaccine đang là một nguồn tài nguyên quý hiếm có tính sống còn thì một vấn đề đạo đức cơ bản vẫn được đặt ra: Các quốc gia tích trữ bao nhiêu liều vaccine là đủ trước khi họ có nghĩa vụ phải nhường quyền tiếp cận cho các quốc gia khác?

Một nhóm các nhà nghiên cứu chính trị đến từ một số trường đại học hàng đầu của Mỹ, Canada và Australia đề xuất cơ cấu Quyền Ưu tiên Công bằng cho Cư dân (FPR) - một cơ cấu đặt ra giới hạn bắt buộc các quốc gia phải chia sẻ nguồn tài nguyên vaccine cho các quốc gia khác tại thời điểm số người tử vong trực tiếp và gián tiếp vì COVID-19 tương đồng với số người tử vong trong dịch cúm mùa. Mỗi năm, có hàng chục nghìn người Mỹ tử vong vì dịch cúm, tuy nhiên chính phủ Mỹ coi như một nguy cơ y tế thông thường. Chính phủ có một số biện pháp khiêm tốn nhằm cung cấp vaccine, nhưng không phổ cập vaccine hay quy định đeo khẩu trang đối với dịch cúm mùa.

Dựa trên thực tế này, nhóm các nhà nghiên cứu đa quốc gia đề xuất các chính phủ thực hiện nghĩa vụ ưu tiên cung cấp vaccine cho các cư dân của mình nhằm giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19 xuống bằng với mức trước khủng hoảng, nghĩa là tương đương với tỉ lệ tử vong do cúm mùa. Khi đã đạt được mốc này, họ phải ưu tiên cho người dân tại các quốc gia đang đứng trước hiểm họa COVID-19 nghiêm trọng hơn thay vì tiếp tục theo đuổi mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19 trong nước.

Vaccine COVID-19: Chia sẻ hay tích trữ? ảnh 2
Vaccine COVID-19: Chia sẻ hay tích trữ? ảnh 3

Có hai hệ tư tưởng chính trị đối lập chi phối các cuộc thảo luận về chia sẻ tài nguyên trong các tình huống khẩn cấp y tế toàn cầu: Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thế giới. Chủ nghĩa thế giới cho rằng biên giới quốc gia không mang nhiều ý nghĩa đạo đức trong những tình huống như thế này. Các cá nhân không thể tự lựa chọn nơi sinh của mình, bởi vậy biên giới quốc gia không thể trở thành yếu tố chi phối quyền tiếp cận những can thiệp y tế mang tính sống còn của mỗi con người. Ở chiều ngược lại, chủ nghĩa dân tộc cho rằng chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ công dân và đặt quyền lợi của họ lên cao nhất. Bởi vậy, các chính phủ được phép - thậm chí là buộc phải - lấy quyền lợi công dân làm ưu tiên hàng đầu.

Nếu ở dạng cực đoan, cả hai hệ tư tưởng này đều không phải là câu trả lời thích đáng cho bài toán chia sẻ nguồn tài nguyên vaccine COVID-19. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan chối bỏ nguyên tắc đạo đức đặt con người lên trên mọi biên giới quốc gia, trong khi chủ nghĩa thế giới cực đoan lại bỏ qua nghĩa vụ của chính phủ đối với người dân của mình. Trên thực tế, chủ nghĩa thế giới là điều không tưởng, bởi nó không tạo đủ động lực chính trị để thiết lập một cơ chế toàn cầu phân phối vaccine công bằng tới mọi quốc gia.

Vaccine COVID-19: Chia sẻ hay tích trữ? ảnh 4

Cơ chế COVAX hiện đang không thể thu hút đủ nguồn tài trợ, và các thỏa thuận song phương vẫn đang tiếp tục nở rộ. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan dù khả thi hơn nhưng lại là hướng đi thiển cận bởi hai lý do: Tỉ lệ tử vong cao tại một số quốc gia có thể tạo ra hiệu ứng kinh tế bất lợi với các quốc gia khác, và bởi nó không nhận thức được tầm quan trọng của các lợi thế do quyền lực mềm mang lại khi một quốc gia giúp đỡ các quốc gia khác vượt qua khủng hoảng.

Lời giải tiềm năng cho bài toán chia sẻ tài nguyên vaccine thời COVID-19 là tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa hai hệ tư tưởng này. Theo đó, các quốc gia được phép tích trữ đủ số liều vaccine để đạt tới miễn dịch công đồng, nhưng buộc phải hiến tặng số vaccine dư cho COVAX để tái phân phối cho các quốc gia đang trong tình trạng nghiêm trọng hơn. Một số chuyên gia đặt ra mốc miễn dịch cộng đồng ở tỉ lệ 70% dân số được tiêm vaccine, tuy nhiên tỉ lệ này sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm mức độ lây nhiễm và công hiệu của vaccine. Điều này có nghĩa là từ khía cạnh đạo đức, các quốc gia không nên tích trữ số liều vaccine nhiều hơn số lượng đủ dùng cho 70% dân số của mình.

Vaccine COVID-19: Chia sẻ hay tích trữ? ảnh 5
Vaccine COVID-19: Chia sẻ hay tích trữ? ảnh 6

Cơ chế FPR sử dụng nguy cơ cúm mùa làm mốc giới hạn. Theo cơ chế FPR, các chính phủ về mặt đạo đức có thể tích đủ số liều vaccine để đạt tới tỉ lệ tử vong trước khủng hoảng, tức là tương đương với tỉ lệ tử vong trong các dịch cúm mùa. Khi khống chế được tỉ lệ tử vong, các quốc gia có điều kiện nới lỏng phong tỏa và người dân trở về cuộc sống bình thường.

Một điều kiện tiên quyết là các chính phủ này vẫn phải tiếp tục các biện pháp phòng dịch tăng cường như đeo khẩu trang, lọc không khí tại không gian công cộng nhằm mục đích giảm thiểu số liều vaccine cần thiết để kiểm soát tỉ lệ tử vong. Về mặt đạo đức, các chính phủ không thể phí phạm vaccine chỉ để nới lỏng các biện pháp phòng dịch này khi điều đó đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội sống của người dân ở những quốc gia khác.

Vậy theo cơ chế FPR, tại một quốc gia, bao nhiều người được tiêm phòng là đủ? Câu trả lời sẽ không đồng nhất dựa trên các chủng virus khác nhau và công dụng của từng loại vaccine khác nhau. Theo một mô hình do các nhà nghiên cứu Đại học Princeton phát triển dựa trên tiền đề vaccine có công dụng phòng dịch trong vòng 1 năm, những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 như Mỹ và Anh sẽ cần phải tiêm phòng cho khoảng 25% dân số và duy trì tỉ lệ tiêm phòng 1% dân số mỗi tuần (tương đương 50% trong một năm) để giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19 xuống ngang bằng tỉ lệ tử vong do cúm mùa. Sau đó, cơ chế FPR sẽ buộc các quốc gia này chia sẻ vaccine với cơ chế COVAX nhằm phân phối cho các quốc gia khác. FPR không đặt ra mốc cụ thể cho số người được tiêm phòng tại một quốc gia mà dựa trên tình hình COVID-19 biến đổi ở từng nước.

Vaccine COVID-19: Chia sẻ hay tích trữ? ảnh 7

Sẽ có nhiều lập luận được các quốc gia đặt ra để phản đối cơ chế FPR. Các quốc gia thu nhập cao như Mỹ, Canada sẽ lập luận họ đã bỏ tiền của để phát triển vaccine, bởi vậy việc được ưu tiên tiếp cận là công bằng. Một số quốc gia khác như Australia, New Zealand sẽ lập luận rằng họ đã hy sinh quyền lợi kinh tế để khống chế tốt dịch bệnh và không chấp nhận việc các quốc gia quản lý dịch bệnh một cách vô trách nhiệm hơn giờ đây lại được quyền ưu tiên tiếp cận vaccine.

Tuy nhiên, một thứ vaccine có ý nghĩa sống còn như vaccine COVID-19 không thể phân phối dựa trên đẳng cấp giàu nghèo, cũng không thể lấy ra làm sự trừng phạt cho hành vi không tốt trong quá khứ. Nó cần hướng tới tương lai, và hướng tới mục đích chung là giảm gánh nặng COVID-19 toàn cầu xuống mức có thể chấp nhận.

Vaccine COVID-19: Chia sẻ hay tích trữ? ảnh 8

Cơ chế chia sẻ vaccine FPR và nguyên tắc lấy chuẩn của cúm mùa áp dụng cho COVID-19 là câu trả lời cho những khúc mắc lớn nhất của các quốc gia xung quanh việc giải quyết đại dịch này. Nếu cơ chế này được chấp nhận, thế giới có cơ hội xây dựng nền tảng một thỏa thuận quốc tế theo đó các quốc gia có thể xây dựng kế hoạch phân phối vaccine một cách có trách nhiệm.

Một bài học quan trọng có thể rút ra từ đại dịch COVID-19 là thế giới đang rất cần những thể chế quốc tế vững mạnh nhằm đối phó hiệu quả với các tình trạng khẩn cấp y tế. Nếu thiếu đi những thể chế này, các quốc gia thu nhập cao sẽ quay cuồng trong cuộc chiến tranh giành tài nguyên, trong khi các quốc gia thu nhập thấp sẽ phải dựa vào nguồn viện trợ từ thiện. Kết quả là công cuộc đối phó, giải quyết thảm họa của toàn thế giới sẽ không chỉ thiếu công bằng mà còn thiếu hiệu quả. Cơ chế COVAX ra đời là một hướng đi đúng, nhưng cần cải thiện hơn nữa. Các chính phủ có nghĩa vụ thiết lập một thể chế toàn cầu nhằm đối phó với các đại dịch trong tương lai. Đây là trách nhiệm của họ đối với không chỉ công dân nước mình, mà đối với toàn nhân loại.

Vaccine COVID-19: Chia sẻ hay tích trữ? ảnh 9

Bài: Minh Châu (Theo Foreign Afairs)

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).