Bắt đầu từ ngày 8/3, Việt Nam triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca đợt đầu tiên tại 4 địa điểm trên toàn quốc. Kể từ đó đến nay đã có tổng số 12 địa phương triển khai tiêm cho những đối tượng ưu tiên. Việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 mở ra cánh cửa hi vọng về việc ngăn chặn, khống chế dịch bệnh trong cả nước.
______________
Ngày 24/2, lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã về đến Việt Nam với số lượng 117.600 liều. Ngay sau khi tiếp nhận, Bộ Y tế đã phối hợp với Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC)-đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vaccine này khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vaccine được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn. Đồng thời, thực hiện bảo quản theo tiêu chuẩn, giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm...
Để đảm bảo an toàn trước khi triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, ngày 6/3 Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về hướng dẫn sử dụng và tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 bao gồm: Đối tượng sử dụng, chỉ định, chống chỉ định của vaccine, sử dụng phiếu sàng lọc trước tiêm chủng để thực hiện khám sàng lọc nhằm đảm bảo chỉ định đúng. Cán bộ y tế các tuyến cũng đã được các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn về theo dõi phát hiện sự cố bất lợi sau tiêm chủng và xử trí trường hợp phản vệ. Đồng thời, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã hướng dẫn các tỉnh/thành phố lập kế hoạch chi tiết triển khai và các phương án tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine.
Bắt đầu từ ngày 8/3 trở đi, đợt tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên được thực hiện tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch gồm: Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đây là chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện trên toàn quốc, với nguồn lực đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước.
Mở đầu ngày tiêm đầu tiên của đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được thực hiện tại 4 địa điểm gồm: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Nữ nhân viên y tế Đặng Thị Thanh, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội bày tỏ cảm xúc: “Trước khi tiêm tôi cũng háo hức xen lẫn hồi hộp vì là một trong những người đầu tiên được tiêm chứ không cảm thấy lo lắng, bởi mỗi loại vaccine được đưa vào sử dụng phải trải qua quá trình nghiên cứu và kiểm định. Nếu đủ điều kiện an toàn mới được lưu hành”.
Còn tại điểm tiêm đầu tiên của Hà Nội ngày 9/3 là BV Thanh Nhàn, ThS.BS Nguyễn Trọng Hưng, khoa Bệnh Nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn chia sẻ: Bản thân rất yên tâm khi được tiêm vaccine COVID-19 và tin rằng cùng với ý thức phòng chống dịch của người dân thì vaccine sẽ là vũ khí hữu hiệu giúp bảo vệ cộng đồng an toàn trước đại dịch.
BS Mai Văn Trinh, khoa Ung bướu, BV Thanh Nhàn cho biết, bản thân làm công tác trực chống dịch khu khám sàng lọc các bệnh nhân có biểu hiệu ho, sốt và những người có yếu tố dịch tễ nên cũng được ưu tiên tiêm vaccine trong đợt này. BS Trinh chia sẻ, làm gì cũng có rủi ro nhưng em hiểu bản chất vấn đề. Tuy có lo lắng một chút nhưng có niềm tin vào năng lực chuyên môn và hệ thống y tế. “Em mong việc tiêm suôn sẻ để tạo bước đệm cho giai đoạn tiếp theo, từ những người có nguy cơ cao sau đó phổ cập trong cộng đồng”.
Để nhanh chóng triển khai được công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, và các đơn vị trong nước như hệ thống tiêm chủng VNVC đã thực hiện những nỗ lực to lớn trong việc đàm phán, mua, tiếp nhận, bảo quản, cung ứng vaccine; hướng dẫn sử dụng vaccine và thực hiện các quy trình tiêm chủng an toàn.
Thống kê của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tính đến 16h ngày 14/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 11.605 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng tại địa bàn 12 tỉnh, TP gồm Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hảo Phòng, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hòa Bình, Khánh Hòa.
Đến nay, đa số các trường hợp được tiêm có phản ứng thông thường, một số trường hợp phản ứng nặng đều đã được phát hiện và xử trí kịp thời theo đúng quy định, hiện tại sức khoẻ đã ổn định.
Do đây là loại vaccine mới nên các dữ liệu về hiệu quả cũng như tính an toàn trên thế giới vẫn đang được Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế các nước và các nhà sản xuất theo dõi, cập nhật thường xuyên. Bộ Y tế khuyến cáo người dân khai báo đầy đủ cho cán bộ y tế về tiền sử dị ứng và các bệnh cho cán bộ y tế, chủ động theo dõi sức khỏe.
Cùng với việc hồi hộp theo dõi những diễn biến sức khỏe của người được tiêm phòng vaccine đầu tiên, từ ngày 15/3, vaccine Covivac phòng COVID-19 thứ hai được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam cũng chính thức được tiêm thử nghiệm. Việc đưa những loại vaccine đầu tiên vào thực tế mở ra hi vọng về việc chấm dứt đại dịch trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, mang lại sức khỏe ổn định cho cộng đồng.
Bài: BH
Thiết kế: Thúy Hà
Ảnh: Tổng hợp