Một giám đốc khởi nghiệp trẻ cho biết do quá lo nghĩ tìm cách phát triển công ty của mình, anh ta thường mất ngủ buổi đêm. Một nữ nhân viên khác vì công việc sẵn sàng chia tay với bạn trai. Một cặp vợ chồng trẻ chưa có con thì tiết lộ họ chẳng còn sức lực đâu cho chuyện "giường chiếu” sau cả ngày làm việc căng thẳng.
Có tới hàng ngàn công nhân trẻ trong ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc đang đối mặt với những vấn đề giống như Yu Haoran, một kỹ sư máy tính 26 tuổi, người sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp Jisuanke vào năm 2014, đặt tại trung tâm công nghệ cao Zhongguancun của Bắc Kinh, được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc".
Yu làm việc thâu đêm và cả cuối tuần để đưa công ty dạy trẻ em lập trình của mình từ một nhóm 10 nhân viên lập trình lên một công ty trị giá 200 triệu nhân dân tệ (29,8 triệu USD). Tuy nhiên, cái giá mà anh phải trả là chứng mất ngủ kinh niên, có thời gian Yu chỉ ngủ 2 tiếng mỗi đêm. “Tôi thực sự chưa nghĩ đến việc hưởng thụ cuộc sống. Bởi tôi đang xây dựng điều gì đó, và trước khi hoàn tất nó, sẽ không có gì khác trong đầu tôi”, Yu nói.
Yu Haoyan, chủ một công ty khởi nghiệp dạy lập trình cho trẻ em làm việc trong văn phòng ở "Thung lũng Silicon" Zhongguancun. Photo: SCMP |
Theo Báo cáo Hurun, năm 2018, cứ mỗi tuần Trung Quốc lại cho “ra đời” 4 tỉ phú mới, trong bối cảnh công nghệ trở thành động lực lớn nhất cho sự thịnh vượng của nền kinh tế, theo sau là bất động sản.
Từ mỗi câu chuyện thành công, lại có hàng ngàn người muốn thành đạt, khao khát mình sẽ trở thành một Jack Ma mới, người đã đưa Alibaba từ một doanh nghiệp nhỏ lấy căn hộ riêng làm trụ sở trở thành người khổng lồ thương mại điện tử của thế giới.
Từng là nghĩa địa dành cho các thái giám dưới thời phong kiến, Zhongguancun tọa lạc ở phía tây bắc của đường Vành đai 4, một trong những cao tốc quan trọng bao quanh thủ đô Bắc Kinh. Trong ba thập kỷ qua, nơi này đã chứng kiến sự vươn lên của một thế hệ rực rỡ thành công các công ty công nghệ và khởi nghiệp internet, từ nhà sản xuất máy tính Lenovo cho tới báo mạng Sina và ứng dụng gọi xe Didi Chuxing. Theo thống kê của chính quyền địa phương, có tới 80 doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ ra đời tại Zhongguancun mỗi ngày.
Trụ sở công ty Baidu ở Zhongguancun. Ảnh: China Daily |
Những năm gần đây, Zhongguancun đã trở nên đông đúc và đắt đỏ hơn, khiến nhiều công ty lớn phải chuyển trụ sở tới những khu vực xa hơn, đang dần trở thành những trung tâm công nghệ mới của Bắc Kinh. Một trung tâm ở Xierqi, phía tây bắc thành phố, là nơi các công ty lớn như Baidu, Sina, NetEase và Didi đã xây dựng trụ sở. Một khu khác ỏ Wangjing, rìa đông bắc Bắc Kinh, nay là đại bản doanh của công ty chuyển phát hàng Meituan Dianping, ứng dụng hẹn hò Momo và trụ sở khu vực của Alibaba Group.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã trao đổi với các nhân viên công nghệ làm việc tại Zhongguancun và nhiều khu công nghệ cao khác ở Bắc Kinh về cuộc sống của họ tại những “Thung lũng Silicon” Trung Quốc – nơi đặt trụ sở của nhiều người khổng lồ internet như Baidu, Meituan hay ByteDance.
Tại Zhongguancun, anh giám đốc trẻ Yu Haoran thuê văn phòng trong một không gian làm việc chung ở tầng hầm một trong những tòa nhà văn phòng. Vị trí này giúp anh Yu dàng tiếp cận được những tài năng trẻ mới tốt nghiệp các học viện lớn của Trung Quốc gần đó, như Đại học Thanh Hoa. Văn phòng nằm cách chỉ ít bước chân từ căn hộ 2 phòng ngủ mà Yu thuê, nơi anh kê sẵn giường gấp cho những thực tập sinh làm việc thâu đêm tại công ty.
Áp phích quảng cáo của công ty chia sẻ xe đạp Ofo tại một ga điện ngầm ở Bắc Kinh. Ảnh: SCMP |
Trong khi đó, Yang, một cư dân gốc Bắc Kinh 33 tuổi, sống cùng vợ và bố mẹ, làm giám đốc sản phẩm tại một công ty internet ở Xierqi. Hàng ngày anh dậy lúc 6 giờ sáng để bắt đầu hành trình 2,5 giờ đồng hồ, lên hai tuyến tàu điện ngầm và một tuyến xe buýt. “Ngay khi ngồi xuống ghế, tôi có thể ngủ ngay cho dù xe đông đúc ồn ào thế nào”, Yang nói.
Vợ của Yang, 29 tuổi, làm giám đốc sản phẩm tại Wangjing. Khi cả hai về được nhà sau ngày dài làm việc thì đã gần nửa đêm. Suốt nhiều tháng họ cố gắng có con nhưng lại quá mệt mỏi không thiết đến chuyện giường chiếu. “Tôi hy vọng chúng tôi có thể sớm có con”, Yang lo lắng khi vợ bước sang tuổi 30 và khó mang bầu.
Để tránh cơn ác mộng đi lại, Bu, một chuyên viên marketing, gần đây đã chuyển đến khu chung cư cũ kỹ ở Xierqi và chỉ mất 10 phút đi bộ tới nơi làm. Cô thuê chung căn hộ 3 phòng ngủ với hai người khác, mỗi người trả 4.000 tệ (gần 600 USD) mỗi tháng tiền thuê nhà. Do nhu cầu quá cao, chi phí thuê nhà ở Xierqi thậm chí còn đắt hơn giá thuê căn hộ cũ của cô ở quận Chaoyang, trung tâm Bắc Kinh. Bu chỉ còn cách cắt giảm những thú vui trước kia như ngồi cà phê, ăn nhà hàng và xem triển lãm nghệ thuật. “Tôi cảm thấy như mình bị lưu vong khỏi Bắc Kinh”, Bu than thở.
Các công ty công nghệ ở Trung Quốc thường muốn nhân viên làm việc kéo dài nhiều giờ để thể hiện sự tận tụy, với công thức 996 nổi tiếng: làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và 6 ngày mỗi tuần.
Công ty ByteDance, nhà điều hành ứng dụng video Tik Tok, có trụ sở tại Zhongguancun, thì áp dụng chính sách “tuần lớn/tuần nhỏ”, theo đó hầu hết trong số 6.000 nhân viên của họ cứ cách một tuần lại phải làm việc 6 ngày/tuần.
Zhongguancun Innoway, một trong bốn khu công nghệ cao mang chủ đề sáng tạo, ở quận Haidian của Bắc Kinh. Ảnh: SCMP |
Ranh giới giữa công việc và đời tư càng bị xóa nhòa bởi những tiện ích mà các công ty công nghệ dành cho nhân viên như bữa ăn và đưa đón miễn phi, phòng tập gym và hiệu cắt tóc ngay tại trụ sở, cùng nhiều lựa chọn giải trí khác. Mặc dù vậy, không ít nhân viên công nghệ Trung Quốc vẫn cho biết họ cảm thấy mình bị bóc lột.
“Họ muốn giải quyết mọi rắc rối trong cuộc sống của bạn. Điều đó đồng nghĩa, bạn không phải suy nghĩ về điều gì khác, chỉ có công việc”, một giám đốc sản phẩm 26 tuổi họ Wang làm việc tại "thung lũng Silicon" Xierqi cho biết.
Tuy vậy, những lợi ích như trên cũng không giữ chân được nhân viên lâu hơn. Thời gian làm việc trung bình của các lao động công nghệ tại Thung lũng Silicon Mỹ là 3,65 năm, trong khi ỏ Trung Quốc chỉ không đầy 2,6 năm, theo dữ liệu từ Maimai. Thậm chí nhiều trường hợp đột tử đã xảy ra. Năm 2015, Li Junming, một nhà phát triển làm việc cho mạng xã hội Tencent đã đột tử trong khi đang đi bộ cùng vợ. Một năm sau, Jin Bo, Phó tổng thư ký diễn đàn mạng Tianya bị ngừng tim và tử vong tại ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Năm 2018, một nhân viên 25 tuổi làm việc cho nhà sản xuất máy bay không người lái DJI ở Thâm Quyến cũng đột tử vì ngừng tim.
Áp lực làm việc căng thẳng tại các công ty công nghệ đã khiến nhiều nhân viên phải sớm rời đi. Ảnh: SCMP |
Tới cuối năm 2018, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đã thông báo kế hoạch cắt giảm phúc lợi, tiền thưởng và việc làm trong bối cảnh nền kinh tế đang giảm tốc mạnh nhất trong gần 3 thập kỷ. Công ty chia sẻ xe đạp Ofo được thành lập năm 2014 tại Zhongguancun, từng huy động được 2 tỉ USD qua 9 đợt gây quỹ trong không đầy 4 năm, nay đối mặt với cơn khủng hoảng tiền mặt khi hàng ngàn người dùng đòi trả lại tiền đặt cọc.
"Nhìn vào Trung Quốc, các chính quyền địa phương đều ưu đãi đầu tư, mọi thành phố đều có các trung tâm công nghệ riêng, có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp riêng nhưng không ai biết chúng có thực sự ổn không", ông Jelte Wingender, giám đốc cấp cao tại Innoway, một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp được chính phủ bảo trợ ở Zhongguancun, nhận xét. Trong tương lai, ông Wingender cho rằng nên có ít doanh nghiệp hơn, nhưng "tốt hơn và tập trung hơn".
"Có một điều là các nhà khởi nghiệp không định hình rõ là làm thế nào để trở thành một doanh nghiệp bền vững. Nếu bạn tiếp tục làm việc nhiều giờ như vậy trong 10 năm, con người sẽ không còn đời sống riêng nữa, họ sẽ không có con, họ sẽ phát điên", Wingender cảnh báo.
Yang cũng đang lo lắng về tương lai. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, anh hiện nắm giữ vị trí cấp trung tại một công ty internet hàng đầu, nhưng Yang biết mình đã "kịch trần" thăng tiến. Anh tự so sánh mình với một công nhân xây dựng, người có thể kiếm tiền tốt do làm việc nặng nhưng cũng dễ dàng bị thay thế bởi những người trẻ hơn, với chi phí nhân công rẻ hơn.