Ngày 11/12 là một ngày đặc biệt của cựu Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng. Người đàn ông xấp xỉ tuổi 70, mái tóc được nhuộm đen nhánh quen thuộc, vận một chiếc áo dài đang bận bịu chào từng quan khách.
Hôm nay ông sẽ được nhận Huân chương Mặt trời mọc từ Hoàng gia và Chính phủ Nhật Bản – được trao cho những người có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực quan hệ quốc tế, phát triển văn hoá Nhật Bản...
Ngài Đại sứ Umeda Kunio đã tổ chức một buổi lễ tại tư gia để vinh danh người đàn ông này.
Hai đóng góp khơi thông dòng vốn FDI Nhật Bản
"Ngày 23/10, tại cuộc họp thường trực Chính phủ đã quyết định trao huân chương mặt trời mọc cho ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT", Đại sứ Umeda Kunio bắt đầu giới thiệu và nhắc lại hai thành tích nổi bật của ông Thắng trong việc xây dựng mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Thứ nhất, theo ông Umeda Kunio là đóng góp liên quan đến Sáng kiến chung Nhật – Việt nhằm cải thiện môi trường đầu tư.
Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai nước đã được bắt đầu với sự thống nhất ý kiến tại Hội đàm thượng đỉnh giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và người đồng cấp Koizumi vào tháng 4/2003.
Ông Thắng với cương vị Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài trong suốt thời gian từ 2003 – 2009 đã đảm nhận trọng trách chính trong việc thiết lập Sáng kiến chung và đưa nó đi vào hoạt động.
"Vào năm 2003, trong giai đoạn bắt đầu chương trình sáng kiến này, nội bộ Chính phủ Việt Nam có nhiều ý kiến phản đối việc thành lập chương trình. Ông Thắng là người đứng ra thuyết phục các cán bộ của các cơ quan liên quan về việc chương trình này quan trọng như thế nào và có ích thế nào với sự phát triển kinh tế Việt Nam", Đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh.
Ông Phan Hữu Thắng phát biểu tại buổi lễ. |
Mặt khác, theo Đại sứ Umeda Kunio, ông Thắng cũng là người đứng đầu tổ công tác phía Việt Nam, phát huy vai trò lãnh đạo không chỉ trong công tác xây dựng kế hoạch hành động mà còn thể hiện trong việc thực hiện các kế hoạch đã được đề ra.
Điều này tiếp tục ngay cả khi ông Thắng kết thúc nhiệm kỳ tại Cục đầu tư nước ngoài, Đại sứ Nhật nói và nhấn mạnh ý nghĩa của Sáng kiến này. Bởi chương trình không chỉ hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam mà còn góp phần to lớn trong cải thiện môi trường đầu tư đối với tất cả doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Trong năm 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đất nước hình chữ S đạt mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây, lên đến 35,9 tỷ USD (con số được cấp phép). Còn tính đến cuối tháng 11/2018, lượng vốn FDI cũng rất cao, đạt 30,8 tỷ USD, trong đó FDI từ Nhật là 9,1 tỷ USD (năm 2017) và 8 tỷ USD (năm 2018).
"Những con số này là bằng chứng cho thành quả to lớn của Sáng kiến chung Nhật Việt. Chương trình đã được bắt đầu bằng chính nhiệt huyết của ông Thắng", Đại sứ Umeda Kunio hào hứng nhận xét.
Cống hiến thứ hai được phía Nhật Bản ghi nhận là những đóng góp của ông Phan Hữu Thắng trong công tác hỗ trợ đầu tư với các doanh nghiệp Nhật.
Đại sứ Umeda Kunio trao tặng huân chương cho ông Phan Hữu Thắng. |
Năm 2014, ông Thắng đã thành lập Japan Desk, đầu mối tiếp nhận thông tin và hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đất nước mặt trời mọc, trong Cục đầu tư nước ngoài. Đây được xem là bộ phận tư vấn đầu tiên được thiết lập nhằm thúc đẩy đầu tư từ một đất nước cụ thể. Bộ phận này đã trở thành động lực to lớn thu hút dòng FDI từ Nhật.
"Thành quả của những điều này là số lượng doanh nghiệp Nhật trở thành hội viên hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ ông Thắng tăng mạnh", Đại sứ Umeda Kunio cho biết và nhận xét "Tính cách trung thực và nhiệt huyết trong công việc ông Thắng đã nhận được sự tin cậy mạnh mẽ từ nhiều phía".
Ông cũng nói thêm rằng: "Điều khiến chúng tôi cảm kích là nhiều ý tưởng Japan Desk được thực hiện từ 14 năm trước đang được áp dụng tại nhiều tỉnh, thành địa phương và đạt được nhiều kết quả rất tích cực".
Nhật Bản có ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam
Dù được phía Nhật Bản dành nhiều lời khen có cánh và ghi nhận bằng Huân chương cao quý, dành cho một số ít những người nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng tỏ ra khiêm nhường. Ông ít sử dụng từ "tôi" mà thường dùng ngôi thứ nhất số nhiều – chúng ta – để nói về thành tích này. Bởi ông cho rằng thành công đến được không chỉ nhờ nỗ lực cá nhân, mà đằng sau đó là kết quả của một tập thể cùng đồng lòng hành động.
"Thay mặt bạn bè cùng trang lứa, nhiều và rất nhiều người Việt Nam khác đã đóng góp tích cực cho mối quan hệ Việt – Nhật nhận tấm huân chương này", ông Thắng xúc động nói.
Nhật Bản, như chia sẻ của ông Thắng, đã tạo một thiện cảm tốt trong ông, từ những ngày thơ bé. Đó là đất nước nhận được tia nắng đầu tiên của mặt trời, như tên gọi của nó. Là mảnh đất được nhiều chí sĩ yêu nước Việt Nam lựa chọn khi tìm đường cứu nước.
Những ấn tượng này càng được tăng lên khi rất nhiều năm sau đó ông được tiếp xúc với các kỹ thuật công nghệ cao của Nhật cũng như tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của người Nhật.
Ông gọi những doanh nghiệp Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài làm ăn nghiêm túc nhất tại Việt Nam. Và chỉ khi Việt Nam có thêm những doanh nghiệp như thế, đất nước mới phát triển toàn diện, sớm thành công. Đấy cũng chính là lý do ông nỗ lực xây dựng sự hợp tác về kinh tế giữa hai nước.
"Dù chúng ta quản lý tốt đến đâu nhưng vẫn có sơ sót nhất định. Nếu gặp đối tác không nghiêm túc, họ sẽ lợi dụng kẽ hở để thu lợi. Nhưng người Nhật thì khác", ông nói.
Tự nhận không phải người bảo thủ nhưng ông Thắng vẫn lựa chọn cho bản thân áo dài, khăn đóng trong dịp trang trọng này. Bởi ông cho rằng cuối cùng, mỗi con người vẫn phải quay về với văn hoá, nguồn cội, là gốc rễ để xây dựng nền văn hoá tự cường. Theo ông, dù đất nước phát triển kinh tế, kỹ thuật như thế nào nhưng cũng cần giữ gìn bản sắc dân tộc.
"Áo dài không thuận lợi cho công việc hàng ngày thì lễ tết hay các sự kiện có thể mặc được thì cũng nên mặc để duy trì bản sắc", ông nói và hi vọng hành động nhỏ của mình có thể phần nào đóng góp vào câu chuyện này.