Nâng lương 3 lần chưa bằng công nhân
Mấy hôm nay, Trần Thị Hải - giáo viên dạy Sinh học trường THPT Sông Lô (xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) phải xin nghỉ phép để chăm con trong bệnh viện. Nhà ở Vĩnh Phúc, nhưng chị đưa con lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám và chữa bệnh. Tiền nằm viện, tiền đi lại đã tốn một khoản kha khá, chưa tính đến tiền mua thuốc và ăn uống của con trai. “Con bị ho suốt mấy hôm nay, nghe sốt ruột quá, đứa lớn vừa ra viện cách đây 2 tuần thì tới đứa em…”- Hải thở dài.
Cuộc đời Hải từ khi lấy chồng là một hành trình mệt mỏi “vào viện - ra viện” liên miên. Nhưng người nằm viện không phải Hải, mà là chồng và hai con trai. Chồng Hải làm xây dựng, thời gian ở công trình nhiều hơn ở nhà. Hai vợ chồng lấy nhau từ năm 2012 nhưng muộn con cái. Nguyên nhân phần nhiều do chồng Hải làm xây dựng, uống rượu nhiều, gan bị tổn thương. Bệnh nặng phải xuống Hà Nội nằm điều trị ở Bệnh viện 108, chồng Hải nghỉ làm suốt mấy năm liền để giữ gìn sức khỏe.
“Được chẩn đoán bị bệnh gan, bác sĩ yêu cầu anh ấy không được làm việc nặng nhọc. Mỗi lần nhập viện điều trị anh phải nghỉ vài tháng nên có đi làm được đâu. Lần đầu nhập viện tốn hơn 30 triệu đồng, anh nằm viện liên tục khoảng 20 ngày. Ra viện, lại tái bệnh sau nhiều lần ăn uống không kiêng khem, men gan tăng, mỗi lần tái bệnh “đi tong” hơn chục triệu đồng. Cứ thế suốt mấy năm liền…” – Hải kể.
Đồng lương giáo viên của Hải không đủ để trang trải cuộc sống ngày mới cưới. Hồi mới lấy chồng, cũng là lúc chồng Hải vào viện, lương tập sự ở trường chẳng đủ ăn, huống hồ nuôi chồng nằm viện.
Nhưng Hải vẫn bám trụ với nghề vì thích dạy học, Hải cóp nhặt từng đồng, vay thêm bạn bè, người thân chạy chữa cho chồng. Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên Văn, đồng nghiệp của Hải ở trường THPT Sông Lô nói thêm: “Cô giáo Hải vất vả lắm, suốt ngày vào viện mà vẫn không lơ là việc dạy. Chồng không có thu nhập, một mình Hải nuôi mẹ chồng và xoay tiền vào viện, đồng nghiệp ai cũng thương”.
Nhưng Hải bảo, lúc ấy, thu nhập tằn tiện từ nghề giáo không phải là nỗi lo lớn nhất. Áp lực hơn cả là 3 năm đầu lấy nhau vợ chồng Hải vẫn muộn con. Mẹ chồng làm nông nóng lòng có cháu bế, người thân nói, người làng hỏi, nỗi buồn đè nặng lên người phụ nữ 25 tuổi. Nhưng Hải vẫn cố gắng vì người chồng đau ốm cần một chỗ dựa vững chắc. “Bệnh tật cứ tái đi tái lại của chồng khiến mình kiệt sức. Ròi chuyện tại sao chưa có con, bị nói ra nói vào ở nông thôn càng thêm nản. Đầu óc mệt nhoài vì không biết do mình hay do chồng, không biết lúc nào chồng khỏe…”.
Ngày sức khỏe của chồng ổn định, hai vợ chồng Hải đi khám ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì được kết luận bình thường, không có vấn đề gì. Hải như thoát được gánh nặng đè lên đầu một thời gian dài. Đúng lúc vợ chồng “rục rịch” hỏi cắt thuốc uống để dưỡng sức sinh con thì Hải có bầu. Niềm vui của cô giáo trẻ vỡ òa sau 3 năm tưởng như đi vào bế tắc.
Cô giáo Trần Hải và con trai đầu lòng |
Đến lúc này, bế tắc vì đồng lương hạn hẹp của nghề giáo lại bủa vây. Hải chia sẻ: “Lương mình sau 7 năm làm nghề đã tăng 3 lần, được hơn 4 triệu/tháng, chưa bằng lương một công nhân. Đấy là mình được vài biên chế ngay khi ra trường, chứ giáo viên hợp đồng lương ít lắm. Ngày có con đầu lòng lương mình còn thấp hơn bây giờ, chồng vẫn nghỉ việc vì sức yếu. Một suất lương nuôi cả gia đình…”.
“Thu nhập bạc lắm nhưng yêu nghề”
Giờ Hải đã có hai con trai, đứa lớn sinh năm 2015, đứa nhỏ sinh năm 2017. Tháng 8 vừa rồi, chồng Hải xin làm công nhân cho một công ty gần nhà để giữ sức khỏe và phụ vợ trông con.
Ngồi nghĩ lại quãng đời đã qua, Hải vẫn không thể tin vì sao mình vượt qua nổi quãng thời gian chồng nghỉ làm sống dựa vào lương vợ. “Học sinh ở chỗ mình phụ huynh phần đa làm nông, quanh năm đầu tắt mặt tối, lấy đâu ra phong bì? Những ngày lễ Tết, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, học sinh thường tặng quà rất giản dị. Cốc chén, cái khăn… chừng 100 nghìn/món đồ, không nhiều. Con nhà nghèo, một lớp có đến 11-12 giáo viên dạy các bộ môn, lấy đâu tiền mua quà hay phong bì cho các cô giáo?” – Hải thật thà.
Tiền dạy thêm ở nông thôn cũng không “dồi dào” như thành phố. Hải tính, “Cả trường có 12 lớp/3 khối, học sinh ít, cả tháng dạy thêm được vài trăm ngàn. Mọi người cứ nói nông thôn mọi thứ rẻ, tiêu ít, nhưng bỉm nông thôn đâu có làm được, sữa nông thôn đâu có làm ra… vẫn phải tự xoay sở tiền để trang trải nuôi con”.
Muốn thêm thu nhập, các cô giáo phải làm thêm bên ngoài. Có lần, Hải nhen nhóm ý định bán quần áo trẻ em thì bị trộm cướp sạch số tiền vay mượn làm vốn. Thế là vừa ôm nợ, vừa phải làm lại từ đầu… Đã có lúc, Hải ước mình có công việc tốt hơn, có tay nghề khác, nhưng rồi tình yêu nghề quá lớn, không thể rời bục giảng, Hải lại cố gắng gấp 2, 3 lần để trụ vững với nghề.
Đường xa mới biết chí bền
Không quá bận tâm đến đồng lương ít ỏi, những cô giáo ở Simacai, Lào Cai có thu nhập khá hơn vì được hỗ trợ dạy học nơi vùng sâu vùng xa. “Nhưng nỗi khổ thì chẳng ai bằng. Phải cho kẹo trẻ mới đến lớp học. Giáo viên đeo ủng đi làm vì phải trèo đèo lội suối, ngã xe như cơm bữa khi trời mưa, sạt lở núi…””- chị Thêm, một giáo viên mầm non ở Simacai khẳng định.
Ảnh minh họa (Ảnh Thiên Hà) |
Nhưng đó là chuyện cách đây đã vài năm, giờ chị lấy chồng ở Ninh Bình, chuyển nơi công tác theo chồng nên không còn trụ lại nơi “khỉ ho cò gáy” Simacai nữa. Hễ nhắc lại là chị thấy bao khốn khó như vẫn bủa vây. Cái khổ này gối đầu cái khổ khác. “Nhưng giáo viên vẫn không nản, ai cũng thương học trò, vượt khó mang con chữ cho học sinh dân tộc nghèo. Nhiều người gắn bó với Simacai gần 20 năm vẫn chưa có ý định về xuôi, chỉ ngày tết mới về xuôi vài ngày thăm gia đình. Đa số lấy chồng trên miền ngược, sinh con và gắn bó núi rừng”.
Phải những người đã xuống xuôi như chị mới dám kể khổ. Những cô giáo đang dạy học đều rất tránh nói về cái khổ. Chủ đề khó khăn vất vả là vấn đề “nhạy cảm” với giáo viên miền núi. Họ sợ lòng chùng xuống, nhớ quê, nhớ người thân, họ cũng sợ những giáo viên trẻ bị “lung lay” ý chí… Nhưng chị bảo, sợ thế chứ chưa có ai bỏ nghề vì khổ, ai cũng say nghề, gắn bó lâu dài với vùng đất miền núi hoang hoải này: “Đi xa mới thấy giáo viên càng khổ càng có ý chí, càng thấy học sinh nghèo càng thương và muốn bù đắp nhiều hơn. Không ai vì cái nghèo mà bỏ học trò nghèo…”.
Chị Thêm kể: “Mình vốn quê ở Mê Linh, Hà Nội đấy. Ngày mới ra trường, xem tivi thấy thích ruộng bậc thang, núi non trùng điệp, thế là “đầu quân” lên vùng sâu vùng xa dạy chữ cho con em dân tộc. Lên mới thấy không thơ mộng như mình nghĩ, phải học tiếng Mông, tiếp xúc và tìm hiểu văn hóa, thói quen của người Mông để nói chuyện với phụ huynh, với học sinh nữa. Những đứa trẻ quanh năm chỉ sống trên núi, rặt tiếng Mông, học gì cũng khó…”.
Trường chị Thêm từng dạy ử Simacai chưa đến chục giáo viên, lương cao, khoảng 8-9 triệu/tháng nhưng có tiền cũng khó sử dụng. “Đi hàng chục cây số mới mua được miếng thịt, nhiều lúc thấy mình đứng ngoài nhịp sống phát triển, quanh quẩn với con gà, cái sân, mảnh vườn… Hồi đầu lên Simacai, mình cùng các cô giáo phải đi động viên bà con đưa trẻ đến lớp. Phụ huynh Mông không có khái niệm cho con đi học, nhưng nay khác rồi, đồng nghiệp trên ấy kể, giờ họ sợ con bị bắt sang Trung Quốc nên gửi con đi mầm non, mẫu giáo, đi học rất đông đủ. Phụ huynh Mông cũng quý cô giáo lắm, nhưng họ nghèo. Dạy con em dân tộc không có phong bì đâu, họ thật thà lắm, chỉ toàn tặng giáo viên ngô là ngô” – chị Thêm nói.