Sòng phẳng nhưng… không dễ
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, hiện nay, các trường là người có nhu cầu tuyển dụng, biết giáo viên thừa thiếu như thế nào thì thường là người bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên. Từ đó, ông Nhạ nêu quan điểm sắp tới phải thực hiện nghiêm quy định trong hợp đồng làm việc của viên chức, nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ; đồng thời đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển giáo viên.
Ông lý giải, ở các trường tư, giáo viên cũng chỉ là chế độ hợp đồng lao động nhưng vẫn ổn. Thị trường lao động đúng nghĩa là giáo viên trường công cũng như trường tư. Khi đã từng bước hòa nhập thì các trường phổ thông công hay tư cũng đều lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm tiêu chuẩn.
Giải thích về lộ trình, ông Nhạ khẳng định sẽ nghiên cứu từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng. Ông Nhạ cho rằng, việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết và nếu Chính phủ ủng hộ thì đây sẽ là cơ hội rất tốt cho ngành giáo dục.
Theo ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì việc làm này sẽ tạo động lực cho các trường phát triển trong sự cạnh tranh. Bởi một điểm hạn chế trong Luật Viên chức là giảng viên chỉ được thử việc ký một năm, tuyển dụng vào và có một năm để tập sự; sau đó phải đưa vào biên chế, gọi là viên chức.
Điều này hạn chế tính năng động của các trường. Có thể thời điểm này nhận người về rất tốt. Nhưng mà vài năm sau về con người và cả năng lực không tốt, trường cũng khó có cách nào để có thể thay đổi. Đấy là vì sao các giáo sư lại hay muốn chọn học trò của mình, cũng là vì hiểu rõ con người họ trong quá trình rèn luyện và học tập.
Còn TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội bày tỏ: “Trong kinh tế thị trường, sức lao động cũng cần phải được đối xử sòng phẳng mới mong có người tài. Nhiều ngành của chúng ta không tuyển được người tài mà khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hút hết. Và nữa, chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng chỉ là trên nghị quyết, còn thực tế, nhiều năm nay không có sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm. Vì đội ngũ không được chọn lọc, không được đãi ngộ một cách thỏa đáng.
Do đó, tôi ủng hộ đổi mới không tuyển giáo viên vào biên chế. Tuy nhiên, đây là công việc tốt nhưng làm không dễ. Theo tôi, đã sử dụng quy luật kinh tế thị trường trong xây dựng giáo viên thì tất cả đội ngũ của ngành giáo dục phải được tuyển chọn và chung một quy chế.
Bất cứ một mắt xích nào vẫn còn loanh quanh, luẩn quẩn với bao cấp thì cuộc cách mạng đội ngũ nhà giáo không bao giờ thành công. Ngành giáo dục có thể đi trước để thí điểm nhưng thực sự toàn bộ đội ngũ công chức, viên chức của cả đất nước phải đi theo, không phải biến đội ngũ của ngành giáo dục thành “chuột bạch”, cô độc, nhiều thứ khác không thay đổi”.
Có thể nhiều người sẽ bỏ nghề?
Có thể nói, nếu chủ trương trên được thực hiện thì sẽ tác động rất lớn đến hàng triệu giáo viên đang công tác ở khắp mọi miền của đất nước.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học sư phạm cho rằng, hiện nay, giáo viên được xếp vào hạng viên chức nhưng thực tế là nhiều chính sách và chế độ thụ hưởng lại như là công chức. Giáo viên có nghề nghiệp đặc thù về chuyên môn nên việc bỏ không còn công chức, viên chức là hoàn toàn đúng đắn. Bởi như vậy sẽ thúc đẩy các thầy cô giáo nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, sẽ có nhiều giáo viên chưa sẵn sàng đón nhận chủ trương trên của Bộ GD-ĐT vì nhiều người đã quen được hưởng lương theo sự “bao cấp”. Vì vậy, quá trình thực hiện phải có lộ trình, không nên quá đột ngột. Khi bỏ công chức, viên chức giáo viên thì phải gắn với chế độ lương bổng, đãi ngộ xứng đáng đủ để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình.
Ở góc độ khác, TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội lại có quan điểm trái chiều và cho rằng, chủ trương trên của Bộ GD-ĐT có thể “lợi bất cập hại” và số lượng giáo viên nghỉ việc và chuyển nghề sẽ gia tăng. Hiện nay, giáo viên Việt Nam bị quản lý quá chặt. Họ làm gì, nói gì đều chịu sự quản lý từ Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT quận, huyện; hiệu trưởng, tổ trưởng bộ môn, phụ huynh học sinh và xã hội...
Ngoài ra, không chỉ giảng dạy chuyên môn mà giáo viên còn chịu sức ép từ những thành tích thi đua như họ phải bị dự giờ học, thi giáo viên dạy giỏi, sáng kiến kinh nghiệm và nhiều cuộc thi khác... Những sự điều hành, quản lý như trên đối với giáo viên đã khiến nhiều người rất mệt mỏi nên không thể hiện được hết sự sáng tạo, học hỏi trong nghề nghiệp mà chỉ làm theo sự chỉ đạo để cho xong việc.
Do đó, nhiều giáo viên hiện nay cảm thấy yên tâm khi được tuyển dụng dưới dạng công chức, viên chức vì như được hưởng bảo hiểm khi ốm đau, gặp tai nạn. Tuy nhiên, nếu hình thức này không còn nữa thì có thể nhiều người sẽ nghỉ việc.
Nhiều giáo viên lại cho rằng, điều quan trọng nhất đối với những ai thực sự tâm huyết với nghề dạy học không phải là lương bổng hay chế độ đãi ngộ mà là môi trường làm việc để họ có thể phát huy chuyên môn, sự sáng tạo.
Và nữa, không ít người trong cuộc lo ngại, khi xóa bỏ công chức, viên chức thì hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất trong nhà trường. Mọi vấn đề từ lớn đến nhỏ sẽ do hiệu trưởng quyết định. Đương nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc “quyền lực” sẽ tập trung vào tay hiệu trưởng. Hiệu trưởng chẳng khác nào “vua một cõi” nắm mọi quyền hành trong tay.
Từ một bình diện khác, trong một cuộc giao lưu, GS Ngô Bảo Châu cho rằng việc này cần một sự thận trọng nhất định. Theo GS Ngô Bảo Châu, trên thế giới thì hầu hết giảng viên đại học cỡ giáo sư là được biên chế… Thường thì những người làm giảng dạy có thu nhập thấp hơn những người đi làm kinh tế. Đổi lại, họ có một sự an toàn về công việc. Thứ nữa là khi có biên chế, giáo sư cảm thấy mình là người chủ của nhà trường.
Đặc biệt, GS Châu còn đề cập đến một khía cạnh khá nhạy cảm: “Tất nhiên, chúng ta muốn một môi trường năng động hơn. Nhưng không lẽ, một giáo viên phổ thông đã 40 - 45 tuổi mà lại có thể bị ngừng hợp đồng làm việc một cách dễ dàng chỉ đơn thuần họ không đáp ứng được nhu cầu hay sao?”…
Hiệu trưởng cũng… hợp đồng
Nếu bỏ công chức, viên chức, giáo viên sẽ chủ động hơn bây giờ. Ít nhất, khi thấy môi trường không tốt, chế độ đãi ngộ không hợp lý họ có thể xin chuyển sang trường khác với những thủ tục gọn nhẹ. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần chú ý là các giáo viên dạy ở vùng sâu, vùng xa. Trước kia, khi có chế độ biên chế, theo lệnh điều động họ phải đi. Còn khi bỏ biên chế, đương nhiên, khó có giáo viên nào tình nguyện ký hợp đồng ở các điểm trường vùng khó khăn. Vì thế, giờ muốn thu hút giáo viên theo chế độ hợp đồng lên vùng sâu, vùng xa chúng ta phải có chế độ đãi ngộ hợp lý và có tính hấp dẫn. Đương nhiên, chỉ là những hợp đồng khoảng 3-4 năm rồi tạo điều kiện cho họ chuyển về dưới xuôi nếu họ có nguyện vọng chứ đừng quá cứng nhắc ép họ ở lại.
Theo tôi, kể cả hiệu trưởng hay hiệu phó cũng chỉ là người làm công ăn lương giống như giáo viên. Vì thế, nếu giáo viên theo chế độ hợp đồng thì chẳng có lý do gì mà hiệu trưởng lại hưởng chế độ biên chế.
Triển khai phải có lộ trình rõ ràng và phải đồng bộ
Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận với nhau, hiện nay có một bộ phận giáo viên không thực sự say mê với nghề, không tâm huyết, chỉ lên lớp cho có, hết giờ thì về nhà, không có trách nhiệm mà vẫn nhận lương. Điều đó sẽ khiến giáo dục trở nên trì trệ hơn. Nay chúng ta thay bằng chế độ hợp đồng, buộc giáo viên phải “vận động” để được ký hợp đồng vào những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, khi triển khai phải có lộ trình rõ ràng và phải đồng bộ. Bởi lẽ, nếu không thực hiện một cách đồng bộ, số giáo viên kém chất lượng, không có hợp đồng quá nhiều, không biết làm gì cũng ảnh hưởng đến xã hội. Đó là chưa kể, những giáo viên giỏi khi thấy những trường khác lương cao hơn, chế độ đãi ngộ lớn hơn, họ sẵn sàng ra đi mà không gắn bó với trường nữa. Điều này sẽ khiến đội ngũ giáo viên trong một cơ sở giáo dục không ổn định. Đó cũng là một khó khăn.
Nếu chuyển sang chế độ hợp đồng mà chúng ta đảm bảo được cho giáo viên có thể sống bằng lương của mình thì tôi nghĩ sẽ không đáng lo ngại lắm.
Theo Pháp luật Việt Nam