Cụ thể, điểm trúng tuyển của trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai là 9,5, thấp hơn cả mức của 2 năm trước là 11,25-12,1 điểm. Tại trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, CĐ Sư phạm Hà Nam đều lấy 10 điểm thi THPT quốc gia làm chuẩn đầu vào. Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều ngành lấy điểm trúng tuyển là 10,5-10,75; Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh lấy 9 điểm đầu vào cho 6/6 mã ngành tuyển thí sinh tỉnh ngoài, 4/6 mã ngành dành cho hộ khẩu trong tỉnh. Cao đẳng Sư phạm Gia Lai có 6/11 ngành gồm: Sư phạm Văn, Toán, Lý, Hóa, Lịch sử, tiếng Anh đều lấy 9 điểm chuẩn. Mức này đã bao gồm cả điểm ưu tiên...
Thậm chí, ở nhiều trường ĐH sư phạm địa phương, mức điểm đầu vào cũng thấp thảm hại. Tại ĐH sư phạm Huế, mức điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều ngành chỉ ở mức 12,75 điểm. Giải thích về mức điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn của Bộ GD ĐT, lãnh đạo trường này cho rằng trường tính theo công thức riêng. Cụ thể, điểm xét tuyển = [(môn 1 x 2 + môn 2 + môn 3) x 3]:4 + điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó môn 1 là điểm môn chính.
Như vậy với điểm quy chuẩn là 12,75 thì tương đương với điểm môn chính thấp nhất là 1,25, và điểm tổng ba môn tương đương thấp nhất là 15,5 điểm. Với cách tính như vậy, lãnh đạo trường này khẳng định điểm chuẩn của trường không thấp hơn điểm sàn của Bộ GD ĐT.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục không nghĩ thế, họ cho rằng kể cả với cách tính này thì điểm quy chuẩn của ĐH sư phạm Huế cũng vẫn không thể vượt sàn của Bộ GD ĐT. “Nếu như với cách tính này, giả dụ một thí sinh có điểm 3 môn tương ứng là 4 – 3 – 3 có điểm ưu tiên là 2. Theo công thức sẽ là ((4x2+3+3)x3):4+ 2=14,5>12,75. Như vậy, thí sinh vẫn chỉ cần mỗi môn từ 3 – 4 điểm là đỗ theo quy định của trường rồi. Tổng điểm 3 môn không thể trên sàn của Bộ GD ĐT được. Cách tính của trường đưa ra chỉ là ngụy biện” – một chuyên gia giáo dục phân tích.
Với mức điểm đầu vào các trường sư phạm thấp thảm hại không chỉ khiến xã hội lo lắng về chất lượng giáo viên trong tương lai mà không ít giáo viên cảm thấy buồn vì nghề của mình càng ngày càng bị... rẻ rúng.
Cô Trần T. P – Giáo viên tiểu học ở Phủ Cừ (Hưng Yên) cho biết: “Trước đây, muốn trúng tuyển vào ĐH sư phạm điểm chuẩn thấp nhất cũng phải đạt 21 điểm, hệ cao đẳng cách đây chục năm cũng phải có mức điểm từ 17 – 20 điểm. Đó là không kể việc thi cử rất khắt khe, cả nước mới có vài thủ khoa đạt 28 – 29 điểm. Năm nay điểm mặt bằng chung cao ngất như vậy, điểm 10 lên tới hàng mấy ngàn điểm. Các trường lấy điểm chuẩn 29 – 30 điểm, có em 30 điểm vẫn trượt. Thế mà sư phạm chỉ lấy 9 điểm 3 môn thì đúng là “rẻ rúng” quá. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng cảm thấy rất buồn về điều này”.
Mức chuẩn quá thấp của các trường sư phạm cũng khiến cho TS Vũ Thu Hương – Giảng viên trường ĐH sư phạm Hà Nội cảm thấy lo lắng. Từng có 20 năm đào tạo giáo viên, bà Hương cho biết bà từng gặp sinh viên Sư phạm không biết ký hiệu hóa học của các nguyên tố đơn giản như sắt (Fe), đồng (Cu), nói Nguyễn Huệ là vua cuối cùng của nhà Nguyễn hay đinh ninh vận tốc của ôtô là 5m/h…
Theo bà những giáo viên có chuẩn đầu vào thấp thường chủ quan, tuột dốc dần và sức chịu đựng với áp lực học tập kém hơn rất nhiều.
Lý giải nguyên nhân chuẩn đầu vào sư phạm thấp, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD ĐT) cho rằng, tâm lý xã hội, xu hướng chọn ngành nghề và nhu cầu nhân lực ngành sư phạm càng ngày càng khó cũng tác động khiến học sinh không hứng thú với việc chọn nghề giáo đăng ký khiến các trường địa phương khó tuyển sinh phải đưa ra mức chuẩn thấp. Ngoài ra, nhưng ưu đãi để thu hút thí sinh giỏi vào sư phạm như: miễn học phí, phụ cấp thêm niên... không còn đủ mạnh để cạnh tranh với các ngành nghề khác nữa.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, để hút sinh viên giỏi vào trường sư phạm, ngoài việc ngành giáo dục cần có chế độ tốt hơn nữa cho giáo viên, cần đưa ra một mức “sàn riêng” cho các trường sư phạm để đảm bảo chất lượng giáo viên.
Theo Dân Việt