Bà Oanh từ Bạc Liêu ra Hà Nội để đi kiện từ năm 2008. Cũng có thể là lâu hơn, chính bà cũng không nhớ rõ.
"Tôi đòi nhà thôi. Giờ tôi chỉ biết đòi nhà", bà Oanh nói về lý do mình và con gái lặn lội ra Hà Nội.
Căn nhà nhỏ ven chợ từng là nơi sinh sống của gia đình bà Oanh ở Bạc Liêu bỗng chốc trở thành tài sản tranh chấp khi vụ ly hôn xảy ra. Người chồng sau khi bán căn nhà với giá hơn 100 triệu đồng đã đột ngột qua đời, để lại những ngổn ngang trong cuộc đời của bà Oanh và con gái tới tận bây giờ.
Không bằng lòng với số tiền được nhà chồng cũ chia lại, bà Oanh đâm đơn kiện lên tòa án các cấp của tỉnh Bạc Liêu, rồi sau đó là các cấp cao hơn nữa.
Từ sơ thẩm, cho tới phúc thẩm, rồi giám đốc thẩm, tất cả các phán quyết vẫn chưa thể làm hài lòng bà Oanh. Nguyện vọng của bà Oanh, đó là đòi được số tiền 70 triệu đồng mà bà nghĩ đáng ra bản thân và con gái phải được hưởng.
Và rồi, bà Oanh đi đến một quyết định sẽ thay đổi cuộc đời của bà và con gái mình mãi mãi. Năm 2007, bà Oanh gom góp một số tiền nhỏ, rồi bế con lên xe đò ngược ra Bắc để đi kiện, bỏ lại sau lưng mẹ già ở quê nhà Trà Vinh.
Ra tới Hà Nội, bà Oanh thuê trọ rồi bắt đầu hành trình đâm đơn kháng án tại Tòa án Nhân dân Tối cao. Từ dăm bữa nửa tháng gửi giấy kiện một lần, giờ người của tòa án nhìn từ xa đã biết bà Oanh tới.
"Tôi chỉ muốn tòa án Bạc Liêu xử đúng kết quả trả lời của tòa giám đốc thẩm ngoài này", bà Oanh kiên quyết nói.
Để mưu sinh và nuôi con ăn học, bà đã làm nhiều công việc chân tay. Nhiều năm liền, bà "trúng thầu" một chân quét rác từ công nhân vệ sinh thành phố. "Trúng thầu" nghĩa là bà và người công nhân này cùng quét dọn rác cho cả một tuyến phố. Số tiền 5 triệu đồng mỗi tháng mà công ty vệ sinh môi trường trả, bà Oanh nhận 4 phần, người ta 1 phần.
Từ năm ngoái, vì bị thoái hóa khớp gối, bà thôi việc quét rác rồi chuyển sang rửa bát. Buổi sáng, từ 7 giờ sáng tới 12 giờ trưa, bà rửa bát cho một nhà hàng cách căn phòng trọ gần 1 tiếng xe buýt.
Đồng nghiệp của bà Oanh là những người lao động lớn tuổi, có người về hưu, có người từ nông thôn. Họ đều không muốn lãng phí sức lực của tuổi xế chiều.
Ở đây, bà Oanh được tạo điều kiện lao động, có thu nhập, dù vất vả. Nhiều năm làm công việc nặng nhọc cùng với khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc khiến đôi chân của bà Oanh ngày càng yếu.
Sức khỏe ngày càng suy yếu, bà Oanh không rõ mình sẽ còn bám trụ được với công việc rửa bát thêm bao lâu. |
Mỗi ngày phải vần những thùng bát đĩa lớn khiến lưng bà thêm còng. Đau, nhưng không dám kêu với ai, nhất là với chủ nhà hàng. Hết ca làm việc, bà Oanh tất tả bắt xe buýt về nhà để nghỉ ngơi.
12 rưỡi đêm, bà Oanh bắt đầu ca làm việc thứ hai trong ngày. Hoặc gọi là ca đầu ngày cũng được. Vẫn là rửa bát. Cho một quán phở đêm. Rửa tới 3 giờ sáng, bà được trả một trăm nghìn.
Nơi tạm trú của mẹ con bà Oanh hơn 15 năm qua, nằm ở cuối một con ngõ sâu hút trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình. Căn phòng chỉ vài mét vuông, chủ nhà thậm chí đã thương tình không thu tiền trọ suốt vài năm qua.
Giường một bên, nơi vệ sinh kiêm nấu nướng tắm giặt một bên. Chật chội và ẩm thấp tới mức, con gái của bà Oanh - một cử nhân vừa ra trường - cũng mắc các bệnh xương khớp giống mẹ.
Dù bí bức, nhưng căn phòng trọ của mẹ con bà Oanh vẫn có một ban thờ nhỏ. Trên đó bày ảnh Bác Hồ, Phật Bà Quan âm và linh mục Trương Bửu Diệp. Đức tin là thứ bà Oanh mong mỏi nhất.
Ban thờ đặc biệt của bà Oanh. |
Hàng xóm láng giềng không ai hiểu rõ mục đích bám trụ lại Hà Nội của mẹ con người phụ nữ miền Nam này. Nhưng họ đều giúp đỡ theo những cách khác nhau. Trong đó, có một ông già mà bà Oanh coi như cha nuôi.
Có lần, mẩu tin về hoàn cảnh khó khăn của bà xuất hiện trên báo, ông già tốt bụng đã tìm đến giúp đỡ. Hơn 2 năm liền, mỗi tháng người đàn ông này đều trợ cấp một khoản tiền cho mẹ con bà Oanh. Những món đồ giá trị nhất trong nhà, từ xe máy cho tới tủ lạnh, đều do vị "mạnh thường quân" kia mua cho.
Hành động lặng lẽ của người đàn ông này khiến bà Oanh tin, vẫn còn nhiều người tốt trên đời. Khi nghe tin ông lão tốt bụng qua đời, bà Oanh như rụng rời chân tay. Bà cũng không dám lui tới nhà của ông lão như trước, vì lo ngại bị hiểu lầm.
Chiếc xe máy ông lão tặng năm xưa, bà Oanh và con gái dù không mấy khi đi, nhưng họ nhất quyết không bán.
Bà Oanh có mẹ già đã ngoài 80 tuổi ở quê. Có hai em ruột, nhưng đã nhiều năm không còn liên lạc. Ăn bữa nay lo bữa mai, thăm thân là điều vượt quá khả năng của bà.
Gói hương trầm, cái nón lá và chiếc khăn quấn quanh cổ, cùng giọng nói miền Tây là chút ít dấu vết Nam Bộ bà Oanh níu giữ được.
"Nghèo nên cũng mạnh ai nấy sống", bà Oanh nói khi được hỏi về những người em của mình.
Chuyến ra Bắc năm 2008, bà Oanh và con gái không mang theo một giấy tờ tùy thân. Không một bức ảnh. Nhìn lại năm tháng sau lưng, bà Oanh vẫn không tin, mới chỉ năm mười bữa gửi giấy lên tòa, giờ đã kéo dài gần hai mươi năm.
"Nhớ sực lại sao nó lâu quá", bà Oanh trần tình về cuộc đi kiện của mình. "Tới chừng nghĩ lại sao nó lâu quá trời vậy?".