Để 'đóa hoa ra chào'

Để 'đóa hoa ra chào'

Sâu trong mỗi người có một đóa hoa, nằm im lặng lẽ đợi được nhìn thấy và tỏa rạng. Nhưng phần nhiều chúng ta đã không cho đóa hoa cơ hội. Nó cứ ngủ yên đó, không cách nào để làm đẹp cho vị chủ nhân của mình. Bởi chúng ta còn mải mê tìm cầu bên ngoài, nuôi nấng cái vỏ bên ngoài mà quên làm sạch khu vườn trong tâm. Những cỏ rác, gai nhọn, rêu phong dày đặc đã che mất đóa hoa, dù ngày ngày nó mong được bước ra chào ta, làm thơm ngát đời sống của ta.

* * *

Hồi đó chúng tôi chuyển về căn nhà mới. Trước ban công có một khoảnh nhỏ để trồng hoa. Sâu trong góc ban công có một bụi gai khô, mà vì lười và sợ xước tay tôi đã để mặc không dọn dẹp. Sắp Tết, muốn có cái ban công rực rỡ hoa và đẹp ngay lập tức, tôi dành nhiều buổi loanh quanh khu vực chợ Bưởi để mua những giỏ hoa được nhà vườn chăm sóc đang kỳ bung nở. Mỗi sáng ngồi lặng ngắm các chậu hoa, nào trạng nguyên, nào cúc, nào đỗ quyên, dạ yến thảo, nào sung cảnh... nhưng sâu thẳm tôi vẫn biết có một bụi gai chưa được dọn dẹp đằng sau những rực rỡ kia. Nhưng tôi tạm quên bụi gai đó đi để điềm nhiên đón năm mới.

Sau Tết, những khóm hoa tôi mua bớt phần rực rỡ. Người bán hàng đã thúc bón để cây trổ hoa mãn khai đúng vào dịp Tết, nhưng sau đó màu sắc của nó lụi tàn dần. Tôi còn phát hiện ra cây sung cảnh bị người ta gắn cành tạo thế bằng một loại nhựa, nên quả của nó bắt đầu rụng. Không còn hài lòng với những chậu hoa cảnh, tôi bắt đầu thu xếp lại ban công. Trong lúc sắp đặt lại các chậu cây, chiếc bụi gai ở góc ban công hiện ra, tôi quyết tâm dọn dẹp. Với chiếc kéo trên tay, tôi tỉ mẩn từng chút một. Tuy nhiên tôi phát hiện ra, cuộn tròn giữa bụi gai đó là một cái gốc nhỏ, dù nhìn bề ngoài như củi khô nhưng phần rễ vẫn nằm im trong bầu đất. Tôi đã định vứt tất cả đi, nhưng sau khi cắt hết đám gai khô, một điều gì đó trong tôi chợt nảy nở. Tôi quyết định giữ cái gốc cây lại bằng cách đặt nó vào một chiếc chậu sứ vừa vặn, đắp thêm ít đất tơi xốp màu mỡ rồi tưới cho nó chút nước. Tôi kiên trì tưới tẩm mỗi ngày cho cái gốc khô đó, với một niềm chờ đợi vừa mơ hồ vừa rõ rệt không biết gọi tên ra sao. Rồi, một sớm bước ra ban công, tôi hân hoan nhìn thấy một chồi non nhú lên khỏi đất. Đó là một cây hoa hồng. Những ngày sau xuất hiện thêm vài chiếc chồi nhỏ xíu nữa. Tôi chú tâm săn sóc để những mầm cây không ngừng lớn lên, và như để tưởng thưởng cho sự kiên nhẫn của tôi, vài chiếc nụ bắt đầu đơm khi mùa hè tới. Chẳng bao lâu sau, bông hồng nhung cánh kép đầu tiên bung nở. Đó là bông hoa đẹp nhất mà tôi từng ngắm, đơn giản vì nó đã hiện ra từ sự dọn dẹp của tôi, từ bàn tay săn sóc của tôi, và từ niềm tin của tôi vào sự sống nó đang mang khi còn là một chiếc gốc nhỏ khô héo. Những cánh hoa rực rỡ như những ngón tay thơm vẫy chào tôi. Bất giác tôi liên tưởng tới một câu hát quen thuộc vẫn nghe trên radio: “Bình yên để đóa hoa ra chào”.

Bông hồng nhung cánh kép đó thực sự là tác nhân dạy tôi về sự dọn dẹp. Trong đời sống bề bộn này, để nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc thật sự, mỗi chúng ta cần phải dọn dẹp rất nhiều thứ. Đầu tiên là không gian nơi mình sống. Tôi đã tập thói quen bỏ bớt đồ đạc, không níu giữ, tiếc nuối những gì mình không có nhu cầu sử dụng đến. Tủ sách nhiều đến nỗi không biết để sách vào đâu, tôi lọc bớt những cuốn mà tôi tin rằng mình chỉ cần đọc nó một lần là đủ. Những cuộc chia tay với đồ đạc của tôi diễn ra mỗi ngày, ban đầu có chút gì hơi đau nhức, nhưng tôi dần nhận ra, mình phải làm quen với sự xa lìa, ngay cả với một chiếc ly cũ từ lâu rồi không sử dụng. Có một cuốn sách mà tôi rất yêu thích mang tên: “Dọn nhà cửa, gột rửa trái tim” của Thiền sư Shoukei Matsumoto, và một câu nói làm tôi thức tỉnh: “Muốn đón tiếp các vị khách, hãy bắt đầu bằng việc dọn dẹp”.

Tôi đã sống quay cuồng trong phần lớn quãng thời gian quá khứ. Ngoại trừ thời niên thiếu đi học, còn lại từ lúc bước vào đời, nhiễm tất cả mùi vị của tất bật, tham sân, cuồng nộ. Lúc nào cũng như cuộn chỉ rối, như mớ tơ vò mà cuối cùng không biết mình đang có những gì, đang đi về đâu. Nhìn vào trong tâm trí càng hoang mang hơn. Mỗi ngày hàng triệu suy nghĩ, cảm xúc chạy tới như sóng trào, và tôi đồng nhất mình với những cảm xúc đó. Tôi khóc cười buồn vui, cáu giận hờn ghen, ganh đua khó chịu. Cuối một ngày tôi thường trở về nhà trong sự mệt mỏi cả thân thể lẫn tinh thần. Tôi nhận ra không chỉ tôi, mà rất nhiều người xung quanh tôi cũng vậy. Tốc độ của đời sống công nghiệp nhiều áp lực dường như đang cố tình biến chúng ta thành những cỗ máy. Chúng ta đắm chìm trong tìm kiếm, tham vọng, sở hữu, mua sắm, bạo động tinh thần. Chúng ta hiếm khi có cảm giác thảnh thơi, như mặt hồ buổi sớm mai vô ưu nằm đó soi bóng mặt trời.

Trong những phút giây tĩnh lặng, tôi nhận ra mình đã chứa quá nhiều rác trong tâm trí. Rác đã che mờ đi thực tướng của vạn vật trong đời sống này, khiến cho tôi chỉ sống với những ảo tưởng, phóng chiếu từ cảm xúc, mà không để cho đời sống được hiện diện như nó chính là. Tôi thấy cần phải dành thời giờ cho sự dọn rác của tâm trí. Bằng cách thay vì hướng ra ngoài, tôi quay nhìn vào bên trong, trả cho tâm trí sự tĩnh lặng. Tôi dụng công với chính mình, bởi tôi nhận ra tôi chính là “vị khách” cần được đối xử tử tế nhất. Tôi dọn dẹp để có một không gian nhiều thảnh thơi, bình yên nhất, dành để mời “vị khách” là chính tôi đến ở. Tôi đã đi vắng quá lâu mà cứ tưởng mình có mặt. Những gì vô bổ, tầm phào, không lợi lạc cho thân tâm được bớt đi. Cảm xúc tiêu cực được giải phóng khi tôi buông rơi những khái niệm như hơn thua, được mất, và đầu hàng hoàn toàn những gì tôi đã từng hăng hái vượt lên chỉ vì mong muốn mình được chú ý. Khi tôi dừng cuộc tìm kiếm trước đó lại, những lang thang bất định trong tâm trí cũng dần biến mất. Tôi nhận ra, nếu tôi muốn ít hơn, cuộc sống sẽ chuyển hóa và tôi có được nhiều hơn cảm giác hạnh phúc.

Cuộc sống của mỗi chúng ta do ai nắm giữ? Đi đến tận cùng câu hỏi này, có thể sẽ không ít người bối rối. Khi ta chạy theo những gì là hình thức bên ngoài, quá chú ý đến việc người khác sẽ nhìn mình như thế nào, ta vô tình đã trao đời sống cho kẻ khác. Ta đã bỏ rơi chính mình, chọn làm nô lệ thay vì chọn làm ông chủ, chọn bất hạnh thay vì chọn hạnh phúc. Muốn có được hạnh phúc, ta phải quay về nhà. Dọn hết những gai nhọn, mây mù, ảo tưởng, để bước những bước thảnh thơi của một người làm chủ thực sự đời sống của mình. Một đời sống nội tâm vững vàng, mạnh mẽ sẽ cho ta năng lượng tích cực để nhìn thấy những vẻ đẹp thật sự mà không cần phải phóng chiếu, thêm bớt.

Để 'đóa hoa ra chào' ảnh 1

Mỗi chúng ta đều phải tự tìm trong chính mình một bông hồng nhung cánh kép. Sẽ thấy được màu sắc rực rỡ và hương thơm ngọt ngào của nó, nếu chúng ta vén được những bức màn tăm tối trong tâm mình. Những vui vẻ thoáng qua của vật chất, nhục dục là những đám mây ảo tưởng, những đau khổ, chán chường bế tắc là những gai nhọn tua tủa cần được nhổ bỏ. Dọn dẹp không gian sống, lược bớt và chỉ giữ lại những gì chúng ta cần. Dọn dẹp những bừa bộn vẩn vơ tâm trí, những so sánh làm chúng ta mắc nạn, giữ lại những gì tích cực an vui và tưới tẩm cho những hạt giống đó lớn lên. Khi mây mù qua đi, tầm nhìn sẽ rộng mở, chúng ta có thể bước đi ung dung trong hiện tại, và thấy rằng hiện tại này là đẹp nhất. Chúng ta nhận ra đời sống chính là tấm gương phản chiếu những gì mình suy nghĩ, hành động. Giữ cho tấm gương trong suốt hay là giữ cho lòng mình luôn an định, tâm hồn mình phóng khoáng, ta sẽ tiếp cận được sự màu nhiệm của cuộc đời. Ta sẽ sống ôn hòa, và luôn có thể ôm ấp mọi điều lành, cho đi với niềm an lạc. Dọn dẹp càng nhiều chúng ta càng có tự do. Dọn dẹp để tạo ra một cá nhân mới tự tại an nhiên giữa dòng đời không ngừng trôi chảy, đổi thay vô thường.

Dọn đẹp để đóa hoa từ trong góc tối có cơ hội bước ra chào ta. Là đóa hoa nở ra từ tình yêu đích thực với cuộc đời.

Tản văn của Bình Nguyên Trang

TIN LIÊN QUAN
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.