Tianhe-2, chiếc siêu máy tính đến từ Trung Quốc, đã lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu danh sách 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới. |
Tianhe-2, chiếc siêu máy tính đến từ Trung Quốc, đã lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu danh sách 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới vừa được công bố vào ngày 13/07/2015.
Tianhe-2, do Đại học Công nghệ quốc phòng quốc gia Trung Quốc phát triển, đạt tốc độ đáng nể là 33,86 petaflop, hay 33,86 triệu tỷ phép tính mỗi giây. Có nghĩa, cỗ máy này mạnh gấp khoảng 5.000 lần so với chiếc MacBook Pro đắt nhất của Apple hiện nay.
Các siêu máy tính "ngốn" khá nhiều diện tích cũng như năng lượng điện. |
Tianhe-2 được xây dựng dựa trên công nghệ của Intel, gồm 16.000 giao điểm, mỗi điểm chứa hai vi xử lý Xeon Ivy Bridge và ba Xeon Phi, tức đạt tổng cộng 3.120.000 nhân xử lý.
Trong khi đó, hệ thống Titan của Trung tâm thí nghiệm quốc gia Oak Ridge thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đứng thứ hai với tốc độ chỉ bằng một nửa là 17,59 petaflop. Ngoài ra, Mỹ còn có 5 siêu máy tính góp mặt trong Top 10 và có tới 231 siêu máy tính được "điểm danh" trong Top 500.
Hệ thống Titan của Trung tâm thí nghiệm quốc gia Oak Ridge thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đứng thứ hai thế giới. |
Một "gương mặt" mới xuất hiện trong Top 10 năm nay đến từ Saudi Arabia với Shaheen II tốc độ 5,5 petaflop. Đây là siêu máy tính đầu tiên của Trung Đông lọt vào danh sách 10 cỗ máy mạnh nhất hành tinh và được sử dụng cho mục đích nghiên cứu tại đại học khoa học công nghệ King Abdullah.
Trung Quốc từng dẫn đầu vào năm 2010 nhưng sớm bị hạ bệ. Tuy nhiên, đến năm 2013, Tianhe-2 lại vươn lên vị trí số một và hiện đã là lần thứ năm liên tiếp nó ngự trên đỉnh cao thế giới.
Những chiếc siêu máy tính không được sử dụng với những mục đích thông thường mà chỉ phục vụ các tác vụ tính toán phức tạp cần nhiều khả năng xử lý mà nhiều viện nghiên cứu, nhà máy hoặc doanh nghiệp cần đến. Chúng phục vụ nhu cầu trong nghiên cứu khoa học, bao gồm vật lý quy mô phân tử, dự báo thời tiết và xử lý tín hiệu thiên văn học. Công nghệ đằng sau siêu máy tính cũng được ứng dụng vào các mục đích quân sự như mô phỏng kiểm tra vũ khí hạt nhân và giải mã. Tất nhiên mỗi chiếc siêu máy tính chiếm rất nhiều không gian và tiêu thụ điện năng lớn.
Không sở hữu siêu máy tính mạnh nhất thế giới nhưng Mỹ vẫn chứng tỏ được sức mạnh công nghệ của mình khi là quốc gia có nhiều siêu máy tính nhất thế giới với 231 chiếc (chiếm gần 1/2 danh sách). Số lượng này không thay đổi kể từ tháng 11/2014 nhưng trước đó quốc gia này đã bị giảm lượng siêu máy tính từ 233 chiếc vào tháng 6/2014 và từ 265 chiếc vào tháng 11/2013.
Châu Âu có 141 siêu máy tính trong danh sách, tăng 11 chiếc so với tháng 11 năm ngoái; trong khi Nhật và Trung Quốc lần lượt góp mặt 40 và 37 siêu máy tính trong danh sách này.
Theo thống kê, HP, IBM và Cray là những nhà sản xuất siêu máy tính phổ biến nhất trong khi 86,4% siêu máy tính trong danh sách này được trang bị bộ xử lý của Intel.
Bắt đầu từ tháng 6/1993, cứ 2 năm 1 lần các nhà nghiên cứu khắp thế giới tổ chức sự kiện để chọn ra danh sách 500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Cuộc thi này còn nhằm mục đích theo dõi sự tăng trưởng tốc độ của siêu máy tính trên toàn cầu, từ đó cung cấp cho giới chuyên gia một cái nhìn sâu hơn về khả năng xử lý thực sự của các hệ thống mạnh nhất. Tốc độ của mỗi siêu máy tính sẽ được đo đạc dựa trên công cụ benchmark Linpack được phát triển từ năm 1979.
Minh Châu (t/h)
Xem thêm: