Gần Tết, đường phố Hà Nội nhộn nhịp, ngổn ngang xe cộ. Tại một góc vườn hoa Hà Đông, có một dãy dài xe máy xếp gọn gang trên vỉa hè, từng đám người túm năm tụm ba tán phét, thỉnh thoảng lại đánh mắt về ngoài đường như đợi chờ ai đó. Họ tìm khách để cho thuê… chính mình.
Thế hệ bấp bênh
Nhà nghèo, lại ít ruộng không đủ nuôi 4 mặt con, vợ chồng chị Hoa đành cắn răng để con ở nhà rồi theo chân người làng rời vùng quê nghèo Giao Thủy (Nam Định) lên Hà Nội kiếm ăn. Ngoảnh đi ngoảnh lại, đã 10 năm vợ chồng chị Hoa “bám rễ” ở vườn hoa Hà Đông, công việc dẫu vất vả, nhưng thu nhập vẫn khá hơn là làm ruộng dưới quê.
Người phụ nữ 40 tuổi cho biết, mỗi chợ người (cách gọi dân dã các chợ lao động phổ thông tự phát) ở Hà Nội lại chia địa bàn riêng, ví dụ như ở đây chỉ toàn dân Giao Thủy, họ thường kéo các đồng hương, thậm chí là bố dẫn con, chồng dắt vợ lên đây làm chung, vừa giúp đỡ vừa bảo vệ nhau.
Đều đặn 7 giờ sáng, vợ chồng chị Hoa lại đèo nhau ra vườn hoa Hà Đông, người chồng đỗ gọn xe rồi nhanh chân tạt vào đám đang chơi cờ tướng, người vợ thì chọn một chiếc ghế đá cạnh những người phụ nữ khác. Những lao động ở chợ người bám trụ ngoài vỉa hè và ghế đá, chờ ai đó tới gọi đi làm, cứ thế cho tới 5-6 giờ chiều họ lại lên xe chia về các ngả khác nhau.
Hàng dài xe máy của nhóm lao động tự do tại vườn hoa Hà Đông. |
“Ở đây có gì thì làm nấy, việc có vất vả nhưng vẫn khá hơn là ở nhà làm ruộng”, chị Hoa vừa nói vừa xoa xoa đôi bàn tay để ủ ấm. “Khi nào đến gần vụ, nhà cần người cấy hay gặt thì tôi lại về làm đồng với bà ngoại, chứ để mình cụ thì việc không xuể”.
Đang nói chuyện dở chừng, chị Hoa đột nhiên lao ra đường theo đám đông vây kín lấy một người đàn ông đang gọi người đi làm. Cuộc ngã giá ầm ĩ bắt đầu. Chỉ vài phút, đã có vài người đàn ông lắc đầu bỏ về chỗ ngồi, miệng làu bàu: “Trả thế thì về nhà nằm ngủ cho sướng”.
Tuy vậy, vẫn có một vài người cố nán lại kì kèo thương thuyết thêm vài đồng, trước khi tất tả lấy xe đi theo người đàn ông lạ mặt.
“Đấy cậu xem, họ thuê đánh cả một vườn cây ra chợ bán mà trả có 200.000 một ngày”, chị Hoa xuýt xoa với tôi. “Chợ người cũng có lúc đông lúc vắng. Cứ cách Tết 1-2 tháng, các xưởng bánh kẹo cần người, họ tới gọi liên tục. Nhưng chỉ vậy thôi, đến tháng Chạp là lại đói dài, vì chẳng còn việc gì nữa, mà có thì trả thấp lắm”.
Theo chị Hoa, khoảng 20 năm trước đây, những người ở cùng trang lứa với mình ở dưới quê đều không có việc làm, họ phải đổ lên các thành phố tìm những công việc tay chân. Sau này khi các khu công nghiệp, nhà máy ồ ạt ra đời, thì những lao động luống tuổi lại thất thế trước lớp trẻ đông hơn, lại nhanh nhẹn hơn.
Quay đi quay lại, những lớp thanh niên quyết chí “thoát ly” năm xưa giờ vẫn là những lớp người bấp bênh, loay hoay không kiếm được một sinh kế bền vững. Tương lai ở thành phố thì mù mờ, nhưng quay trở lại quê nhà cũng không có một tương lai hứa hẹn.
“Đại ca” bến chợ người
“Làm cái này trung bình một tháng thì được dăm bảy triệu. Muốn về ăn Tết với gia đình lắm rồi, nhưng thôi cố ở lại kiếm nốt, mua cho bà vợ chút thịt mà làm mâm cỗ Tết…” ông Kiêu nói rồi rít một hơi thuốc lào khô khốc.
Ngày xưa, ông Kiêu là lao động lâu năm tại một công ty chế biến thuỷ sản ở Giao Thủy. Về sau, công ty được ông chủ đem đấu thầu, cho thuê, khiến những lao động không có vốn như ông Kiêu nghiễm nhiên bị đẩy ra đường. Thất nghiệp, người đàn ông miền biển quyết chí lên thủ đô kiếm việc làm.
Cờ tướng là món ăn tinh thần của cánh đàn ông chợ người. |
Sau một thời gian làm bốc vác, tháo dỡ công trình, ông Kiêu được một người làm cùng giới thiệu cho cái nghề “thợ đụng” này. Hoàn toàn chủ động về thời gian làm việc, thu nhập vài ba trăm một ngày cũng không hề thua kém công việc hiện tại, ông quyết định mua lại một con Dream “còm” với giá 2 triệu và bắt đầu “cắm chốt” tại vườn hoa Hà Đông.
Là người lớn tuổi nhất trong đám, ông Kiêu được bầu làm “đại ca”. Hơn 20 năm trong nghề, không có việc gì là ông chưa đụng tay vào. Từ lau dọn nhà cửa, khuân vác đồ đạc, xây dựng công trình, đến thông cống, hút bể phốt… Hai bàn tay ông Kiêu chi chít những vết chai sần – “chứng tích” của hơn sáu chục năm lăn lộn với sóng gió cuộc đời.
Quan sát kỹ hơn, tôi nhận ra lẫn trong mái tóc bạc trắng được cắt cua của người lao động già là một vài vết sẹo. Ông Kiêu cười: “Tai nạn nghề nghiệp đấy! Hồi ở quê làm công nhân trong nhà máy thì chưa có vết nào đâu”. Thật khó tin, đó là vết thương từ những lần ông xui xẻo gặp phải những “khách hàng” cục cằn, ưa bạo lực. Họ coi người lao động tại chợ người như một món hàng, chỉ cần không vừa ý, họ sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
Phần lớn các lao động tại chợ người thuộc tầng lớp trung niên, họ khó có cơ hội kiếm việc ở quê. |
Ông Kiêu thở dài kể tiếp: “Chẳng nói đâu xa, mới chỉ hôm qua thôi, mấy anh em đang ngồi đánh cờ tướng thì có 2 thanh niên trẻ tới thuê về dọn dẹp, khuân vác đồ đạc. Đến nơi, vừa mới bước qua cửa thì chúng tôi thấy một thanh niên khác mình xăm trổ, hai mắt lờ đờ, nằm vật trên giường như vừa ‘chơi đồ’. Nhìn thấy chúng tôi, nó quắc mắt lên rồi lớn tiếng chửi bới, doạ nếu không làm xong việc nhanh thì ‘tao đập chết’. Nghe xong, chúng tôi lập tức lên xe chuồn ngay. Kiếm được đồng tiền mà ăn đòn thì vẫn thiệt hơn nhiều, sao phải mạo hiểm?”
Là “đại ca”, ông Kiêu luôn là người đầu tiên đứng ra giải quyết các vụ va chạm trong nhóm và các nhóm khác. Trong thế giới của những “thợ đụng”, việc phải đối đầu với các nhóm khác muốn tranh giành chỗ làm ăn, hay những kẻ gian có ý định trà trộn vào nhóm để trộm cắp, lừa đảo là điều không thể tránh khỏi. Họ cũng phải đổ mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu để giữ cho chợ người được ổn định như hôm nay.
Nhưng đó mới chỉ là một phần mặt trái của nghề này. Với lao động nữ, họ phải đối mặt với một cạm bẫy khác không kém phần nguy hiểm: lạm dụng tình dục. Ông Kiêu kể, không lâu về trước, một người đàn ông đứng tuổi tới tìm người về dọn dẹp nhà cửa, nhưng nhất quyết chỉ muốn một lao động nữ theo mình về.
Cảm thấy có điều bất thường, ông Kiêu liền “điều” thêm hai phụ nữ đi cùng cho an tâm. Chừng nửa tiếng sau, họ quay về. Hỏi chuyện, ông Kiêu mới biết rằng, người đàn ông kia sau khi để nhóm dọn dẹp một lúc thì bảo hai người còn lại về trước, vì công việc còn lại chỉ cần một người làm là đủ. Ý đồ lộ liễu đó khiến họ tức tốc lấy xe về ngay, bởi nếu làm theo lời ông ta, không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra.
“Chúng tôi dù không được học hành đầy đủ, hoàn cảnh lại khó khăn nhưng đều ăn nói, cư xử đứng đắn, đàng hoàng. Nhưng làm cái nghề này thì phải chấp nhận có lúc sẽ gặp phải những người như thế. Là lao động tự do nên đành phải tự bảo vệ nhau thôi, chứ từ trước đến nay làm gì có ai quan tâm đến sự an nguy của chúng tôi?”
Nỗi nhớ gia đình
Trời bắt đầu mưa lâm râm, từng tốp “thợ đụng” lại đứng sát vào nhau để giữ ấm. Một người trẻ hơn trong đám lấy từ đâu ra vài thanh gỗ, rồi kê lại thành vòng tròn, vun giấy báo châm lửa đốt. Phải mất một lúc, lửa mới bèn vào gỗ, từng người nhanh chóng hơ tay sát bếp lửa, câu chuyện của họ lại về cái rét, về dịch bệnh và một cái Tết đã sầm sập rất gần. “Ngày nào cũng phải đốt vài đống, cứ chìa mặt ra đường cả ngày mà không có cái gì sưởi thì chịu chết”, chị Hoa cười.
Chị Hoa ngồi trước đống lửa nhỏ. |
Mọi người kháo nhau xem năm nay ai bám trụ lâu nhất, có người thì 28, 29 Tết như công chức, có người thì tận 30 Tết. Có người chỉ ăn Tết vài ngày, có khi mùng 2, mùng 3 đã ngược lên Hà Nội để tranh thủ làm xe ôm, thông thường các lao động tại chợ người cũng chỉ ăn Tết 10 ngày rồi lại lục tục kéo nhau đi, vì ra Tết có nhiều công trình xây dựng bắt đầu khởi công, việc nhiều mà thu nhập khá hơn giáp Tết.
Một nỗi niềm chung của những lao động ở chợ người đó là nỗi buồn xa nhà, xa gia đình và con cái. Chị Hoa kể, 10 năm trước khi vợ chồng chị quyết định lên Hà Nội, thằng lớn mới học lớp 6. Nhà vắng người dạy bảo, thằng bé cứ lớn theo bản năng, đến lớp 11 thì giấu bố mẹ bỏ lên Hà Nội làm cho một hàng phở. Vợ chồng chị Hoa đỏ mắt tìm con, khi tìm được rồi lại không dám mắng chửi, vì cũng hiểu con trai vì hoàn cảnh mới phải làm vậy.
Hai đứa đầu nhà chị Hoa nay đã lớn, cũng biết đi làm để đỡ đần cho bố mẹ, giờ anh chị đang ở cùng đứa lớn trong một khu trọ, đến giờ cơm tối là cả nhà quây quần bên nhau, dẫu rằng vẫn thiếu một nửa.
“Vợ chồng tôi đi suốt, hai đứa nhỏ giờ ở với bà và chị hai. May mắn là con thứ ba học khá, mà lại ham học, cả nhà tôi quyết tâm thúc nó học bằng được, không để dang dở như hai anh chị trước”, chị Hoa chia sẻ.
Còn thằng út, mới 7 tuổi nhưng rất lém lỉnh. Sống xa bố mẹ từ nhỏ, nhưng thằng bé may mắn hơn các anh chị của nó là mỗi tối đều được thấy bố mẹ qua màn hình điện thoại, thay vì chỉ có giọng nói.
“Có công nghệ cũng đỡ, được nhìn mặt con. Nói vậy nhưng cũng xót ruột lắm, mỗi lần thấy bố mẹ chuẩn bị đi Hà Nội, nó lại chạy ra ôm chân rồi mếu máo. Dỗ nó bằng đồ chơi, quà bánh thì nó lại bảo chỉ cần mỗi mẹ. Thương con nhưng chẳng biết phải làm thế nào”, giọng chị Hoa nhỏ dần. “Không bỏ đi làm ăn thì lấy gì nuôi chúng nó”.
Cứ đến dịp cuối năm, chị Hoa lại nôn nao, niềm vui gặp các con trộn lẫn với nỗi lo tiền bạc. Tiếng là lên Hà Nội làm ăn, nhưng vợ chồng chị Hoa vẫn phải vay nợ để đóng học phí cho các con, mức sống đắt đỏ ở Thủ đô khiến thu nhập của hai người lớn chỉ đủ để cầm cự. “Người ta đến Tết là vui, mình thì chỉ lo gom góp còn trả nợ. Gặp con cũng vui, nhưng chỉ được mươi ngày là phải đi. Khi nào chúng nó lớn hết cả, thì may ra mình mới hết nợ”.
Thất nghiệp vì dịch bệnh
Đối với Phú, 31 tuổi, một lao động đến từ huyện Yên Thành (Nghệ An), mỗi lần nghĩ tới cảnh dịch bệnh, miệng anh lại đắng ngắt. Phú kể cách đây 3 năm, anh được gia đình chạy vạy tiền để đóng cho một công ty xuất khẩu lao động, đợi vài tháng, Phú được ký hợp đồng sang Singapore làm cho một tiệm giặt là.
“Trước khi đi tôi cũng háo hức lắm, chỉ mong được đi thật nhanh để kiếm tiền trả nợ cho bố mẹ rồi tích cóp để có tiền xây nhà. Sang đấy lại bao nhiêu khó khăn mà mình không lường trước được”, Phú nhớ lại.
Tiệm giặt là nơi Phú làm việc nhận các đơn hàng từ những chuỗi khách sạn lớn, đều đặn 10 tiếng mỗi ngày Phú luôn tay luôn chân giặt, xả, sấy và là ủi ga trải giường, khăn trải bàn…Tối tối trước khi đặt lưng xuống giường, Phú lại phải lấy dầu ra xoa hai bàn tay cho đỡ đau nhức.
“Mỗi tháng làm giặt là họ trả tôi từ 48-50 triệu tiền Việt, trừ đi chi phí sinh hoạt thì tích cóp được hơn 30 triệu gửi về quê”, Phú chia sẻ. “Tới đầu năm 2020, dịch bệnh lây lan dữ dội, tình hình làm ăn khó khăn nên chủ tiệm giặt là phải đóng cửa, tôi cũng rơi vào cảnh mất việc, ở lại thì không được mà về nước thì không phải ai cũng tới lượt”.
Mãi tới tháng 6 năm 2020, Phú mới đăng ký được về nước. Kết thúc 2 tuần cách ly, Phú trở về nhà, nhưng về rồi lại cũng chẳng kiếm nổi việc gì làm như trước. Ở vùng quê Yên Thành của Phú, công việc đồng áng chủ yếu dành cho người già, thanh niên ai trưởng thành cũng rủ nhau bỏ xứ đi làm ăn xa, người thì vào Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân, người thì đi xuất khẩu lao động.
Nằm nhà một thời gian, Phú được một cậu em họ rủ lên Hà Nội làm cửu vạn, hằng ngày hai anh em “đóng quân” cùng nhiều đồng hương Nghệ An ở khu vực dốc Bưởi, một khu chợ người nổi tiếng lâu năm ở Hà Nội.
Giống như chợ người Hà Đông, các lao động ở dốc Bưởi rất đoàn kết và sẵn sàng giúp đỡ nhau. Khi có người tới thuê, họ tự chia đều việc cho các thành viên trong nhóm, làm sao để ai cũng có ngày công mà không thừa người, mất sức.
“Ngày đầu mới ra đây làm tôi cũng ngại lắm, mình còn trẻ mà đã phải ra đây đứng với các chú các bác. Nhưng đói thì đầu gối phải bò”, Phú chia sẻ. “Nhiều người ở đây lâu thì còn chạy được xe ôm, mình mới lên lạ nước lạ cái, họ phân cho việc gì thì đi làm chứ chẳng kén chọn được”.
Dịch bệnh bất chợt ấp đến khiến không ít lao động trẻ tuổi mất việc, nhiều người "dạt" tới các khu chợ lao động để bán sức kiếm kế sinh nhai. |
Phú kể, những đồng tiền đầu tiên anh kiếm được là từ công việc phá dỡ nhà cửa. Phải mất một lúc, anh mới xoay xở để làm chủ được cái máy đục bê tông kềnh càng. “Phá dỡ tường thì nặng nhọc, nhưng anh em bảo cố mà làm việc này, vì được người ta trả công cao nhất. Cầm được 500 nghìn đầu tiên, tôi lại nhớ tới ngày lĩnh tháng lương đầu bên Singapore, không biết là nên khóc hay cười nữa”.
Thấm thoát đã được 3 tháng Phú “cắm chốt” ở dốc Bưởi, những ngày đầu rụt rè đã không còn, giờ anh trở nên dạn dĩ hơn, thậm chí còn có mối ruột thường gọi đi bốc hàng ở chợ Bưởi. Tưởng thế là ổn định, nhưng chưa đầy 10 ngày nữa là Tết, lại một làn sóng dịch bệnh khác ập tới, những nỗi lo vô hình vẫn đeo bám lấy người đàn ông 31 tuổi.
“Đi ra đường cũng sợ, lúc nào cũng phải đeo sẵn khẩu trang, nghe đài báo lại thêm sốt ruột, dịch ở Việt Nam không đến nỗi làm tôi lại mất việc, nhưng kiếm được đồng tiền cũng khó khăn không kém”, anh Phú chia sẻ. “Mong sao qua Tết dịch tan sớm, mình lại đi tìm hợp đồng để ra nước ngoài tiếp, chứ làm ở chợ người mãi như thế này cũng không ổn”.