Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội cho người lao động, và trong vòng xoáy đó, không ít người khiếm thị đã nhanh chóng nắm bắt, đặt nền móng cho một ngành nghề hoàn toàn mới, một nghề mà trước đó rất nhiều người khiếm thị không thể tưởng tượng ra mình có thể làm được.
______________________
Phải mất nhiều lần hẹn, PV Ngày Nay mới gặp được anh Đoàn Đức Đan, Chủ tịch Hội người Mù huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình). Lý do hóa ra là anh bận vướng Hội thi Tin học toàn quốc, không có thời gian rảnh. Đây là lần thứ hai anh Đan tham dự hội thi này, lần đầu anh thi theo diện hội viên trẻ.
Anh Đan kể mình đam mê máy móc công nghệ từ nhỏ, bé thì thích nghe đài, lớn thì rất thích sử dụng máy tính, smartphone, những thiết bị thông minh này như một cầu nối giúp anh có thêm đôi mắt trong cuộc sống.
Năm 1997, Đoàn Đức Đan thuộc thế hệ học sinh đầu tiên tham gia mô hình học hòa nhập (đưa học sinh khiếm thị học cùng với học sinh bình thường) của Hội người mù Thái Bình.Ngày đó, học sinh khiếm thị đều trả bài cho các thầy / cô bằng máy đánh chữ. Có lẽ đó cũng là điều kiện thuận lợi cho việc học máy tính sau này. Vì bàn phím máy đánh chữ cũng không khác nhiều so với bàn phím máy tính.
Năm 2006, anh được Hội người mù Thái Bình cử đi học lớp tin học văn phòng do Hội người mù Việt Nam tổ chức. “Ở đây, tôi được học những kiến thức cơ bản về máy vi tính và mọi thứ chỉ thực sự thay đổi khi có internet”, anh Đan hồi tưởng và nói vẫn nhớ cảm giác vui sướng khi biết phía sau bàn phím kia là cả một thế giới mới đang chờ anh khám phá.
Sau khi hoàn thành khóa học tin học cơ bản cho người khiếm thị, anh Đan được tỉnh Hội tin tưởng giao cho dạy vài khóa đào tạo ở Thái Bình. “Nghề dạy tin học này ngẫm ra cũng không hề bền vững, vì chỉ sau 4-5 khóa là đã hết sạch học viên”, anh Đan trầm ngâm. “Tôi lại phải xoay sang làm thêm tẩm quất, dẫu sao đây cũng là nghề có thu nhập cao. Những việc như làm tăm, đồ thủ công không còn có thể đảm bảo đời sống cho người khiếm thị”.
Đầu năm 2020, anh Đan được nghe về một công việc mới mà anh coi là bước đột phá để giải quyết bài toán việc làm cho người khiếm thị, đó là dán nhãn dữ liệu.
“Trước đó tôi cũng chưa từng biết đến nghề dán nhãn dữ liệu, nghe xong là phải Google ngay, hóa ra công việc này trên thế giới đã có từ lâu. Nôm na là phân loại dữ liệu âm thanh cho hệ thống trợ lý ảo AI tiếp nhận rồi tự học”, anh Đan hào hứng giải thích. “Công việc này thực sự rất phù hợp với người khiếm thị, bởi chỉ cần một chiếc máy tính hay điện thoại, cùng khả năng nghe vốn đã là ưu điểm, chúng tôi có thể dễ dàng làm việc này”.
Nếu so với nghề tẩm quất, thì dán nhãn dữ liệu cũng cho thu nhập không kém mà lại không mất chi phí đi lại. Có thể thời gian đầu, chưa quen với nguồn giữ liệu, bỡ ngỡ với công cụ hỗ trợ nên thời gian làm việc sẽ phải nhân thêm gấp rưỡi thì mới đảm bảo được thu nhập như người bình thường làm 8 tiếng/ngày”, anh Đan chỉ ra.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê trong giai đoạn 2016-2017, cả nước có 6,2 triệu người khuyết tật (chiếm 7,06% dân số), trong đó có 1,03 triệu người khiếm thị.
“Hiện tại, trên cả nước có khoảng 9.000 người khiếm thị biết sử dụng máy vi tính và điện thoại thông minh, trong đó có khoảng 7.000 sử dụng thành tạo. Công nghệ thông tin là phương tiện hết sức hữu hiệu giúp người khiếm thị sinh hoạt, học tập, làm việc thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn”, ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, cho biết.
Cuối năm 2019, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam (NISCI) đã phối hợp với Hội người mù Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế khởi động dự án “Xây dựng công cụ phần mềm hỗ trợ người khiếm thị kiếm sống bằng nghề dán nhãn thông tin” (Information Labeling - InLab).
Theo bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Trưởng nhóm nghiên cứu dự án InLab, ý tưởng gốc cho dự án xuất phát từ chính nhu cầu của người khiếm thị cùng khả năng thao tác thiết bị điện tử của họ.
“Tận mắt chứng kiến khả năng của người khiếm thị, chúng tôi đã hình thành nên ý tưởng xây dựng một công cụ để giúp họ tham gia vào công việc dán nhãn dữ liệu – vốn là một trong những công đoạn quan trọng của ngành công nghiệp AI đang thịnh hành hiện nay”, bà Hạnh nói.
Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 bao gồm việc xây dựng công cụ phần mềm để đào tạo, huấn luyện người khiếm thị dán nhãn dữ liệu. Giai đoạn 2 sẽ tiến hành đào tạo cho những người khiếm thị có nhu cầu tham gia vào công việc mới này.
“Ngay trong quá trình sáng tạo công cụ phân loại dữ liệu âm thanh, chúng tôi đã có sự đồng hành của người khiếm thị. Cả hai bên đã đi với nhau từ những ngày đầu, cùng xây dựng từng module một để ra một công cụ hoàn chỉnh, phù hợp với điều kiện của người khiếm thị”, bà Hạnh cho biết.
Để tiếp cận với nghề dán nhãn dữ liệu, người khiếm thị sẽ được đào tạo qua kho dữ liệu mẫu, được huấn luyện và có các bài kiểm tra để đánh giá năng lực. Sau khi đạt tiêu chuẩn để tham gia công việc phân loại dữ liệu bằng âm thanh, người khiếm thị sẽ đăng nhập vào hệ thống phần mềm và tham gia vào công việc dán nhãn bằng cách chọn cho mình một hoặc nhiều công việc trên bảng danh sách công việc.
Hệ thống tự động của phần mềm sẽ căn cứ vào thời gian, tần suất làm việc, lượng dữ liệu được dán nhãn và lượng dữ liệu được dán nhãn đúng để đưa ra đánh giá khả năng cũng như mức lương cho người làm việc.
Những ngày đầu tiên, đội ngũ InLab không khỏi lo lắng về việc đào tạo cho các học viên tiếp thu nhanh nhất các kiến thức và thao tác với công cụ, thế nhưng chỉ sau 2 ngày, mọi người đều tiếp cận và sử dụng thành thạo phần mềm.
Theo anh Khúc Hải Vân – học viên khóa đầu, những dự án tiên phong như InLab giúp tạo ra cơ hội để người khiếm thị dễ dàng tiếp cận công việc dán nhãn dữ liệu,
“Đây là công việc lý tưởng dành cho chúng tôi bởi không phải bỏ ra quá nhiều vốn. Ngoài ra, công việc này không đòi hỏi quá nhiều về trình độ tin học, chỉ cần có kiến thức xã hội, nắm bắt được nội dung công việc. Một lợi thế dành cho người khiếm thị đó khả năng tập trung nghe giúp chúng tôi dễ dàng dán nhãn các dữ liệu, chỉ cần có mạng internet và một không gian yên tĩnh là đủ”.
Một lợi thế khác của dán nhãn dữ liệu đó là công việc này có thể làm được từ xa, không tốn chi phí đi lại, giảm thiểu rủi ro khi làm việc. Người khiếm thị thường chỉ có những công việc như tẩm quất, làm đồ thủ công hoặc đi bán vé số, hát rong và có nguy cơ bị xâm hại hoặc tai nạn nghề nghiệp, mà thu nhập lại cũng không hề cao.
Anh Vũ Anh Dũng, Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), cho biết sau khi hoàn thành khóa học đầu tiên của InLab, do phải vừa học vừa làm nên anh không có quá nhiều thời gian làm công việc dán nhãn dữ liệu, một vấn đề khác đó là hiện kho dữ liệu của InLab đã hết và chưa có đủ nguồn dữ liệu mới cho mọi người làm việc.
“Một khó khăn khi làm công việc này đó là nguồn dữ liệu còn hạn chế do các công ty chưa tin tưởng vào khả năng của người khiếm thị, nên họ không giao các gói dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu âm thanh, để nhiều người có thể cùng nhận việc”, anh Dũng chia sẻ.
Cũng theo bà Hoàng Thị Bích Hạnh, dù dự án InLab ngay từ đầu đã có sự đồng hành của các công ty công nghệ lớn tại Việt Nam như InforRe Technology, HMD Technology và FPT.AI, thế nhưng nguồn cung dữ liệu vẫn không đủ để duy trì công việc cho người khiếm thị.
“Sau dự án, Viện NISCI đã hỗ trợ thành lập startup công nghệ về dán nhãn dữ liệu mang tên InLab, mà lực lượng lao động sẽ là những người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng. Chúng tôi mong cộng đồng và các tổ chức, doanh nghiệp hãy tạo thêm thật nhiều công việc cho những người khiếm thị, quan trọng nhất là chia sẻ thêm nhiều niềm tin vào cộng đồng này”, bà Hạnh chia sẻ.
Trong năm 2021, InLab dự định nâng cấp hệ thống cho cả người khuyết tật nói chung để tham gia dán nhãn dữ liệu hình ảnh. Ngoài ra, InLab không chỉ nhắm đến việc dán nhãn những dữ liệu thông thường mà còn muốn tiếp cận các dữ liệu mang tính chất trí tuệ cao, bắt buộc người làm phải động não và có kỹ năng cao hơn và đối tượng ưu tiên vẫn là người khuyết tật.
“Công nghệ giúp thu hẹp khoảng cách giữa người khiếm thị với cộng đồng. Nó cho chúng tôi một đôi mắt mới, giúp chúng tôi tạo ra sinh kế, chủ động trong cuộc sống. Nhờ đó, các câu chuyện chính sách dành cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng không còn quá nặng nề như trước. Người khuyết tật sẽ không còn là nhóm yếu thế trong xã hội”, anh Khúc Hải Vân chỉ ra. “Cần phải có thật nhiều những dự án công nghệ để cho người khiếm thị có thêm cơ hội hòa nhập với dòng chảy phát triển của thời đại”.
Bài: Huy Vũ
Thiết kế: Thúy Hà