Ngay sau khi thành lập nước, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, Người viết: “Hiện nay “Công-Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công-Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…”.
Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, cách đây 20 năm, ngày 13/10 hằng năm đã được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam (theo Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ), với ý nghĩa chính là khuyến khích và tôn vinh vai trò của những nhà doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và cho nhân dân.
Hằng năm, cứ đến dịp ngày 13/10 - Ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng ta lại có một cảm xúc đặc biệt. Đó là dịp để chúng ta tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam
Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Hiện nay, chúng ta có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh; đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ở hầu hết mọi địa bàn, lĩnh vực; hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp phát triển, gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân, nhất là doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, gắn với đổi mới sáng tạo. Đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ làm nhiệm vụ phát triển kinh tế mà ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng và Nhà nước ta luôn có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”.
Đại hội XIII của Đảng đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đại hội XIII cũng đã đề ra nhiệm vụ: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…”.
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 9/5/2024 để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, chúng ta khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khuyến khích phát triển, phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam đối với sự thịnh vượng của đất nước vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc và tính thời sự nóng hổi, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước ta.
Đảng, Nhà nước luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước. Đây là nguồn cảm hứng, khích lệ, động viên đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục vững tin vào vai trò, sứ mệnh cao cả của mình đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
TP Hồ Chí Minh trao Bằng khen cho các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu năm 2024 trong chiều 11/10/2024 |
“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” với những đòi hỏi ở đội ngũ doanh nhân
Đứng trước khởi điểm lịch sử mới, Việt Nam chủ trương tận dụng hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước. Để có thể tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng mới, chúng ta phải chuẩn bị một tâm thế để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, đó là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Bối cảnh mới đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Trong bối cảnh ấy, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cần: Tiên phong thúc đẩy “3 đột phá” chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực); tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…); tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại; tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường; thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là các chính sách lớn, tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh… Nhờ đó, môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện liên tục; công tác hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc tiếp cận thông tin, chính sách thuận lợi hơn, cải cách hành chính, chuyển đổi số phát huy hiệu quả, trong đó có việc đẩy mạnh tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến góp phần tiết giảm đáng kể thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp.
Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chúng ta hãy: “Cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển”, “cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào”, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Những định hướng, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp. Với tinh thần kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế; phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện để góp phần giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị của đất đai; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng; hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế-dân sự; trong đó tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, theo tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo: “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể”. Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ, không phân biệt các thành phần kinh tế.
Hai là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường rà soát, sửa đổi ngay các quy định, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, tham vấn chặt chẽ ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
Ba là, khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Bốn là, nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Từ đó, tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, các sản phẩm được phát triển bởi con người Việt Nam, được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam và tại Việt Nam.
Năm là, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và làm việc chuyên nghiệp; có cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường kết nối mạng lưới nhân tài, trí thức người Việt ở trong và ngoài nước.
Sáu là, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, gây khó khăn, nhũng nhiễu, phiền hà đối với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, về phía các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp: Cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chủ động đón bắt cơ hội mới, xu thế mới.
Đặc biệt, đối với cộng đồng doanh nghiệp: Cần tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo. Các doanh nghiệp lớn cần nêu gương đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các lĩnh vực.
Các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; nêu cao tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới giá trị, lợi ích chung từ nhiều phía; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc.
Thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước. Đội ngũ doanh nhân cần tiếp tục chung sức, đồng lòng, ra sức thi đua hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Mỗi doanh nhân hãy thể hiện tinh thần đoàn kết, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, bắt kịp xu hướng, chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, đó là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trần Mai Hương
(Báo Nhân Dân ngày 13/10/2024)