Trong tiếng đàn bầu, đàn tranh du dương, nhạc phẩm “Son” của nhạc sĩ Đức Nghĩa bỗng réo rét tiếng ghita điện khiến tiết tấu trở nên bừng tỉnh.
______________________
Một ca khúc khác, giữa làn điệu í a của tiếng sáo tiêu bỗng ngẫu hứng một đoạn nhạc giao hưởng dồn dập giúp giai điệu trở nên bay bổng hơn…
Đó là những mảng màu lạ mà quen được nghệ sĩ trẻ Nguyễn Trương Đức – sinh năm 1997, tốt nghiệp khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam “cài cắm” với nỗ lực làm mới âm nhạc truyền thống.
Với Trương Đức, phương án đưa nhạc cụ truyền thống đứng bên cạnh các loại nhạc hiện đại không hề mới, trước đó đã có rất nhiều người thực hiện, nhưng mỗi người nghệ sĩ - ở giai đoạn khác nhau, sự thấu cảm khác nhau, luôn cố gắng sáng tạo nhiều nhất có thể trong từng sản phẩm âm nhạc.
Song song với công tác giảng dạy âm nhạc, Nguyễn Trương Đức còn là một nghệ sĩ trẻ chuyên hòa âm, phối khí các tác phẩm âm nhạc dân gian, nhạc quê hương trữ tình.
Bất cứ bản phối cho bài hát quê hương, dân ca nào, Trương Đức cũng cố gắng đưa nhạc cụ dân tộc vào nhiều nhất có thể. Trong tiếng đàn bầu có thể xen chút hơi hướng nhạc Jazz, thậm chí trong tiếng đàn tranh có pha chút màu sắc nhạc Rock... Những tiết tấu mà chẳng ai nghĩ sẽ được thưởng thức trong một bài hát quê hương đậm chất trữ tình. Mô hình này không mới, nhưng sự sáng tạo nằm ở trong từng bài hát, từng tiết tấu, giai điệu cụ thể.
Trương Đức bảo, không phải cứ thích đan xen nhạc nào cũng được, vì phải phù hợp với giai điệu và hoàn cảnh. Người nghệ sĩ phải vô cùng chọn lọc, tìm tòi, “làm mới” từng tí một, từng phần một trên nền nhạc dân tộc đã được thừa hưởng từ ông cha. “Thường trong mỗi bài hát tôi sẽ làm mới 30-40% tiết tấu, và giữ lại 70% giai điệu dân tộc quen thuộc, để các bạn trẻ dễ nghe hơn, nhưng không làm biến mất hoàn toàn dấu ấn của âm nhạc truyền thống”, Đức chia sẻ.
Ngồi giữa một quán cafe nhỏ phố Hào Nam, Trương Đức hát khe khẽ một câu hát để tôi thấy sự khác biệt rõ rệt giữa tiết tấu chầm chậm, dễ buồn ngủ của thứ nhạc cổ và tiết tấu nhạc cổ đã được biến tấu, đưa đẩy nhanh hơn, phối khí công phu hơn. “Đào liễu có một mình/Em đi đâu hỡi cô nàng ơi/Đào liễu có một mình/Ấy kìa hai vai đang còn gánh nặng mà để còn nhật trình…” (Điệu Đào liễu - lời cổ). Đức vừa hát vừa gõ tay mô phỏng nhịp phách trên, cứ nói đến nhạc truyền thống là chìm vào say mê, đúng như cái nghề, cái nghiệp “vận” vào người.
Là người học âm nhạc truyền thống, cụ thể là đàn bầu, Nguyễn Trương Đức không hề buồn khi nhiều người mặc định: nhắc đến đàn bầu là nhắc đến nhạc đám hiếu. “Điều đó đúng thôi, nói gì thì nói đàn bầu vẫn là hồn cốt, là nhạc dân tộc, là thứ nhạc gần gũi với các cụ, các bà, đưa mọi người về đất mẹ, nhưng đấy là khi các bạn chưa được nghe những bản phối đàn bầu với các nhạc cụ khác. Tôi luôn muốn đưa những bản phối mới về âm nhạc truyền thống đến các bạn trẻ, để các bạn thấy âm nhạc truyền thống cũng hấp dẫn vô cùng” – Đức nói.
Một trong những tác phẩm mới mà Đức đem đến cho các bạn sinh viên trẻ gần đây nhất là tác phẩm “Chiến binh và quái thú” diễn trong một cuộc thi của trường FPT. Trong tiếng tùng tùng quen thuộc của nhạc cổ là một đoạn nhạc giao hưởng với tiết tấu nhanh thôi thúc, cộng hưởng với hình tượng múa thoắt nhanh thoắt chậm trên sân khấu khiến nhiều bạn trẻ theo dõi từ đầu đến cuối không chán. Theo Trương Đức, nhân tố mới trong bài phối chính là tiết tấu nhanh khiến các bạn sinh viên không thấy nhàm chán, cảm xúc vì thế cũng hừng hực, bùng nổ như khi đứng trước một sân khấu lớn thưởng thức một vũ đoàn nào đó hát và nhảy nhạc trẻ.
Cái mới mà Nguyễn Trương Đức đưa vào các bài nhạc dân gian, nhạc quê hương chính là làm sao để người trẻ được thưởng thức một bản hòa âm phối khí độc đáo, thăng hoa từ nhiều loại nhạc. Nó không còn đơn thuần là tiếng đàn tích tịch tình tang, hay chỉ đơn giản là các nhạc cụ truyền thống đàn tranh, sáo nhị, đàn nguyệt... Trương Đức sẽ mượn tiết tấu mang âm hưởng nhạc Jazz, giao hưởng, kết hợp với những làn điệu mang âm hưởng dân gian để tạo nên giai điệu mới, tiết tấu mới khiến bài hát cuốn hút hơn, trầm bổng hơn. Tất nhiên, trong tất cả các bài hát dân gian, nhạc quê hương, sự xuất hiện của đàn bầu, đàn tranh, sáo, đàn nguyệt... vẫn là “linh hồn” của nhạc trữ tình.
Các làn điệu của ông cha để lại thuần túy từ xưa đến nay khi bước vào bản phối của Nguyễn Trương Đức bỗng mang một dáng dấp khác, nhiều người kêu “Lạ quá”. Nhưng với Đức, cái mới bao giờ cũng lạ, cần phải cho khán giả thời gian để thưởng thức và để ngấm. Sau mỗi bản phối, Đức luôn đưa cho thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè thưởng thức để nhận lại phản hồi. Dù tích cực hay tiêu cực, với Đức đều là những đóng góp quý mà một người trẻ như Đức cần để hoàn thiện mình, hoàn thiện tác phẩm.
Nhạc truyền thống giờ đang bị “lép vế” trên thị trường, muốn được mọi người thích là cả một thách thức, vì nó không dễ nghe với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, tôi luôn tự nhủ, muốn làm mới nhạc dân tộc phải học hỏi rất nhiều, đầu tư nhiều, phải tư duy mới theo người trẻ, nhất định nhạc dân gian sẽ có chiếc áo mới mà mọi người nghe dễ hơn”, Đức tâm sự.
Mới ra trường 3 năm, chàng trai 25 tuổi Nguyễn Trương Đức đã và đang theo đuổi nhiều đam mê. Đức thừa nhận, mình là thế hệ trẻ quá trẻ, còn phải tiếp thu rất nhiều, nhưng muốn sáng tạo phải yêu nghề, yêu nhạc dân tộc. Đức không muốn thay đổi âm nhạc truyền thống, nói đúng hơn là làm mới những giai điệu của ông cha đã có sẵn, làm mới tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo... trong bản hòa tấu cùng nhạc hiện đại.
Là con thứ hai trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật ở miền quê Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh, Quảng Trị, Nguyễn Trương Đức từ bé đã thích những giai điệu lách cách của nhịp phách. Nghe theo tiếng gọi của đam mê, Trương Đức ra Hà Nội, gắn bó với ngôi trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và bám trụ Hà Nội để sống với đam mê cùng âm nhạc truyền thống. Điều thú vị là chị gái Đức cũng say mê âm nhạc truyền thống, hiện đang là giảng viên dạy ca Huế ở Huế, thường xuyên đi diễn ca Huế và kiếm sống bằng những bài ca Huế.
Với sự phát triển “bùng nổ” của các loại hình giải trí mới, các thể loại âm nhạc truyền thống đang ngày càng mai một, Nguyễn Trương Đức chia sẻ mong muốn được “phủ sóng” âm nhạc truyền thống rộng hơn trên mạng xã hội, lan tỏa ngày càng nhiều sức hút của âm nhạc truyền thống đến giới trẻ hôm nay.
Bài: Việt Đan
Thiết kế: Thúy Hà