Formosa, 5 tháng nhìn lại

(Ngày Nay) - Sau 5 tháng nhìn lại sự kiện diễn ra tại Formosa, chúng ta vẫn thấy những bài học không bao giờ cũ. Đó là bài học mà vị giám đốc đối ngoại Chu Xuân Phàm của công ty này đã đúc rút giúp người Việt Nam: Được cái này thì phải mất cái kia. Có những lựa chọn một mất một còn trong kinh tế.
Nhiều thuyền của ngư dân tại xã Kỳ Lợi vẫn còn “ngủ bờ” sau sự cố môi trường
Nhiều thuyền của ngư dân tại xã Kỳ Lợi vẫn còn “ngủ bờ” sau sự cố môi trường

Formosa ngày trở lại

Tôi vừa trở về từ Formosa. Gần 5 tháng, kể từ ngày bước chân  vào cổng của doanh nghiệp gây nhiều bức xúc cho người dân về môi trường, những cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn. Từ con đường, vào phía trong khu hành chính, khu sản xuất, 5 tháng sau thảm họa cá chết ven biển miền Trung, đã có nhiều thay đổi. Cổng doanh nghiệp này quang đãng, sạch sẽ hơn. Khác với 5 tháng trước đây, phía trước cổng vào, nhộm nhoạm và lộn xộn. Những xe bồn, xe tải thi công đẩy bụi ra phía con đường thành một lớp trắng xóa, mờ ảo. Chắc hẳn, sự kiểm tra, ra vào liên tục của các cơ quan chức năng vài tháng gần đây khiến doanh nghiệp này phải sửa sang, nhìn cho có vẻ sạch sẽ, dễ nhìn hơn trước.

Lần này, tôi theo đoàn của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vào kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường mà doanh nghiệp do Formosa gây ra. Nhiều tháng sau ngày cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam, Formosa bắt đầu có những động thái khắc phục hậu quả môi trường. Lần này, chắc vì đi với đoàn công tác, nên việc vào doanh nghiệp khá dễ dàng. Bảo vệ đứng dạt hai bên, giơ tay chào rất nghiêm chỉnh. Khác với lần trước, để bước vào bên trong liên hệ công tác, tôi phải bước qua cánh cổng bảo vệ dày đặc, mỗi anh, một máy quay Gopro đeo trước ngực, sẵn sàng ghi hình, kiểm soát toàn bộ người ra vào! Toàn bộ khu công nghiệp rộng hơn 4.400 ha được bao quanh bởi tường rào kín mít. Khách muốn vào tham quan, công tác theo thường lệ là phải đăng ký, rồi bảo vệ xin phép phía bên trong, được phép mới được vào.

Trở lại Formosa trong một tâm thế khác, tâm thế chứng kiến một doanh nghiệp từng cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, và cũng từng cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam vì gây ra thảm họa cá chết trên biển Miền Trung. Tôi nhớ như in ngày đi công tác ở Kỳ Anh khi biển miền Trung còn sặc mùi hôi thối vì cá chết la liệt. Nhìn những người dân miền Trung đi dọc bờ biển, tay vớt cá, những cá mú, cá song, cá vẩu, cá bớp… những khuôn mặt thất thần, đau khổ, tôi khóc. Những con cá là nguồn sống của họ, nay phải tự tay nhặt mang đi chôn. Nặng trĩu những bao tải cá, là nặng trĩu những nỗi lòng ngư dân miền biển. Nhiều người trong số họ, vừa nhặt cá, vừa khóc. Những nỗi hoang mang, bất định đến với họ, và cho đến nay, vẫn chưa thể có câu trả lời.

Mang những tâm tư nặng trĩu của người dân vùng biển, tôi tìm đến cửa Formosa. Thời điểm đó, khu công nghiệp sản xuất gang thép lớn nhất Việt Nam, nằm ngay cạnh biển Vũng Áng, nơi đầu tiên xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Cũng là nơi tập trung những mối nghi ngờ của người dân về việc xử lý môi trường. Trên con tàu ra biển lặn tìm ống xả thải ngầm dưới đáy đại dương của Formosa, ngư dân kể, họ chứng kiến cảnh ống xả thải này từ khi nó được đặt xuống, cho đến khi từ miệng ống liên tục xả ra những thứ nước đục màu xanh vàng phì phì ra biển. Cũng đã có người tìm gặp lực lượng chức năng, báo cáo về ống xả thải ngầm, thậm chí còn vẽ cả sơ đồ cho cơ quan quản lý, thế nhưng, như đá ném ao bèo, mọi chuyện gần như không ai chịu để ý. Chỉ có người dân ở đây cảm nhận sự thay đổi của biển từng ngày. Những tôm cá, những sinh vật ở vùng biển ngày một ít dần, cuộc sống của họ cũng ngày một khó khăn hơn.

Ký ức Chu Xuân Phàm

Tôi gặp ông Chu Xuân Phàm vào khoảng 8h sáng ngày 25/4. Ấn tượng ban đầu, Chu Xuân Phàm nói tiếng Việt rất sõi. Ông thậm chí còn biết nhiều tiếng lóng của người Việt. Trao đổi với chúng tôi, ông Phàm bằng một phong thái rất tự tin, chia sẻ: Formosa sẵn sàng cung cấp mọi thông tin cho báo chí, nhưng để anh phải xin phép sếp của anh đã. Tất cả từ trên xuống dưới đều làm theo quy định của Việt Nam, quy chuẩn của Việt Nam. Nếu chúng tôi làm sai quy định, thì Ok, sẵn sàng chịu trách nhiệm. Nhưng để cung cấp thông tin thì phải xin phép lãnh đạo, em phải chờ!

Ông Phàm liên tục nhấn mạnh ý, Formosa đã đầu tư cả chục tỷ đô la Mỹ để xây dựng khu công nghiệp này, đầu tư 45 triệu đô la Mỹ để xây dựng hệ thống xử lý chất thải thì dại gì không vận hành, để xảy ra sự cố như vậy! Nghi ngờ cho Formosa, quả thật là oan cho doanh nghiệp này.

Tôi đề cập đến thắc mắc của ngư dân địa phương là tại sao mà trước khi các anh xây dựng hệ thống xử lý thì, họ là những người lặn biển, thì họ lặn bắt được rất nhiều các loài sinh vật tôm cá, thế nhưng mà hiện tại khi họ lặn xuống thì xung quanh khu vực các anh xả thải không hề có sinh vật nào sống?

Chu Xuân Phàm, nhìn tôi, rồi ngừng lại giây lát, ông đảo mắt tìm bút. Rồi đi thẳng đến bảng trắng ở ngay phía sau lưng. Với phong thái mạnh mẽ của một người nắm rõ khu vực mình quản lý, ông Phàm vẽ lên bảng sơ đồ khu công nghiệp Formosa, rồi vẽ vùng biển Vũng Áng bao quanh. Ông chỉ vào đó, trả lời: "Nhiều khi á, được cái nọ thì mất cái kia. Anh nói rất thật lòng. Tôi không thể nào xây dựng được một cái nhà máy thép ở đây mà biển ở xung quanh vẫn còn nhiều cá, nhiều tôm, em có đồng ý hay không?  Đương nhiên ấy, là mình cố gắng trên một phương pháp làm theo quy định hiện hành, đạt được tiêu chuẩn, quy định của nhà nước. Cố gắng! Nhưng mình có khi phải lấy cái gì để mà đổi cái dự án này. Anh nói thật lòng là thế. Tại sao em không hỏi anh hồi xưa chỗ này ngày xưa một năm trồng được một vụ lúa tại sao bây giờ không trồng được vụ nào nữa? Đúng không? Đã xây thành nhà máy rồi mà, còn trồng lúa gì nữa? Em có đồng ý anh không. Nhiều khi, mình không được cả hai, mình phải lựa chọn, tôi bắt cá bắt tôm, hay có tôi muốn xây một nhà máy thép hiện đại."

Liên tục gõ bút vào bảng, Chu Xuân Phàm như muốn khẳng định lại một lần nữa, ở đây, là khu công nghiệp Formosa, chúng tôi đã xây dựng khu công nghiệp ở đây rồi thì việc đòi hỏi có cá tôm, là điều không tưởng! Đến Thủ tướng còn không giải quyết được cơ mà.

Sự chia sẻ được cho là thật lòng của ông Phàm, khiến những người có mặt ở trong phòng họp, đưa mắt nhìn nhau. Tôi cảm thấy mặt mình rần rật nóng. Cho đến lúc này, hình ảnh của người đàn ông cao to, liên tục gõ bút mạnh mẽ, rồi lắc đầu, nhún vai tỏ ra ngao ngán khi tôi lựa chọn cả hai thứ cá và thép vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi. Và có lẽ, sẽ chẳng bao giờ tôi quên được thứ cảm xúc ngày hôm đó. Có chút gì đó bẽ bàng, chút gì đó, cảm thấy ngao ngán, chạnh lòng trước câu trả lời thẳng tưng của doanh nghiệp.

Mệnh đề “chọn cá hay chọn thép” sau này trở nên nổi tiếng. Ông Chu đã xin lỗi; Formosa cũng đã xin lỗi. Nhưng có những thứ không thể cứu chuộc được.

Formosa, 5 tháng nhìn lại ảnh 1Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát tại nhà máy của Formosa Hà Tĩnh

Lựa chọn một mất một còn

Vụ việc của Formosa chưa hết nóng, thì gần đây dư luận lại sục sôi, khi ông Lê Phước Vũ của Tôn Hoa Sen mong muốn làm thép ở Cà Ná. Ông Vũ, với câu nói cũng gây tranh cãi không ít "ngu gì mà không làm thép" cũng khiến không ít người cảm thấy bức xúc, và lo ngại cho môi trường biển nếu như khu liên hợp thép ở Cà Ná đi vào hiện thực.

Formosa có thể “khắc phục” 58 hạng mục được điểm danh là vi phạm. Thái độ của họ có thể đã thay đổi với cánh cổng thân thiện hơn. Nhưng nỗi đau của ngư dân thì chưa, hay là sẽ không thể “khắc phục” được.

Trở lại Formosa sau 5 tháng, tôi nhận ra một thực tế mà ông Chu Xuân Phàm đã nhắc đến: Đó là cái lựa chọn “cá và thép” là thứ lựa chọn “bước chân đi cấm kỳ trở lại”. Ông Phàm đã dùng một hình ảnh mạnh hơn, chính xác hơn, rộng hơn để nói về những lựa chọn trong quy hoạch kinh tế vĩ mô: “Đã xây thành nhà máy rồi mà, còn trồng lúa gì nữa?”.

Ông Chu Xuân Phàm trong một đoạn nói với tôi đã dùng đến 2 chữ “thật lòng”. Có lẽ đúng là ông thật lòng. Và cái sự thật lòng ấy của một nhà đầu tư, không chỉ nói riêng về dự án Formosa.

Bạn có thể thay thế “nhà máy” bằng sân golf, thuỷ điện, thay cá và lúa bằng đời sống của nhiều cộng đồng bị di dời, bằng những đánh đổi về môi sinh khác. Bất kỳ quyết định nào cũng “phải có cái gì mà đổi” chứ, theo lời ông Phàm. Và những lựa chọn ấy, nhiều khi không thể vãn hồi.

Lỗ hổng về mặt luật pháp về môi trường, đã tồn tại nhiều năm, qua nhiều đời Bộ trưởng. Cộng với tư duy quản lý môi trường trước đây, khiến cho nhiều doanh nghiệp khi lập dự án, đã mang tâm thế lấy phí môi trường, lao động giá rẻ để tạo lợi nhuận lớn. Và nếu như chúng ta tiếp tục đối soát như hiện tại, thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc như những tuyên bố điển hình của Chu Xuân Phàm, hay ông Lê Phước Vũ. Chúng ta sẽ phải đánh đổi trước các quyết định, chứ không thể “vừa có cá, vừa có thép”.

Tiếc rằng vẫn có nhiều lựa chọn đánh đổi đã được đưa ra một cách khó hiểu và đến khi cái giá phải trả quá đắt người ta lại không thể chỉ được đích danh ai đã đưa ra cái lựa chọn “một mất một còn” ấy.

Tôi còn nhớ trước khi dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, Chu Xuân Phàm còn nhắc lại khẩu hiệu phía bên trong công ty, bao gồm 16 chữ, đại ý của ông dịch: Chúng mày cứ chăm làm đi, đừng có khoe khoang sĩ diện! Nhưng ông Phàm, khi dẫn chúng tôi đi quanh khu công nghiệp Vũng Áng, đến cảng Sơn Dương, ra khu quan trắc xử lý chất thải tự động đã nói rất nhiều về việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải cả chục triệu Mỹ kim, đến việc làm những nhà mái vòm cao và rộng giữa khuôn viên để chứa than và chứa nguyên liệu! Tóm lại, đại ý ông nói với chúng tôi, Formosa là doanh nghiệp chuẩn chỉnh trong vấn đề chấp pháp về môi trường. Nếu lực lượng chức năng mà phát hiện ra sai phạm, họ sẵn sàng chấp hành! Và để tìm ra đầy đủ sai phạm, cho đến tận bây giờ theo tôi là không hề dễ dàng. Bởi hệ thống quan trắc, xử lý môi trường của Formosa, trong giai đoạn vận hành thử nhưng mỗi ngày, đã xả ra hàng chục nghìn mét khối nước thải.

Chưa kể chất thải rắn, khí thải công nghiệp, ở thời điểm đó, không một lực lượng chức năng nào của Việt Nam kiểm soát, giám sát, ngoài việc Formosa tự quan trắc rồi gửi số liệu lên cơ quan chức năng để báo cáo. Với cơ chế đối soát như vậy, thật khó lòng phát hiện ra vi phạm của doanh nghiệp này nếu như họ cố tình xả trộm ra môi trường.

Chúng ta đang đứng trước nhiều lựa chọn khác. Những đại dự án đang được chờ phê duyệt. Và tôi, như một người dân, chỉ biết hy vọng, rằng sẽ đến lúc không phải ngơ ngác hỏi nhau: Đã xây thành nhà máy rồi, còn trồng lúa gì nữa?

 Bùi Lan Anh (theo Ngày Nay)

TIN LIÊN QUAN
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.