Ngày 28/7, theo thông tin từ Bộ Y tế, đơn vị này đã tiếp nhận 72.300 vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) do Ngân hàng Sacombank tài trợ ủng hộ chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em nghèo miền núi phía Bắc.
Tại buổi lễ tiếp nhận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay trong ngày 27/7 cũng có thêm 185.700 liều vaccine 5 trong 1 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tặng Việt Nam đã về đến Hà Nội. Số vaccine này sẽ được kiểm định sau đó phân bổ cho các địa phương để phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai nhiều năm nay ở Việt Nam đã góp phần khống chế và loại trừ, ngăn không cho bệnh truyền nhiễm quay trở lại. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam hiện đã sản xuất được 9 loại, còn 2 loại nhập khẩu.
Tuy nhiên, thời gian qua do dịch COVID-19 dẫn đến đứt gãy nguồn cung và chính sách về phân cấp ngân sách nên đã có giai đoạn chuyển đổi, do vậy có ‘độ trễ’ trong cung ứng vaccine nhập khẩu.
Theo Nghị quyết định 98 của Chính phủ, Trung ương mua vaccine, phân bổ cho địa phương. Trong thời gian vừa qua, để kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu vaccine 5 trong 1 nhằm triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi để phòng các bệnh truyền nhiễm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não do Hib, Bộ Y tế đã chủ động trao đổi với các Tổ chức quốc tế WHO, UNICEF cũng như các đơn vị liên quan trong nước và đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Ngân hàng Sacombank, WHO, UNICEF.
“Vaccine này đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, cấp phép nhập khẩu, kiểm định đảm bảo chất lượng, an toàn. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có hướng dẫn về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, sử dụng… và tổ chức tập huấn cho các địa phương. Ngay sau khi vaccine được phân bổ, vận chuyển về đến địa phương, các tỉnh cần triển khai tiêm ngay cho trẻ,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương giao Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong công tác tiêm chủng mở rộng để đảm bảo tiêm chủng an toàn. Bộ Y tế luôn đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ các khó khăn trong công tác tiêm chủng mở rộng.
Là một trong 14 địa phương được nhận vaccine 5 trong 1 đợt này, ông Trần Hậu Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu bày tỏ, Lai Châu là một trong những tỉnh khó khăn, có 20 dân tộc sinh sống, trên 10.000 trẻ em dưới 1 tuổi cần tiêm chủng các mũi vaccine để phòng chống dịch bệnh. Có thể khẳng định, nguồn vaccine này đến đúng lúc, đúng thời điểm để các tỉnh được nhận vaccine hôm nay triển khai tiêm chủng ngay cho đối tượng trẻ cần tiêm.
Bà Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết vaccine 5 trong 1 đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm qua.
Sau khi Bộ Y tế tiếp nhận vaccine, xe chuyên dụng sẽ vận chuyển vaccine đến những tỉnh, thành khó khăn, miền núi thuộc khu vực miền Bắc, là các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với tiêm chủng dịch vụ để tiến hành tiêm cho trẻ từ đầu tháng 8/2023.
Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, về triển khai tiêm chủng, các địa phương đã chủ động rà soát đối tượng trẻ trên 2 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, tổ chức tiêm bù vaccine cho trẻ trong tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã/phường, ưu tiên vaccine tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine DPT-VGB-Hib và trẻ càng nhỏ càng cần được ưu tiên tiêm chủng.