Bà Miculescu đã bắt đầu bài phát biểu với một dẫn chứng lịch sử đầy sức mạnh: lời phát biểu của ông Léon Blum, Chủ tịch khóa họp đầu tiên của Đại hội đồng UNESCO năm 1946. Ngay sau Thế chiến thứ hai, ông từng tuyên bố: “Tinh thần hòa bình là một trong những điều kiện của hòa bình. Tinh thần đó đòi hỏi sự hiểu biết và tri thức lẫn nhau giữa các dân tộc.”
Theo bà, những lời ấy, dù vang lên trong một thời kỳ hậu chiến đầy đau thương, vẫn giữ nguyên giá trị trong hiện tại. Khi thế giới đối mặt với khủng hoảng khí hậu, biến động công nghệ, đứt gãy xã hội và khủng hoảng thông tin, cộng đồng quốc tế một lần nữa được kêu gọi hợp lực. Bà nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy, chia rẽ và ngờ vực chỉ càng củng cố nhu cầu hợp tác của chúng ta.”
Chính vì vậy, vai trò của UNESCO - như một la bàn trí tuệ và đạo đức của Liên Hợp Quốc - cần được tăng cường: "Hãy không ngừng tái khẳng định tinh thần của UNESCO như một ngôi nhà của hòa bình - nơi ươm mầm những ý tưởng táo bạo, hợp tác bền vững và tình đoàn kết sâu sắc."
Đây cũng là dịp để củng cố bản sắc độc nhất của UNESCO - như cánh tay trí tuệ của Liên Hợp Quốc - nơi định hướng tương lai, phản tư và sáng tạo. Với năng lực đã được chứng minh trong việc ứng phó với khủng hoảng, bà kêu gọi đầu tư chiến lược vào phòng ngừa, bắt đầu từ giáo dục vì hòa bình và quyền con người, khoa học mở, đối thoại liên văn hóa và thông tin trung thực.
Trong bối cảnh đó, bà Miculescu nhắc lại một khuyến nghị quan trọng được đưa ra tại Hội nghị kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Hợp tác Trí tuệ Quốc tế - tiền thân của UNESCO: thành lập Diễn đàn Trí tuệ Cấp cao, nhằm khơi dậy những câu hỏi nền tảng như “Tại sao có chiến tranh?”, và tạo không gian suy tư sâu sắc giữa thời đại phân mảnh.
Đồng thời, bà nhấn mạnh rằng trong môi trường chính trị và tài chính đầy biến động, việc xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược là thiết yếu hơn bao giờ hết. Bà dẫn chứng cụ thể bằng chuỗi Tuyên bố Chung đã được ký kết bởi Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hội đồng Kinh tế Xã hội, Hội đồng Nhân quyền và Đại hội đồng UNESCO nhân dịp Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Tuyên bố chung lần thứ tư sẽ được công bố vào ngày 7/5 tại Brussels, và bà đã mời các thành viên Hội đồng tham dự sự kiện đặc biệt này.
Kết thúc bài phát biểu, bà gửi lời động viên đến các thành viên Hội đồng Chấp hành, Tổng Giám đốc và Ban Thư ký UNESCO, đồng thời chúc ba ứng cử viên cho vị trí Tổng Giám đốc UNESCO thành công.
Khóa họp thứ 221 của Hội đồng Chấp hành UNESCO sẽ kéo dài đến ngày 17/4/2025, với nhiều quyết định quan trọng dự kiến được thông qua, bao gồm Chương trình và Ngân sách cho giai đoạn 2026–2029 và công tác chuẩn bị cho khóa họp thứ 43 của Đại hội đồng UNESCO.