Gay cấn tờ vé số độc đắc

Chấp nhận đổi tờ vé số trúng giải đặc biệt nhưng sau đó chủ đại lý vé số “lật kèo” vì cho rằng nó bị cắt dán.
Gay cấn tờ vé số độc đắc

Sau nhiều phiên tòa bị hoãn, ngày 30/3, TAND TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ tờ vé số trúng giải đặc biệt nghi bị đánh tráo từng gây xôn xao dư luận. Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1962); bị đơn là ông Ngô Xương Phúc (SN 1971), chủ đại lý vé số Triều Phát.

“Ôm” vé số thức trắng đêm

Hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa cho thấy ngày 21/7/2011, anh Nguyễn Thành Được (SN 1990, con bà Tuyết, bị khiếm khuyết ở chân) cho rằng trong lúc bán vé số dạo ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã mua một tờ vé số (có dãy số 938368 do Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết An Giang phát hành và mở thưởng cùng ngày) từ một nam “đồng nghiệp” để lấy hên. Đến chiều cùng ngày, anh Được phát hiện tờ vé số trên trúng giải đặc biệt nên cuốn nó lại và nhét vào ống gạch đặt trong phòng trọ vì sợ mất. Sau đó, anh Được gọi điện báo cho bà Tuyết biết. Đang ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, bà Tuyết thuê ông Đặng Thành Tâm (chạy xe ôm) chở đến thị xã Hà Tiên để gặp con trai. Tại đây, sau khi nhiều lần dò và phát hiện trúng độc đắc thật, bà Tuyết “ôm” nó thức trắng đêm.

Gay cấn tờ vé số độc đắc ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Tuyết khẳng định tờ vé số của mình trúng giải đặc biệt

Sáng hôm sau, bà Tuyết tiếp tục thuê ông Tâm chở về TP Rạch Giá để tìm nơi đổi thưởng. Tại đây, bà Tuyết gọi điện báo tin cho người thân là ông Trần Thanh Phương và vài người nữa để cùng nhau đến đại lý vé số Triều Phát hỏi xem có đổi thưởng không và được ông Phúc nhận lời dù Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết An Giang sau đó trả lời với cơ quan điều tra rằng công ty này chưa bao giờ ủy quyền cho đại lý Triều Phát đổi số trúng thưởng giải đặc biệt.

“Kêu công an bắt hết bây giờ…”

Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của ông Phúc là ông Thái Đức Gia đã nhiều lần không trả lời được câu hỏi của HĐXX với lý do: “Ông Phúc bận việc nên tôi nhận làm đại diện”. Câu trả lời này của ông Gia khiến vị chủ tọa nhiều lần hỏi: “Ông ký hợp đồng làm đại diện nhưng không nắm được nội dung vụ án thì làm sao thay mặt ông Phúc được?”.

Hơn 30 phút khai mạc phiên tòa, ông Phúc bất ngờ xuất hiện và từ chối người đại diện cho mình. Bị đơn này cho biết sau khi nhận được tờ vé số của bà Tuyết, ông đem vào máy soi và phát hiện là vé số trúng giải đặc biệt. Vì thế, ông Phúc hỏi bà Tuyết nhận giải bằng tiền hay vàng. Khi bà Tuyết trả lời nhận thưởng bằng 20 cây vàng, còn lại nhận tiền mặt thì bà Ngô Minh Thu (chị ông Phúc, hiện định cư ở Canada) mang vàng ra.

Ông Phúc hỏi có mang theo giấy CMND không thì bà Tuyết vội quay ra xe máy lấy CMND. Khi vào, bà Tuyết thấy ông Phúc đã lật tờ vé số ra phía sau, ghi tên và số giấy CMND của bà Tuyết, sau đó đẩy sang cho ông Phương ký tên. Ông Phương ký xong, ông Phúc bỏ tờ vé số vào bọc rồi đưa bà Thu cất vào tủ.

Ít phút sau, ông Phúc gọi cháu của mình là anh Ngô Xuân Bình vào để phụ trả thưởng. Tuy nhiên, anh Bình mở tủ lấy tờ vé số ra xem bằng mắt thường và nói: “Tờ vé số cắt dán thế này mà trúng cái gì? Kêu công an bắt hết bây giờ”. Sau đó, lực lượng công an đến mời các bên về trụ sở làm việc.

Tại phiên tòa, ông Phúc trình bày lý do nói tờ vé số này trúng giải đặc biệt là vì tin tưởng khách hàng và chủ quan, sơ suất chứ đây là tờ vé số đã bị cắt dán ở hàng đơn vị và hàng trăm ngàn. Ngay cả bà Thu cũng không xem qua tờ vé số trước khi cất vào tủ (!?).

Lời trần tình này đã bị vị chủ tọa chất vấn: “Bị đơn đã có kinh nghiệm kinh doanh đại lý vé số hơn 30 năm nhưng tại sao không thể phát hiện ngay từ đầu tờ vé số đã bị cắt dán, trong khi anh Bình vừa xem đã biết? Hơn nữa, mặc dù tờ vé số bị đơn cho rằng bị cắt dán 2 số nhưng phần chữ mà công ty xổ số đã in kèm phía trên cũng như dãy số nhỏ trên đầu không bị cắt dán nhưng bị đơn lại không nhận ra khi đem vào máy soi?”. “Tôi sơ suất nên chỉ xem dãy số in to mà không xem dãy số in nhỏ và dãy chữ nằm phía trên. Làm nghề đôi khi cũng có sai sót” - ông Phúc đáp.

Đặc biệt, trả lời HĐXX vì sao khi mới nhận tờ vé số từ tay bà Tuyết, không kêu nguyên đơn ghi họ tên, số CMND và ký tên vào mà đợi khi soi xong và khẳng định đây là vé số trúng giải mới tiến hành việc này, ông Phúc bảo: “Truyền thống xưa giờ làm vậy”.

Tại phiên tòa, HĐXX đã đọc kết luận giám định đoạn video từ camera đặt tại đại lý vé số Triều Phát do Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) công bố ngày 21/10/2013. Theo đó, tờ vé số mà bà Tuyết đưa cho ông Phúc và tờ vé số ông Phương ký tên không phải là một.

Hôm nay (31/3), phiên tòa sẽ tiếp tục phần tranh luận.

Người bán vé số “mất tích”

Tại phiên tòa, nhân chứng tên Lan cho biết hằng ngày, chị cùng chồng tên Hiệp đi bán vé số dạo. Ngày 21/7/2011, anh Hiệp đi bán vào buổi sáng, chị bán buổi chiều khi xấp vé số chưa hết. “Trong xấp vé số đó, tôi bán 5 tờ trúng giải đặc biệt cho những người đàn ông nhưng không có anh Được” - chị Lan nói. Tuy nhiên, HĐXX hỏi anh Hiệp giờ đang ở đâu thì chị Lan cho biết chồng mình đã bỏ đi khỏi địa phương.

Theo NLĐ

Google đối diện rắc rối pháp lý mới
Google đối diện rắc rối pháp lý mới
(Ngày Nay) -  Ngày 6/1, Google cho biết công ty con này của Alphabet đang phải đối mặt với khiếu nại thứ hai từ tổ chức đại diện quyền lợi cho người lao động Mỹ.
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
(Ngày Nay) - Điện ảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, khi sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nội địa mà còn đối diện với làn sóng mạnh mẽ từ các nền điện ảnh châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.