'Giai đoạn vàng' của Mỹ ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại căn cứ Trại David.
'Giai đoạn vàng' của Mỹ ở châu Á

Hội nghị thượng đỉnh này diễn ra vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm trong quan hệ giữa ba nước. Các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên và những lo ngại sâu sắc về khả năng và ý định quân sự của Trung Quốc đã thúc đẩy ba đồng minh liên kết với nhau trong những tháng gần đây.

Nhưng những mối quan tâm chung đó đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và mâu thuẫn chính trị trong nước, đặc biệt là giữa Seoul và Tokyo, thường ngăn cản ba nước phối hợp thành công các chiến lược của họ.

Tuy nhiên vào hiện tại, có một tổng thống Mỹ theo chủ nghĩa quốc tế, một nhà lãnh đạo táo bạo của Hàn Quốc với tham vọng chính sách đối ngoại ngoài Bán đảo Triều Tiên, và một thủ tướng Nhật Bản muốn củng cố chính sách an ninh chủ động. Sự kết hợp này mang đến một cơ hội duy nhất cho sự hợp tác ba bên và ông Biden đang tìm cách tận dụng cơ hội đó.

Mong muốn thúc đẩy mối quan hệ ba bên của Tổng thống Biden phản ánh cách tiếp cận rộng lớn hơn của ông đối với cạnh tranh địa chiến lược: xây dựng sức mạnh của Mỹ bằng cách củng cố các thể chế và liên minh.

Mối quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn có sức mạnh, vì nó được xây dựng xung quanh hai đồng minh công nghệ tiên tiến của Mỹ, sở hữu khả năng phòng thủ đáng gờm và cùng có khoảng 100 căn cứ quân sự thường trực và khoảng 80.000 lính Mỹ.

Nhưng do có quá khứ bất hòa, Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành những đối tác khó chịu và việc khiến họ đi đến thống nhất với nhau sẽ không dễ dàng. Hơn nữa, cánh cửa cơ hội có thể đang đóng lại, vì vậy ông Biden cần phải hành động nhanh chóng.

Mối quan hệ bất ổn

Hợp tác ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã diễn ra theo từng giai đoạn và bắt đầu trong ba thập kỷ qua, tăng tốc trong thời kỳ các mối đe dọa từ Triều Tiên gia tăng và thường đi xuống bất cứ khi nào quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu xấu đi.

Tuy nhiên, quan hệ đối tác ba chiều đã đi một chặng đường dài. Những nỗ lực phối hợp bắt đầu vào giữa những năm 1990 để đối phó với chương trình hạt nhân mới nổi của Triều Tiên.

Năm 1998, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo nhiều tầng đầu tiên qua lãnh thổ Nhật Bản. Mặc dù những hành động khiêu khích tương tự từ Triều Tiên ngày nay có vẻ như là chuyện thường ngày, nhưng vào thời đó, chúng đã làm náo động cả khu vực.

Cùng năm đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến một bước quan trọng trong việc hàn gắn quan hệ song phương. Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Thủ tướng Nhật Bản Obuchi Keizo đã tổ chức một cuộc gặp lịch sử tại Tokyo, nơi ông Obuchi thừa nhận Nhật Bản đã đô hộ Hàn Quốc từ năm 1910 đến năm 1945, cũng như đưa ra lời xin lỗi chính thức.

Bước đi này đã xoa dịu căng thẳng và giúp chính quyền Washington tạo tiền đề để thúc đẩy quan hệ ba bên, cuối cùng là thể chế hóa các cuộc họp đặc biệt trong khuôn khổ Nhóm Giám sát Điều phối Ba bên vào năm 1999.

Năm 2002, Triều Tiên thừa nhận rằng sở hữu một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Cái gọi là đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa Triều Tiên, bao gồm Trung Quốc và Nga, bắt đầu vào năm 2003 và cuối cùng đã làm lu mờ nỗ lực của Washington nhằm tăng cường quan hệ ba bên.

Trong khi đó, những thù hận lịch sử và chính trị trong nước tiếp tục cản trở quan hệ ba bên Nhật Bản-Hàn Quốc. Ví dụ, vào năm 2012, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã có chuyến thăm gây tranh cãi tới quần đảo, vốn được gọi là Dokdo ở Hàn Quốc và Takeshima ở Nhật Bản. Động thái này đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên.

Vào năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã đến thăm ngôi đền Yasukuni, nơi tôn vinh những người đã khuất trong chiến tranh của Nhật Bản, bao gồm cả những tội phạm chiến tranh đã bị kết án, khiến Hàn Quốc và Trung Quốc tức giận.

Bất chấp căng thẳng giữa Seoul-Tokyo, các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và động thái ngoại giao của Mỹ đã giúp duy trì quan hệ trong giai đoạn này. Sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên vào năm 2013, Tổng thống Barack Obama đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye để thể hiện sự thống nhất trước thái độ hiếu chiến của Bình Nhưỡng.

Washington cũng khuyến khích Seoul và Tokyo giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui”, ám chỉ hàng nghìn phụ nữ Hàn Quốc bị Nhật Bản ép làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II. Những nỗ lực của Obama đã dẫn đến việc cặp đôi Park và Abe ký một thỏa thuận vào năm 2015 tuyên bố rằng cả hai nước đều muốn thấy vấn đề “được giải quyết rốt ráo và không thể đảo ngược”.

Thật không may, mọi thứ trở nên trì trệ khi chính trị Hàn Quốc trao đảo sau vụ luận tội bà Park năm 2017. Người kế nhiệm cấp tiến của bà Park, Tổng thống Moon Jae-in, đã chỉ trích thỏa thuận với Nhật Bản về vấn đề nô lệ tình dục và hủy bỏ quỹ mà hai chính phủ đã thành lập với sự tài trợ của Nhật Bản để bồi thường cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Năm 2018, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra lệnh cho một số công ty Nhật Bản bồi thường cho những người lao động Hàn Quốc trong Thế chiến II không được trả lương. Điều này đã thúc đẩy một loạt các biện pháp trừng phạt mới giữa hai bên, đẩy quan hệ song phương xuống mức thấp nhất vào năm 2019.

Vào năm 2021, việc Triều Tiên nối lại các hành động khiêu khích, bao gồm cả vụ thử tên lửa hành trình tầm xa, đã khiến chính quyền Biden một lần nữa thúc đẩy các cuộc gặp ba bên. Mặc dù không có cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo, nhưng các quan chức ba nước đã gặp nhau 10 lần trong năm 2021.

Điều này không có nghĩa là căng thẳng biến mất. Tại cuộc họp cấp thứ trưởng do Mỹ tổ chức vào tháng 11 năm đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori đã phản đối việc tham gia cuộc họp báo chung với Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun vì tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima.

Điều này khiến Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman lúng túng khi đứng một mình trong buổi họp báo. “Có một số khác biệt song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiếp tục được giải quyết", bà Sherman nói vào lúc đó.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Tuy nhiên, ngay khi mối quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc trở nên tốt đẹp trong thời gian gần đây, chính quyền Biden đã tìm cách củng cố hợp tác ba bên.

Quyết định ưu tiên quan hệ với Nhật Bản của Tổng thống Yoon bất chấp sự phản đối trong nước, phù hợp với cách tiếp cận thực tế của Thủ tướng Kishida đối với các vấn đề Triều Tiên, giúp hàn gắn đáng kể mối quan hệ Tokyo-Seoul.

Trong khi đó, quan điểm quốc tế tự do của Tổng thống Biden và mong muốn củng cố các liên minh và thể chế khiến ông càng mong muốn tổ chức một cuộc gặp ba bên.

Một số cựu quan chức chính quyền Obama hiện đang phục vụ dưới thời Biden, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Kurt Campbell, điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng có nhiều kinh nghiệm lập kế hoạch và thực hiện các cuộc gặp ba bên cấp cao. Ông Campbell, người có mong muốn khôi phục lại mối quan hệ ba bên, có nhiều thập kỷ kinh nghiệm và mạng lưới sâu rộng ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhưng bất chấp những tiến bộ nhanh chóng đạt được trong năm qua, thành công trong tương lai chưa được đảm bảo. Việc lãnh đạo Hàn Quốc tỏ ra thân thiện với Nhật Bản, mặc dù được hoan nghênh ở Washington, đã vấp phải sự phản đối ở Seoul.

Đảng Dân chủ Hàn Quốc, hiện đang kiểm soát Quốc hội và là đối thủ chính của Đảng Quyền lực Nhân dân của Tổng thống Yoon, đã chỉ trích thỏa thuận với Nhật Bản về vấn đề lao động cưỡng bức trong Thế chiến II là "thời điểm nhục nhã nhất" trong lịch sử ngoại giao của Hàn Quốc.

Mặc dù phải mất 4 năm nữa, cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc mới được tổ chức, việc để mất ghế trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới hoặc sự thay đổi chính phủ sau thời Tổng thống Yoon có thể một lần nữa cản trở sự hợp tác ba bên. Tương tự như vậy, tỷ lệ ủng hộ yếu kém của Thủ tướng Kishida và suy đoán về thời điểm tổ chức một cuộc bầu cử nhanh chóng cũng có thể đặt ra giới hạn về tiềm năng đạt được tiến bộ nếu “cơn đau đầu Hàn Quốc” một lần nữa nổi lên ở Nhật Bản.

Tại Mỹ, cả chính quyền của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa nhìn chung đều ủng hộ quan hệ ba bên. Tuy nhiên, việc cựu Tổng thống Donald Trump bài xích các liên minh không tạo niềm tin rằng một tổng thống của Đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ hợp tác ba bên ở mức độ tương tự như dưới thời Biden.

Sang năm, ông Biden sẽ dồn toàn lực cho chiến dịch tái tranh cử của mình và có thể không có khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên khác trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Do đó, điều cấp thiết đối với cả ba nhà lãnh đạo là phải tận dụng tối đa thời điểm này trước khi tình hình xoay chuyển.

Thể chế hóa quan hệ ba bên

Hội nghị tại Trại David đặc biệt quan trọng vì đây sẽ là cuộc gặp riêng đầu tiên của ba nhà lãnh đạo. Trong quan điểm của Hàn Quốc, liên minh với Tokyo và Washington là những cách thức mới để tăng cường khả năng răn đe đối với Triều Tiên. Đầu năm nay, ba bên đã đồng ý chia sẻ thông tin thời gian thực về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Thông tin chi tiết hơn về các quy trình chính xác để chia sẻ thông tin đó có thể sẽ được thảo luận trong tuần này.

Ba nhà lãnh đạo cũng có thể giải quyết những khoảng cách hoặc hiểu lầm tiềm ẩn khác liên quan đến kế hoạch dự phòng hạt nhân, bao gồm Nhóm tư vấn hạt nhân song phương Mỹ-Hàn mới được thành lập gần đây, không có sự tham gia của Nhật Bản. Ngược lại, Hàn Quốc và Mỹ sẽ muốn biết thêm về khả năng phản công trong tương lai của Nhật Bản được công bố trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022.

Ba bên cũng sẽ tìm cách xây dựng khung nghị sự dựa trên Tuyên bố Phnom Penh vào tháng 11 năm ngoái. Hợp tác an ninh kinh tế, bao gồm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, vẫn là ưu tiên hàng đầu của cả ba quốc gia.

Hàn Quốc và Nhật Bản đều có chung sự quan ngại trước cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Bất chấp việc Mỹ gần đây tán thành cách tiếp cận giảm thiểu rủi ro trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, vẫn tồn tại những nghi ngờ về ý chí và khả năng của chính quyền Biden trong việc thu hẹp trọng tâm của các biện pháp kinh tế phòng thủ và phối hợp tốt với các đồng minh.

Những nghi ngờ này sẽ chỉ tăng lên khi cuộc bầu cử năm 2024 của Mỹ đến gần và sự cám dỗ trong lập trường cứng rắn với Trung Quốc ngày càng lớn. Nhật Bản và Hàn Quốc muốn thấy Mỹ giữ lời hứa: duy trì chiến lược “sân nhỏ, rào cao” (giúp bảo vệ những tài sản chiến lược mà không làm mất đi những lợi ích rộng lớn hơn thu được từ các đối tác kinh tế quan trọng khác), cũng như chiến lược “friend shoring” (sản xuất tại các quốc gia thân thiện) và cuối cùng là duy trì đối thoại.

Sự khác biệt về quan điểm đối với Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Ví dụ, Seoul đã định hướng mối quan hệ của mình với Bắc Kinh thận trọng hơn so với Washington hoặc Tokyo, do sự gần gũi về địa lý và lợi ích kinh tế tương đối lớn hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Hàn Quốc xuất khẩu hơn 40% chất bán dẫn sang Trung Quốc. Các công ty Hàn Quốc như Samsung có các cơ sở sản xuất lớn ở Trung Quốc, vốn gần đây đã nằm trong tầm ngắm của cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Các công ty Hàn Quốc đã nhận được sự miễn trừ tạm thời đối với các hạn chế của Mỹ đối với việc cung cấp thiết bị sản xuất chip, nếu không các cơ sở sản xuất này sẽ bị đóng cửa.

Phản ứng ban đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái cũng khác nhau. Nhật Bản sẵn sàng thắt chặt kiểm soát xuất khẩu hơn Hàn Quốc để phù hợp với các hạn chế của Mỹ.

Cuối cùng, cả Kishida, Yoon và đặc biệt là Biden sẽ tìm cách thể chế hóa quan hệ hợp tác. Nhiều khả năng hội nghị thượng đỉnh ba bên sẽ được hợp thức hóa thành sự kiện thường niên, hoặc ít nhất là chính thức hóa các cuộc gặp ba bên cho các cố vấn an ninh quốc gia.

Hợp tác ba bên cũng có thể được thông lệ hóa ở cấp thứ trưởng hoặc cấp làm việc về các vấn đề cụ thể như an ninh kinh tế, hợp tác năng lượng và khí hậu. Thể chế hóa sẽ giúp duy trì hợp tác ba bên ngay cả khi đối mặt với sự thay đổi chính trị trong nước hoặc sự xấu đi trong quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc.

Hướng về lợi ích

Việc kỳ công củng cố mối quan hệ ba bên của chính quyền Biden đã phản ánh cách tiếp cận rộng lớn hơn của Washington đối với việc xây dựng trật tự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thông qua mạng lưới các liên minh và thể chế, chính quyền Biden tin rằng họ có thể mở rộng ảnh hưởng và tính hợp pháp của mình, đồng thời cuối cùng là duy trì một trật tự dựa trên luật lệ bất chấp sự cạnh tranh địa chiến lược với Trung Quốc.

Cả Kurt Campbell và Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Biden, từng nhận định: “Cuối cùng, Mỹ sẽ cần đưa chiến lược Trung Quốc của mình vào một mạng lưới dày đặc các mối quan hệ và thể chế ở châu Á và phần còn lại của thế giới".

Đồng thời, tăng cường hợp tác ba bên có nguy cơ làm leo thang căng thẳng hơn nữa với Triều Tiên, quốc gia khó có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân hoặc quay lại đàm phán. Kiểu xây dựng liên minh này cũng có thể khiêu khích Trung Quốc và Nga, những nước đã chỉ trích những nỗ lực gần đây của Mỹ nhằm củng cố các liên minh ở châu Âu và châu Á.

Hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ở biển Hoa Đông vào tháng 12 và biển Nhật Bản vào tháng 7. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố vào tháng 12 rằng việc Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển ở Paramushir, một phần của Quần đảo Kuril của Nga, để đáp trả những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc.

Ông Shoigu cũng đã đến thăm Bình Nhưỡng vào cuối tháng 7 để củng cố quan hệ quốc phòng, quân sự giữa Nga và Triều Tiên. Bằng cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ ba bên và mở rộng phạm vi của mình ra ngoài Triều Tiên đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn, Mỹ cũng có thể vô tình đẩy Bắc Kinh, Moscow và Bình Nhưỡng xích lại gần nhau hơn.

Vì lý do này, điều quan trọng đối với Mỹ là làm sáng tỏ các mục tiêu hợp tác và trình bày rõ ràng những gì không phải là quan hệ đối tác. Hợp tác an ninh và lập kế hoạch dự phòng không nhằm tạo ra các cam kết phòng thủ tập thể, như trường hợp của NATO. Thông điệp này sẽ không chỉ quan trọng đối với các nước trong khu vực, mà còn đối với cảm nhận của các cử tri ở Nhật Bản và Hàn Quốc về phạm vi và tốc độ hợp tác ngày càng sâu rộng.

Theo Foreign Affairs
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.