Tổ hợp Khoa học Tự nhiên có tính phân loại cao
Thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên Vật lí tại Hà Nội nhận xét: Đề thi năm nay không có gì bất ngờ với học sinh, bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ đã ban hành, có tính phân loại cao. Đề thi này “dễ thở” với học sinh có mục tiêu tốt nghiệp (dễ kiếm điểm 5), đồng thời, phân loại tốt với học sinh dùng môn Vật lí để xét tuyển Đại học (10 câu cuối). Phổ điểm chủ yếu từ 5 – 7 điểm và sẽ ít điểm 10 tròn.
Về cấu trúc, 40 câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 (chiếm 90% - 36 câu hỏi) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (chiếm 10% - 4 câu). Tỉ trọng câu hỏi ở các chương vẫn không thay đổi nhiều so với đề thi các năm trước và đề tham khảo; tập trung nhiều vào 3 chương đầu của Vật lí 12 (Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Dòng điện xoay chiều).
Theo thầy Phạm Quốc Toản, các câu hỏi mang tính phân loại cao vẫn khai thác tư duy Vật lí sâu sắc như: Kiến thức liên quan đến thực tiễn, ứng dụng, câu hỏi khai thác đồ thị về dao động cơ và dòng điện xoay chiều, câu hỏi thí nghiệm. Những câu khó mất khá nhiều thời gian để tư duy hiện tượng và giải.
Đánh giá về đề thi Hoá học, thầy Phạm Thanh Tùng, giáo viên Hệ thống giáo dục Ngôi Sao Hà Nội cho biết: Số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao không thay đổi so với mọi năm. Số lượng câu hỏi lý thuyết chiếm 75%, số câu hỏi bài tập chiếm 25%. Đề thi có sự phân hóa rõ rệt ở các câu hỏi cuối. Với đề thi này, học sinh cần nắm chắc lý thuyết để giải quyết các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Các chủ đề vận dụng cao không quá mới nhưng thí sinh cần có kĩ năng và phương pháp phân tích, xử lí số liệu. Phổ điểm phổ biến từ 6,6 – 7 điểm.
Với môn Sinh học, cô Phạm Thị Việt Chinh - giáo viên Sinh học, Trường Trung học Phổ thông Ban Mai (Hà Nội) nhận định: Trong đề thi năm nay, 30 câu đầu ở mức độ nhẹ nhàng, bám sát mức độ đề minh họa thuộc các câu hỏi quen thuộc, học sinh đã luyện tập nhiều. Ở mức độ nhận biết và thông hiểu, phần lớn các câu hỏi ở dạng chọn một mệnh đề hoặc phương án đúng.
Câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao chủ yếu dưới dạng kết hợp giữa quan sát bảng số liệu hoặc hình ảnh, phân tích và xác định đếm các mệnh đề đúng. Bên cạnh đó, xuất hiện một số câu dạng phân tích đồ thị, hình ảnh, sơ đồ và số lượng câu hỏi đếm tăng là những câu gây khó cho học sinh về mặt lý thuyết. 5 câu ở mức độ vận dụng cao có độ phân hóa giúp thí sinh thể hiện năng lực xét tuyển vào các trường đại học top đầu, nằm ở kiến thức lớp 12 tập trung ở các chủ đề: Quy luật di truyền (1 câu), cơ chế di truyền (1 câu), di truyền quần thể (1 câu), di truyền học người (1 câu) và sinh thái (1 câu).
Cô Phạm Thị Việt Chinh cho rằng, để trả lời câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, học sinh cần ôn tập chắc kiến thức cơ bản, tập trung làm các bài tập vận dụng, cần rèn luyện kĩ năng làm bài thi. Với đề này, phổ điểm 4-5 sẽ nhiều. Học sinh nắm chắc kiến thức ở mức độ hiểu có thể đạt 5-6 điểm. Song để đạt 9-10 điểm, học sinh phải có thêm tư duy tổng hợp, ngoài kiến thức cần có kỹ năng làm bài tốt.
Tổ hợp Khoa học Xã hội cần phân bổ thời gian làm bài
Với môn Địa lí, thầy Vũ Hải Nam, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: So với đề thi minh họa 2023, đề thi chính thức bám sát ma trận của đề thi minh họa, nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lí lớp 12, phù hợp với nội dung được điều chỉnh thực hiện trong năm học 2022 - 2023.
Các câu hỏi được sắp xếp hợp lí theo mức độ tăng dần về độ khó nên thí sinh dễ dàng phân loại được theo trình độ. Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu sử dụng kĩ năng Địa lí, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực giải quyết vấn đề, tránh được tình trạng học thuộc, học tủ, học mẹo. Các câu hỏi phân hóa thí sinh đòi hỏi học sinh phải có tư duy mạch lạc, có kiến thức xã hội rộng, có năng lực giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cao.
Thầy Vũ Hải Nam đánh giá: Nhìn chung, đề thi môn Địa lí năm 2023 không quá khó với thí sinh có lực học từ khá trở lên. Đề có sự phân hóa cao, để xét tốt nghiệp, học sinh chỉ cần học tốt các kĩ năng Địa lí và kiến thức lí thuyết cơ bản là có thể làm được trên 7 điểm. Với thí sinh muốn đạt điểm cao cần làm tốt từ câu 71 trở đi, đây là các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và thường xuyên.
Cô Trần Thị Hà My, Trường Trung học Phổ thông Ban Mai, Hà Nội nhận định: Môn Địa lí vẫn thường được coi là môn “dễ thở” đối với học sinh khi ôn luyện cho kì thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông bởi số câu hỏi kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng khai thác thông tin từ Atlat chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể, 15 câu hỏi Atlat chiếm 3,75 điểm, đều ở mức độ nhận biết; 4 câu hỏi liên quan đến bảng số liệu, biểu đồ chiếm 1,0 điểm. Tuy nhiên, với đề thi năm nay, học sinh cần thật cẩn thận, nếu không phân bổ thời gian làm phần kỹ năng phù hợp sẽ không kịp làm trọn vẹn đề thi.
Đáng chú ý, 2 câu hỏi vận dụng về biểu đồ yêu cầu học sinh cần thật sự hiểu bản chất. Đặc biệt là câu nhận biết dạng biểu đồ phù hợp, khác mọi năm là lựa chọn 1 loại biểu đồ, câu hỏi năm nay là lựa chọn nhiều dạng biểu đồ phù hợp, nhiều học sinh dễ mất điểm ở câu này. Bên cạnh đó, nhóm câu hỏi lý thuyết ở mức độ nhận biết và thông hiểu dễ gây nhầm lẫn cho học sinh, phổ điểm năm 2023 có thể thấp hơn do nhóm câu hỏi này không dễ dàng lựa chọn như các năm học trước.
Nhận xét đề môn Lịch sử, thầy Hồ Như Hiển, giáo viên Lịch sử tại Hà Nội cho biết: So với đề minh họa năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi chính thức có sự thay đổi, nội dung thi môn Lịch sử nằm trong chương trình 2 lớp 11 và 12. Trong đó, có 36 câu thuộc lớp 12 và 4 câu thuộc lớp 11, trong đó có 1 câu hỏi liên hệ kiến thức giữa lớp 11 và lớp 12. Với đề thi năm nay, học sinh dễ đạt được mức trên 7 điểm, để đạt điểm 9,10 ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức thì học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác.