Thí sinh Trần Đỗ Phương Ngọc dự thi tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) hồ hởi cho biết, em cảm thấy đề Ngữ văn dễ hiểu. Trong phần Đọc hiểu, em vô cùng thích thú với câu 4 yêu cầu thí sinh “rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân”. Phương Ngọc cho biết, với yêu cầu rất gần gũi đó, các thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để giành điểm.
Còn thí sinh Đỗ Khánh Linh dự thi tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy) thì cho biết, dù em đã trúng tuyển sớm vào 1 trường đại học hàng đầu, song kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn luôn được em và gia đình quan tâm bởi đây chính là sự ghi nhận quá trình học tập của bản thân.
“Cá nhân em thấy đề Ngữ văn không quá khó. Việc cảm nhận tác phẩm “Vợ nhặt” cũng như những vấn đề của xã hội, suy nghĩ của bản thân có trong yêu cầu của đề làm cho em dễ dàng giải quyết. Tuy nhiên, em vẫn mong chờ một câu hỏi khơi gợi tính sáng tạo của thí sinh. Em mong muốn sẽ đạt được điểm 8 trở lên ở môn thi đầu tiên này”, thí sinh Đỗ Khánh Linh chia sẻ.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, một số giáo viên cho rằng, đề thi chính thức bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Đề thi đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do kết cấu cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết thuộc Hệ thống giáo dục Hocmai phân tích thêm, ở phần Đọc hiểu gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. Trong đó câu 1 và 2 đều là mức độ nhận biết đã làm bớt đi 1 mức độ nhận thức trong 4 câu. Điều này phần nào hạ thấp khả năng nhận thức của nhiều thí sinh, nhưng lại giúp những thí sinh ít có điều kiện ôn luyện có cơ hội ghi điểm. Câu 3 là mức độ vận dụng, không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải phân tích được đồng thời cả giá trị biểu đạt và giá trị biểu cảm của hai hình ảnh so sánh “Mưa ròng ròng như triệu ngón tay” và “Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ”.
Ở câu 4 là vận dụng cao đòi hỏi thí sinh trước hết phải hiểu được những tầng nghĩa hàm ẩn của hình ảnh “cơn giông”; liên tưởng và suy nghĩ nghiêm túc về những “cơn giông của riêng mình” từ sự gợi ý có thể nhận được bởi những suy ngẫm của tác giả. Nếu thí sinh không nhận ra được suy ngẫm của tác giả và bản thân không có tư duy độc lập thì sẽ có những cách trả lời chung chung và hời hợt, khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo.
Phần Làm văn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc. Câu 1 yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Đây là một vấn đề rất thiết thực với bất kì lứa tuổi nào trong cuộc sống, nhưng đặc biệt là tuổi trẻ, khi các thí sinh có nhiều nhiệt tình, khát vọng… nhưng có thể còn mỏng về kinh nghiệm, về kĩ năng sống và vì thế dễ bị những cảm xúc tiêu cực chi phối.
Tính thiết thực của vấn đề nghị luận có thể giúp tìm ra những điểm sáng trong bài làm của thí sinh. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khá trừu tượng và tính thiết thực của việc cân bằng cảm xúc trong thực tế cuộc sống luôn là không dễ dàng với bất kì ai; do đó với một bộ phận không nhỏ các thí sinh, câu hỏi này rất khó để các thí sinh đạt được điểm tối đa. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, thì câu hỏi này đã góp phần tạo ra tính phân loại tương đối rõ rệt cho bài làm của thí sinh…