3 cháu nhỏ tử vong đều là con của anh T.V.C (32 tuổi) và chị N.N.Q (26 tuổi) trú tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn Hà Nội. Mới đây nhất trưa ngày 16/11, bé T.Q.H con út của anh C và chị Q (sinh ngày 30/4/2018) đã qua đời tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo người nhà anh T.V.C, sau khi bé H qua đời tại bệnh viện, gia đình đã đưa về nhà và lo hậu sự ngay trong ngày 16/11. Sự ra đi của đứa trẻ mới 18 tháng tuổi, mập mạp, bụ bẫm, còn chưa cai sữa mẹ là nỗi đau đớn tột cùng của anh C và chị Q. Trước đó, bé đầu tiên con của anh chị đã mất trong tháng 4, bé thứ hai mất tháng 10 vừa qua. “Chỉ trong vòng 8 tháng, gia đình em tôi mất liền ba cháu, đều đi bệnh viện mà không trở về, đều có những biểu hiện giống nhau”, người thân của gia đình chia sẻ.
Theo báo cáo ngày 12/11 của Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội), con gái đầu của anh C. và chị Q. là T.Q.T (sinh năm 2012) đã tử vong tại Bệnh viện Xanh Pôn. Trước đó, bé bị sốt ngày 6/4/2019 và gia đình tự mua thuốc điều trị, đến chiều tối ngày 8/4/2019 gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn. Tình trạng bé ngày càng nặng lên và 2h sáng ngày 9/4/2011, bé được chuyển đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Tại đây bé T.Q.T được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột. Đến 7h ngày 9/4/2019 bé tử vong.
Bé trai thứ hai là T.C.V (sinh năm 2014) xuất hiện sốt 38,5 độ, kèm theo đau bụng vào ngày 27/10/2019 và không điều trị gì. Đến 5h sáng ngày 28/1/2019, bệnh nhi được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến 21h ngày 31/10/2019 bé T.C.V tử vong tại Bệnh viện với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhi được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30/10/2019 đến ngày 1/11/2019 có kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (gây ra bệnh Whitemore).
Bé trai thứ ba là T.Q.H (sinh năm 2018) có biểu hiện sốt 38,5 độ trong ngày 10/11, đến 9h ngày 11/11, gia đình đưa bé đến Trung tâm Y tế xã Bắc Sơn, sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn lúc 11h cùng ngày. Nhận thấy tình trạng nguy hiểm của bệnh nhi, các bác sĩ đã tiếp tục chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo bác cháu bé, đến ngày thứ tư bé T.Q.H có kết quả xét nghiệm máu dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (bệnh whitmore). Bác sĩ đã tăng thuốc kháng sinh liều cao, nhưng sau đó thông báo là thuốc không đáp ứng để diệt vi khuẩn và chỉ định lọc máu. “Cháu ra đi khi đang lọc máu, anh trai của cháu cũng trong tình trạng tương tự”, người nhà bệnh nhi chia sẻ.
Cũng theo báo của của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, cả ba bé đều khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật. Gia đình có bảy người, ngoài ba bé còn có ông bà nội và bố mẹ các chau. Nhưng hiện nay, qua điều tra gia đình và các hộ xung quanh không phát hiện thêm trường hợp có biểu hiện tương tự. “Bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, số ít có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh có thể lây từ người sang người nhưng rất hiếm. Do vậy, các yếu tố nguy cơ bùng phát lây lan thành dịch tại đây không cao”, báo cáo của Trung tâm Y tế Sóc Sơn nêu rõ.
Hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên, gia đình anh C và chị Q, không chỉ chịu nỗi đau mất ba người con chỉ trong thời gian ngắn mà còn đang phải gánh chịu nhiều sự đàm tiếu, nghi kỵ của hàng xóm xung quanh về một bệnh dịch mà người thân mắc phải.
Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi...
Bệnh Whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore từ khoảng 40-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.