Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ vào xử lý nước thải

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Hiện nay, phần lớn các trạm xử lý nước thải đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc truyền thống là thu gom sau đó xử lý tập trung. Tuy nhiên, việc thu gom nước thải đôi khi gặp nhiều khó khăn do hệ thống đường ống thu gom khá xa với khu dân cư; tổng lượng nước thải được xử lý triệt để đảm bảo các yêu cầu phục vụ tái sử dụng nước còn thấp… ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Tiến sỹ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội, vào năm 2030, hệ thống nước thải của thành phố sẽ được thu gom và xử lý với 41 nhà máy, công suất 1,8 triệu m3/ngày đêm, xử lý 100% nước thải sinh hoạt. Toàn thành phố Hà Nội chỉ có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt gồm: Kim Liên, Trúc Bạch, Yên Sở, Hồ Tây, Bảy Mẫu, Bắc Thăng Long - Vân Trì, tập trung chủ yếu tại lưu vực Tô Lịch. Tổng công suất của 6 nhà máy chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý. Dự kiến đến năm 2025, Dự án khi xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270 nghìn m3/ngày đêm hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ nâng tỷ lệ nước thải được xử lý lên 50%.

Tiến sỹ Lê Xuân Rao cho biết thêm, theo kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, cùng với việc thực hiện các giải pháp như tuyên truyền về nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong việc chi trả phí bảo vệ môi trường, giá dịch vụ thoát nước; bố trí nguồn đầu tư; có cơ chế, chính sách cụ thể và tổ chức điều hành, phối hợp thực hiện, Thành phố Hà Nội sẽ lựa chọn mô hình, công nghệ xử lý nước thải.

Theo đó, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán (phi tập trung) cho từng tiểu khu hay từng công trình như các khu biệt thự, nhà vườn, các khu có tính chất nửa đô thị, nửa nông thôn, cụm nông thôn nhỏ cách xa các khu đô thị tập trung. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50 - 55%.

Về vấn đề thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, hiện hệ thống thoát nước của thành phố gồm khu nội thành và các đô thị cũ có hệ thống thoát nước chung chủ yếu được xây dựng vào đầu thế kỷ XX.

Một số khu đô thị mới có hệ thống thoát nước riêng một số khu như: Smart City, Ocean Park, An Bình có trạm xử lý nước thải riêng. Mạng lưới đường cống thoát nước tập trung chưa bao phủ hết khu vực đô thị, đầu mối nước thải từ các hộ thoát nước vào cống thoát nước chưa đạt yêu cầu về số lượng và điều kiện kỹ thuật. Kênh sông hồ nội đô đóng vai trò quan trọng trong tiêu thoát và điều tiết nước mưa, đồng thời tạo nên khung sinh thái cảnh quan trong thành phố. Hệ thống cống thoát nước hiện trạng là hệ thống cống chung, chỉ đạt khoảng 30 m/ha là quá thấp so với các nước khoảng 80- 100 m/ha. Các lưu vực khác thoát nước chủ yếu dựa vào hệ thống thủy lợi.

Để cải thiện chất lượng nước thải trên địa bàn Hà Nội, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Hạ cho rằng, thành phố cần nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông hồ nội đô, kết hợp với các công trình cảnh quan, vui chơi giải trí và các công trình văn hóa, tâm linh... trên mặt nước. Cùng với đó, xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và chế độ thủy văn của sông hồ nội đô để kịp thời điều chỉnh lưu lượng nước bổ cập; kiểm soát hoạt động các nhà máy cũng như công trình xử lý nước thải xả vào sông...

Hiện nay, nhiều giải pháp công nghệ xử lý nước thải đã được nghiên cứu, giới thiệu, đưa vào ứng dụng, rất phù hợp với địa bàn Thủ đô. Giới thiệu giải pháp công nghệ xử lý nước thải, khí thải tại chỗ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ quy mô hộ gia đình, ông Hoàng Thái Hà, Trưởng Phòng Quản lý vận hành hệ thống, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, thiết bị tách dầu mỡ EN 1825 và EN 858 do Công ty nghiên cứu, thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu rất thân thiện với môi trường. Với hiệu quả tách lọc dầu mỡ trong nước thải cao từ 90 - 95%, loại bỏ dầu mỡ trong nước thải ngay tại nguồn phát sinh sẽ tránh tình trạng tắc nghẽn, giảm chi phí nạo vét, duy trì và sửa chữa, thay thế đường ống thoát nước.

Đề xuất giải pháp công nghệ xử lý nước thải trên cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, ông Hồ Viết Vẻ, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn SiGen (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, sản phẩm hố ga thu nước, ngăn mùi, chống muỗi giúp các công trình nhanh chóng thoát nước; diệt muỗi, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, ngăn mùi, dễ vệ sinh nạo vét và bảo đảm yếu tố mỹ quan đô thị, chống lụt, cải tạo môi trường.

Qua khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi lắp đặt thử nghiệm hố ga SiGen tại một số chợ bị đọng nước và ô nhiễm nặng, được người dân đánh giá hiệu quả, thoát nước nhanh, luôn khô, chống hôi tốt. Sản phẩm có tuổi thọ tối thiểu 20 năm, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp 15 bằng độc quyền sáng chế, độc quyền giải pháp hữu ích, đạt nhiều giải thưởng tại các Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc năm 2015.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.