Theo những người trong gia đình kể lại, ông Chóng đi lính ở chiến trường Campuchia năm 1983, được xác định hy sinh năm 1985, sau đó gia đình nhận được giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công. Bà Nía được hưởng chế độ chính sách của gia đình liệt sĩ hơn 20 năm qua.
Gia đình ông Chóng đoàn tụ sau 33 năm. Ảnh: Thanh Niên |
Đột ngột vào khuya 20/2 (mùng 5 tết Mậu Tuất), ông Chóng trở về tìm lại gia đình. Những người trong gia đình gồm bà Nía, anh chị em ông Chóng sau khi bỡ ngỡ đã nhận ra đúng là ông Trương Văn Chóng (con trai thứ 6 của bà Nía) còn sống trở về.
Sự việc sau đó được lan truyền khắp làng quê, hàng xóm kéo tới thăm hỏi rất đông, theo báo Tuổi Trẻ.
Kể rõ hơn về câu chuyện hi hữu của mình, ông Chóng cho biết, năm 1985, trong đợt vây ráp của địch, ông bị thương ở tay, chạy vào rừng sâu lạc đường và được người dân bản địa cứu và cưu mang một thời gian dài. Trong thời gian dưỡng thương, ông được một người phụ nữ chăm sóc tận tình nên tình cảm cũng xuất phát từ đó. Ông được dạy tiếng Campuchia để giả dạng làm người dân bản địa tránh sự truy sát của Pol Pot. Sau đó, 2 vợ chồng ông tìm đường đến Biển Hồ để sinh sống và làm nghề đánh cá.
Sau một thời gian ổn định sinh sống, do nhiều bất đồng trong cuộc sống nên ông Chóng và người vợ này chia tay. Một thời gian sau, ông bén duyên cùng bà Trương Thị Tánh (61 tuổi, gốc Việt, định cư tại Biển Hồ Campuchia). Sau một cơn tai biến, sức khỏe ông suy giảm trầm trọng, trí nhớ giảm sút, không nói chuyện bình thường được nên không thể nhớ được những chuyện lúc trước.
Bằng Tổ quốc ghi công của "liệt sĩ" Trương Văn Chóng. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Cuộc sống ở đây khó khăn, làm ăn không còn thuận lợi nên gia đình ông Chóng khăn gói rời Campuchia trở về VN sinh sống ở xã Suối Dây, H.Tân Châu, Tây Ninh. Suốt 8 năm qua, ông làm nghề nghề mót mủ cao su, vợ làm nội trợ, chăm sóc con. Trong một buổi mót cao su, ông tình cờ quen được một người bạn (không nhớ tên), trong một lúc trò chuyện từng ký ức về gia đình dần dần hiện lên trong trí nhớ và ông quyết tâm tìm đường trở về nhà, báo Thanh Niên trích dẫn lời ông Chóng.
Dịp vừa qua, được vợ con động viên, giúp đỡ ông Chóng tìm đường về Định Môn, hội ngộ cùng gia đình sau 33 năm xa cách. Từ lúc mất tích đến nay, ông không hề biết tin hay liên lạc gì với gia đình ở Cần Thơ.
Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Phủ, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Thới Lai (TP.Cần Thơ) cho biết: “Câu chuyện ông Chóng trở về là một tin gây nóng trên địa bàn. Tôi cùng các chuyên viên, cán bộ thương binh đã đến gặp trực tiếp gia đình và làm việc với địa phương, lập biên bản xác nhận, lập thủ tục xác định ông Chóng còn sống. Hiện nay văn phòng chỉ đạo đã làm công văn gửi cho Sở để xin ý kiến để giải quyết”.
Tổng hợp