Sẽ có một ngày, khi dự án xe đạp đô thị được triển khai rộng khắp Hà Nội, khi thói quen đạp xe, sử dụng các phương tiện công cộng trở thành nếp sinh hoạt đời thường, đường phố Hà Nội sẽ thoáng đãng hơn, xanh mát hơn.
_____________
Thông tin Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đặt gần 200 điểm trạm cho thuê xe đạp công cộng trong khuôn khổ dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 7 quận khiến đông đảo người dân Hà Nội hưởng ứng, đồng tình.
Theo đó, xe đạp công cộng được sử dụng phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan. Thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2022 đến 2023.
Được biết, dự án xe đạp đô thị sẽ triển khai theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí từ 70 đến 80 vị trí. Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024, mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và vùng lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm. Chậm nhất trong quý IV/2022, người dân Hà Nội có thể trải nghiệm dịch vụ mới mẻ này.
Trước đó, ngày 25/5/2021, tại Kết luận cuộc họp số 315/TP-VP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo về nội dung “Dự án xe đạp đô thị”, trong đó có giao cho Sở GTVT Hà Nội thực hiện, đánh giá việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị tại TP Hồ Chí Minh và việc triển khai thí điểm trên địa bàn TP Hà Nội.
Sau thời gian nghiên cứu, đánh giá, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc phát triển xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác ở TP Hồ Chí Minh góp phần nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, nhằm từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xe đạp công cộng bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện thay vì hình thức đi bộ như truyền thống hiện nay. Do ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sẽ phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng, bước đầu đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ sử dụng của người dân.
Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc triển khai dự án xe đạp đô thị tại TP Hà Nội là cần thiết. Dự án sẽ đem đến cho người dân Hà Nội một phương tiện hiện đại, thuận tiện, thân thiện môi trường cho việc di chuyển kết nối giữa vận tải hành khách công cộng như tàu điện, xe buýt, giữa các khu đô thị, trụ sở văn phòng...
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, việc triển khai bổ sung loại hình xe đạp/xe đạp điện đô thị ít ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông trên đường giao thông công cộng, không làm quá tải do có tính chất về vận hành/số lượng người sử dụng tương tự như xe gắn máy. Do đó không làm quá tải hệ thống giao thông, trường hợp hiệu quả kết nối sẽ là cơ sở để người dân chuyển đổi từ phương thức cá nhân sang loại hình vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Đã có quá nhiều ý kiến về việc Hà Nội quá tải giao thông thì việc chọn phương tiện di chuyển là xe đạp công cộng sẽ là một cầu nối thúc đẩy việc người dân tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng hơn nữa.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, mô hình này đã có ở nhiều quốc gia phát triển. Điều quan trọng nhất để phát triển mô hình này là làm sao quy hoạch mạng lưới các vị trí đỗ xe phải thuận lợi trong việc kết nối với các phương thức vận tải khác. Điều này sẽ giúp xe đạp trở thành phương tiện kết nối giao thông công cộng bền vững.
Dự kiến mức giá cho thuê trong 30 phút là 5.000 đồng/xe đạp cơ và 10.000 đồng/xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng/xe đạp cơ và 120.000 đồng/xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Không chỉ dự án xe đạp, trong thời gian qua, nhiều quận nội thành Hà Nội đã đồng loạt triển khai các mô hình cơ quan, bệnh viện, trường học, nơi công cộng, nhà hàng, khách sạn không khói thuốc lá, đặc biệt tuyến phố đi bộ không khói thuốc lá... để cùng nhau “xanh hóa” Thủ đô.
Để hạn chế các tác hại của thuốc lá gây ra, nhiều năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá trong từng giai đoạn và triển khai thực hiện đến các Sở, ngành, các tổ chức Chính trị xã hội và UBND các quận, huyện, thị xã nhằm tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn ngừa hút thuốc trong thanh thiếu niên, bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi các tổn thất về sức khỏe do việc sử dụng thuốc lá gây ra.
Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, trong thời gian vừa qua, quận Hoàn Kiếm luôn chủ động triển khai và duy trì tốt các hoạt động, các mô hình sáng kiến hay nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe nhân dân. Nhiều mô hình của quận được đánh giá cao như “Nơi làm việc không khói thuốc”, “Cơ sở y tế không khói thuốc”, “Trường học không khói thuốc”. Đặc biệt, tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình “Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc”, “Điểm du lịch không khói thuốc”. Phấn đấu đến hết năm 2022, quận Hoàn Kiếm có trên 90% nhà hàng, khách sạn và 100% điểm du lịch, di tích, văn hóa lịch sử trên địa bàn thực hiện kí cam kết thực hiện mô hình không khói thuốc và gắn biển cấm hút thuốc.
Tương tự, từ năm 2016, quận uỷ, UBND quận Tây Hồ đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại cơ quan công sở, tại trường học, cơ sở y tế trên địa bàn. Từ đó đến nay, với sự vào cuộc tích cực của Quận ủy, UBND quận Tây Hồ đã thành lập được Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá; lập các đoàn kiểm tra thực thi mô hình tại các cơ sở, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn không khói thuốc lá. Quận Tây Hồ là một trong những đơn vị đi đầu của thành phố Hà Nội về thực hiện “mô hình không khói thuốc lá”.
Theo ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, quận đã triển khai các hoạt động chuyên môn phòng, chống tác hại của thuốc lá như: thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá từ quận tới phường; phối hợp tổ chức tập huấn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức dễ hiểu, dễ thấy cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tránh xa và sử dụng thuốc lá, triển khai các mô hình cơ quan, bệnh viện, trường học, nơi công cộng, nhà hàng, khách sạn không khói thuốc lá, đặc biệt tuyến phố đi bộ không thuốc lá; gắn phong trào xây dựng Làng văn hoá – sức khoẻ với cộng đồng không khói thuốc lá, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bài: Minh Lâm
Thiết kế: Thúy Hà