Khóc vì con học xa nhà
Những ngày đầu tháng 8, phụ huynh học sinh ở Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) mất ăn mất ngủ vì con không được theo học ở Trường tiểu học Cao Bá Quát, ngôi trường nằm ngay trong khuôn viên KĐT Đặng Xá. Vì số học sinh quá tải, trong khi nhà trường chỉ có 35 lớp học, tính ra sĩ số lên đến 70 em/lớp, không đảm bảo chất lượng giáo dục nên nhà trường quyết định phân tách một bộ phận học sinh sang Trường tiểu học Trung Thành, cách đó khoảng 2-3 km.
Trước quyết định của nhà trường, phụ huynh học sinh đồng loạt phản ứng dữ dội với quan điểm, đã mua nhà trong KĐT thì con em phải được học, học ngay trong KĐT. Nhiều phụ huynh, trong đó có cả những ông bố cũng bật khóc vì con bất ngờ bị chuyển đến trường học khác xa hơn, dù con mình có quyền học đúng tuyến.
Theo bà Băng Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Bá Quát, trường nghiêm túc thực hiện tuyển sinh theo công văn hướng dẫn của Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm. Lãnh đạo trường đã thông báo lên facebook, dán ở cổng trường các hướng dẫn hồ sơ tuyển sinh, thời gian tuyển sinh trực tuyến, thời gian tuyển sinh trực tiếp. Trường đã thực hiện đúng hướng dẫn tuyển sinh cho tất cả các đối tượng phân tuyến tuyển sinh. Nhưng năm nay học sinh quá tải, trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 500 trong khi số lượng đăng ký lên tới 567 em.
“Đến hết ngày 3/7/2018, có 557 học sinh đăng ký trực tuyến vào trường, còn đến cuối ngày 17/7, số hồ sơ nộp trực tiếp tại trường là 553 học sinh, vượt quá so với số chỉ tiêu tuyển sinh của trường đã đăng ký. Trường đã báo cáo Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm và được chỉ đạo tiếp tục nhận hồ sơ, cùng đó là chỉ đạo việc tạm thời bố trí sắp xếp số lượng học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu này sẽ được bàn giao lại cho Trường tiểu học Trung Thành ngay sau khi có quyết định thành lập trường” – bà Tâm lý giải.
Số học sinh được học tại trường Cao Bá Quát đã được xếp thành 13 lớp, sĩ số khoảng 50 em/lớp. Nhưng vẫn thiếu phòng học, trường phải xếp tạm cả phòng chức năng để học sinh có đủ lớp học.
Lãnh đạo huyện Gia Lâm thừa nhận, sự việc một phần do lãnh đạo huyện không lường trước được tình hình khi phân tuyến, một phần do huyện hoàn toàn bị động bởi các KĐT thi nhau mọc lên, dân cư đông đúc, trong khi cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế chưa sẵn sàng phục vụ.
Đây là một điển hình cho việc Hà Nội đang phải xử lý quá tải về số học sinh vào lớp 1 năm nay.
Tuổi “vàng” chen nhau đến trường
Huyện Gia Lâm chưa phải là trường hợp cá biệt trong năm 2018. Năm nay, đồng loạt lứa học sinh được sinh trong những năm được cho là đẹp nhất đang rục rịch chuyển cấp khiến chính quyền địa phương ở cả nội thành lẫn ngoại thành… lao đao. Học sinh sinh năm 2012 - Nhâm Thìn (rồng vàng) hồi hộp bước chân vào lớp 1. Học sinh sinh năm 2007 – Đinh Hợi (lợn vàng) lên lớp 6. Học sinh sinh năm 2003 - Quý Mùi (dê vàng) hăm hở vào lớp 10. Cả ba cấp đều “oằn mình” tiếp nhận học sinh vì số lượng học sinh đến nhập học tăng đột biến. Với số lượng học sinh đầu quân vào ba cấp trong năm học 2018-2019 tăng chóng mặt, Hà Nội đã buộc phải phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi cấp tăng hơn khoảng 20.000 học sinh so với năm học 2017-2018. Chỉ tiêu mở rộng, nhưng cuộc đua vào trường đúng tuyến chưa bao giờ dễ thở với phụ huynh.
Nhiều lớp tiểu học ở Hà Nội có số học sinh đăng kí quá tải (Ảnh minh họa) |
Chị Nguyễn Kiều Trang – một phụ huynh có con học tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) kể lại, năm nay hai vợ chồng chị trực chiến mãi, thay nhau vào trang web để đăng ký trực tuyến cho con gái vào lớp 1. Sau bao ngày mất ngủ, nhờ cậy người quen, lúc thở phào nhẹ nhõm vì con được vào học đúng tuyến thì tá hỏa vì lớp đông quá. “Thằng anh trai đã đi học Trường tiểu học Tây Sơn 2 năm nay, vì lớp đông nên phải học luân phiên, hôm nghỉ giữa tuần, hôm lao đi học vào thứ Bảy... Hôm trước nhìn vào lớp của con gái, chồng tôi quyết định kéo con ra trường tư vì… ngột ngạt quá. Cả hai con mà phải học luân phiên thì hai vợ chồng chạy xô không nổi, đành tặc lưỡi quyết định cho con gái học trường quốc tế Global cạnh nhà ông bà ngoại” – Trang nói.
Với số lượng học sinh đầu quân vào ba cấp trong năm học 2018-2019 tăng chóng mặt, Hà Nội đã buộc phải phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi cấp tăng hơn khoảng 20.000 học sinh so với năm học 2017-2018. Chỉ tiêu mở rộng, nhưng cuộc đua vào trường đúng tuyến chưa bao giờ dễ thở với phụ huynh.
Cách học luân phiên để dùng chung phòng học được áp dụng triệt để ở nhiều nơi. Cũng giống Trường tiểu học Tây Sơn, các giáo viên và học sinh ở Trường tiểu học Phú La, quận Hà Đông cũng nhọc nhằn đến lớp cả thứ Bảy, Chủ nhật vì thiếu phòng học. Trường tiểu học Mậu Lương (phường Kiến Hưng, Hà Đông) trước khi xây dựng, không ít người lo ngại sẽ thiếu học sinh, vậy nhưng năm nay trường đón lứa học sinh đầu tiên với số lượng áp đảo, khối lớp 1 đã có 10 lớp, mỗi lớp vượt hơn 50 em, dù học sinh chủ yếu loanh quanh trong mấy tòa khu đô thị.
Chị Phạm Như Ngọc, một cư dân KĐT Văn Phú cho biết: “Mỗi khu đô thị đi vào hoạt động thu hút thêm đến 20.000 cư dân mới, tương đương với số dân của một phường, trong khi trường lớp lại không tăng nên học sinh trên địa bàn có bao nhiêu dồn hết vào bấy nhiêu trường. Lớp học vẫn diện tích ấy, bàn ghế tăng lên, bàn học sinh sát bảng giáo viên nom đến tội. Con gái tôi học lớp 1 cách đây 5 năm đã là 65 em/lớp, ban phụ huynh phải bàn nhau quyên góp tiền mua micro và loa trợ giảng, màn chiếu cho cô giáo, chứ nhìn vào lớp sĩ số đông, cô giảng rất mệt, các con ở dưới thì không nghe rõ, nhìn rõ. Tôi phải kiến nghị cô giáo luân phiên đổi vị trí ngồi cho các con vì sợ con bị cận”.
Ảnh minh họa |
Hầu hết các quận nội thành, từ Hai Bà Trưng, Đống Đa đến quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, đi đến đâu cũng thấy nhà trường, giáo viên loay hoay với tình trạng quá tải. Lãnh đạo Phòng GD & ĐT quận Cầu Giấy cho hay: quy mô giáo dục mầm non của quận hiện lên tới gần 18.000 trẻ, sĩ số trung bình khoảng 60-65 em/lớp. Quận Hoàng Mai có 17 trường tiểu học công lập với sĩ số bình quân gần 52 học sinh/lớp. Quận Thanh Xuân, tính riêng trường mầm non với độ phủ sóng rộng khắp 37 trường mầm non/11 phường nhưng sĩ số các lớp lúc nào cũng vượt quá 50 em/lớp. Cấp tiểu học thậm chí quá tải hơn, như trường Đặng Trần Côn có 12 lớp khối 1 với sĩ số trung bình 75 em/lớp…
Luật cũng… bất lực
Theo Điều 17, Điều lệ trường tiểu học (do Bộ GD&ĐT ban hành) quy định, mỗi lớp học không được quá 35 học sinh. Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội phải thừa nhận, mặc dù có quy định về sĩ số học sinh nhưng năm học này học sinh đông hơn năm trước. “Sở đã có chỉ đạo với các quận, huyện bố trí tăng thêm các lớp, phòng học không để tình trạng một lớp quá đông, chỉ có thể chấp nhận vượt lượng ít so với quy định”. Nhưng trên thực tế, nhiều trường đã phải tăng sĩ số lớp học lên đến 50 - 60 em, cá biệt hơn 70 em/lớp vì dân số ngày càng tăng theo cấp số nhân..
Năm nay, để chuẩn bị đón năm học 2018-2019, TP Hà Nội đã đầu tư cải tạo và xây mới 107 trường học với tổng kinh phí gần 4.000 tỷ đồng, cải tạo, xây mới thay thế gần 4.200 phòng học với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, các trường học tiếp tục được đầu tư kinh phí thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, xóa phòng học cấp 4 xuống cấp ở tất cả các cấp học, nâng cấp nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn… Ngành giáo dục Hà Nội đã nỗ lực đẩy mạnh nhiều biện pháp để giảm tải áp lực giáo dục, nhưng mạng lưới cơ sở vật chất trường học không thể “giãn nở” kịp với sự phình ra quá nhanh về quy mô học sinh theo từng năm.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 đồng thời triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô hôm 10/8, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thừa nhận, tình trạng ngành giáo dục Thủ đô còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức, nhất là quy hoạch mạng lưới trường lớp chưa đồng bộ; một số trường ở khu vực đông dân cư còn thiếu phòng học cục bộ, quá tải về số học sinh, số học sinh/lớp…
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong nước lo ngại, nếu không có biện pháp lâu dài, chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng từ những lớp học đông đúc, giảng đường hóa lớp học ngay ở cấp 1 sẽ khiến học sinh đến trường với nhiều lo âu, mệt mỏi, chán học, quyền lợi của học sinh bị nhạt nhòa... Giáo viên cũng vì thế stress, bạo lực học đường rất dễ gia tăng…
Năm nay, để chuẩn bị đón năm học 2018-2019, TP Hà Nội đã đầu tư cải tạo và xây mới 107 trường học với tổng kinh phí gần 4.000 tỷ đồng, cải tạo, xây mới thay thế gần 4.200 phòng học với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, các trường học tiếp tục được đầu tư kinh phí thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, xóa phòng học cấp 4 xuống cấp ở tất cả các cấp học, nâng cấp nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn… Ngành giáo dục Hà Nội đã nỗ lực đẩy mạnh nhiều biện pháp để giảm tải áp lực giáo dục, nhưng mạng lưới cơ sở vật chất trường học không thể “giãn nở” kịp với sự phình ra quá nhanh về quy mô học sinh theo từng năm.