Trẻ mắc ADHD thường gặp khó khăn trong việc duy trì chú ý lâu dài, kiểm soát sự bốc đồng và thường thể hiện hành vi hiếu động quá mức. ADHD không chỉ ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ mà còn tác động đến các mối quan hệ xã hội, gây khó khăn cho trẻ trong giao tiếp và hòa nhập với môi trường xung quanh.
Những đứa trẻ hiếu động
Hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) là một tình trạng ảnh hưởng đến khả năng tập trung và kiểm soát hành vi của trẻ. Vì vậy, những đứa trẻ mắc phải hội chứng này thường rất hiếu động. Vợ chồng chị Thu, anh Nghĩa, ngụ Bình Thạnh. Gia đình kinh doanh, buôn bán hàng ăn, có hai đứa con, vì mãi mê làm ăn nên anh chị ít để ý đến sự bất thường trong sự hiếu động quá mức của Minh - Đứa con trai út 7 tuổi. Chị Thu kể, từ nhỏ Minh đã rất hiếu động. Cậu bé luôn chạy nhảy khắp nơi, nói liên tục và dường như không thể ngồi yên một chỗ. Ở trường, Minh thường không tập trung vào bài giảng, dễ bị xao lãng bởi bất cứ điều gì xung quanh. Bên cạnh đó, Minh còn thường xuyên bị bạn bè trêu chọc vì những hành vi khác thường.
Kể từ đó, vợ chồng chị Thu luôn cảm thấy lo lắng, họ thường xuyên nhận được những phản ánh từ giáo viên về việc Minh không chú ý trong lớp, làm mất trật tự và không hoàn thành bài tập. Vợ chồng chị Thu quyết định đưa Minh đi khám ở bệnh viện, và sau nhiều lần kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán Minh bị ADHD.
Sau khi nhận được kết quả của con thì vợ chồng chị rất buồn, sợ rằng con mình sẽ bị tự kỷ hoặc không bình thường. Nhưng khi bác sĩ giúp họ hiểu rằng, ADHD không phải là bệnh tự kỷ và Minh có thể phát triển bình thường, chỉ cần có sự kiên nhẫn, hỗ trợ và phương pháp giáo dục phù hợp.
Sau lần đi khám, Minh bắt đầu tham gia các buổi trị liệu hành vi và được hướng dẫn cách quản lý cảm xúc, tập trung vào những nhiệm vụ nhỏ và rõ ràng. Cha mẹ Minh cũng học cách tạo ra môi trường hỗ trợ, khuyến khích và kiên nhẫn với cậu bé. Ở trường, giáo viên của Minh cũng điều chỉnh cách giảng dạy, cho cậu bé thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, và chia nhỏ các bài học để Minh có thể tập trung tốt hơn.
Chị Thu chia sẻ. mặc dù, con đường phía trước không dễ dàng, nhưng khi thấy con dần dần cải thiện, bắt đầu học cách tự kiểm soát bản thân, tập trung hơn vào bài giảng, và cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp với bạn bè thì gia đình cảm thấy yên tâm phần nào.
Tất tả ôm đứa con nhỏ vào bệnh viện vào lúc sáng sớm, chị Lan – Ngụ Cần Thơ cho biết, vợ chồng chị có ba đứa con, hai trai và một gái. Trong đó có bé trai năm nay 4 tuổi mà vẫn chưa biết nói, đã vậy cậu bé nghịch ngợm luôn tay luôn chân, không phá cái này thì làm hư cái khác. Có gì không vừa ý là tức giận, đập phá đồ chơi hay bất cứ thứ gì trong tầm mắt. Chị Lan kể: “Nhiều khi thấy con bị vậy tôi rầu quá, hàng xóm, họ hàng thì nói do vợ chồng tôi chiều quá thành ra con hư. Nhưng cả hai vợ chồng tôi đều cố gắng dạy bảo con và nghiêm khắc khi con mắc lỗi, nhưng cháu không hợp tác thì đành chịu.”
Sau khi được bác sĩ thăm khám và thực hiện một loạt các bài kiểm tra, con trai chị Lan được chẩn đoán mắc hội chứng tăng động giảm chú ý. Bác sĩ giải thích rằng những biểu hiện của bé, từ việc không thể ngồi yên, khó tập trung vào các nhiệm vụ, đến hành vi bốc đồng, đều là các triệu chứng điển hình của ADHD. Bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là lỗi của cậu bé hay do cha mẹ nuôi dạy không tốt, mà là một rối loạn phát triển thần kinh cần được điều trị và hỗ trợ đúng cách.
Một phụ huynh đưa con đi thăm khám tại bệnh viện |
Ba mẹ không có lỗi
Khi thấy một đứa trẻ mắc phải hội chứng ADHD thì nhiều người thường có tâm lý đổ lỗi cho ba mẹ. Thậm chí có những quan niệm của đại đa số như “Cho con coi ipad, điện thoại, tivi nhiều quá nên con mới bị như vậy” hoặc “cha mẹ lo làm ăn quá không có thời gian dành cho con nên con bị tăng động’… Những lời nhận xét, chỉ trích từ những người xung quanh vô tình làm cho không ít các bậc làm cha làm mẹ cảm thấy áp lực và căng thẳng.
Theo các chuyên gia tâm lý, ADHD là một rối loạn phát triển thần kinh phổ biến ở trẻ em, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi và tập trung. Trẻ có thể gặp vấn đề về sự chú ý, hành động quá nhanh mà không suy nghĩ, hoặc có xu hướng hoạt động nhiều hơn so với trẻ bình thường. ADHD không phải là lỗi của ai cả, và những đứa trẻ đó không phải là đứa trẻ hư hỏng hay thiếu kỷ luật. Đây là một rối loạn liên quan đến chức năng của não bộ, và có những phương pháp hỗ trợ hiệu quả để giúp trẻ kiểm soát các triệu chứng.”
Chị Tuyết và anh Tùng là một cặp vợ chồng trẻ có cậu con trai tên Đăng. Đăng là một cậu bé hiếu động và tò mò, luôn tràn đầy năng lượng. Nhưng khi cậu bé bắt đầu đi học mẫu giáo, chị Tuyết nhận thấy con mình có những biểu hiện khác so với các bạn cùng trang lứa. Đăng không thể ngồi yên một chỗ trong lớp học, thường xuyên chạy nhảy, nói chuyện không ngừng và khó tập trung vào những bài tập đơn giản. Mặc cho cô giáo thường phải nhắc nhở, nhưng dường như cậu bé không nghe theo.
Dần dần, vợ chồng chị Tuyết nhận ra con trai mình không chỉ đơn giản là "hiếu động" đơn thuần. Họ đưa con tìm đến bác sĩ và được chẩn đoán mắc hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD). Khi đó cả hai vợ chồng đều sốc. Họ không biết bắt đầu từ đâu và làm sao để giúp con mình vượt qua.
Mỗi ngày là một thử thách với chị Tuyết. Đăng thường mất kiểm soát cảm xúc, la hét và khóc lóc khi không được như ý.Và những ánh mắt trách móc, xét nét từ những người xung quanh càng khiến chị thêm áp lực. Anh Tùng cũng không dễ dàng hơn. Là một người cha yêu thương con, anh luôn muốn con mình phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng mỗi khi anh cố gắng dạy con cách tập trung thì con trai anh lại dễ dàng mất kiên nhẫn và trở nên bực bội, cáu gắt. Nhiều đêm, anh nằm trằn trọc, lo lắng về tương lai của con mình. Anh cảm thấy mệt mỏi vì công việc căng thẳng, rồi lại phải đối mặt với sự hỗn loạn tại gia đình nhỏ của mình mỗi khi dạy con. Những cuộc cãi vã giữa vợ chồng anh ngày càng nhiều hơn, vì cả hai đều mệt mỏi và không biết cách xử lý tình huống như thế nào cho hợp lý với con.
Nhưng rồi, sau một thời gian dài tìm hiểu và học hỏi, cả hai bắt đầu thay đổi cách tiếp cận. Chị Tuyết tìm đến các nhóm hỗ trợ dành cho cha mẹ có con bị ADHD, nơi chị có thể chia sẻ và nhận được sự đồng cảm từ những người khác. Anh Tùng bắt đầu đọc sách về cách nuôi dạy trẻ mắc ADHD và dần dần học được cách kiên nhẫn hơn với Đăng. Họ quyết định sẽ cùng nhau tạo ra một môi trường bình tĩnh và kiên nhẫn cho con.
Mỗi ngày, họ dành thời gian trò chuyện với con, giúp con hiểu rằng dù con có khó khăn hơn các bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là con kém cỏi. Họ lên kế hoạch rõ ràng cho từng hoạt động, chia nhỏ các nhiệm vụ và khen ngợi mỗi khi con làm tốt. Qua thời gian, Đăng dần tiến bộ. Mặc dù con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, chị Tuyết và anh Tùng đã học được cách đối diện với tình huống bằng tình yêu thương và kiên nhẫn. Họ không chỉ là cha mẹ của con, mà còn là những người thầy, người bạn, luôn bên cạnh giúp con vượt qua từng thử thách nhỏ trong cuộc sống.
Trao đổi với PV Ngày Nay, Bs Kim Sây Ha – Khoa Tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “ Quan niệm về việc do cha mẹ cho con xem điện thoại, ipad, các thiết bị điện tử hoặc do cha mẹ không quan tâm nên các bé mắc phải hội chứng tăng động giảm chú ý là không đúng. Hội chứng ADHD liên quan đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ của trẻ, xuất hiện từ khi người mẹ mang thai, làm cho trẻ có khuynh hướng tăng vận động và nghịch ngợm từ khi còn rất nhỏ. Thế nhưng, hiện tại thì chưa có phương pháp nào xác định được hội chứng ADHD ngay từ trong bào thai. Vì vậy, khi đứa trẻ từ 18 tháng đến 24 tháng, bắt đầu chạy nhảy thì mới biểu hiện triệu chứng của bệnh như: Không chú ý lắng nghe, xoay qua xoay lại khi đối thoại, vận động liên tục không ngừng nghỉ, hay bồn chồn, bốc đồng và thường khó kiềm chế cảm xúc.”
Cũng theo Bs Ha thì để chẩn đoán và kết luận một đứa trẻ mắc phải hội chứng tăng động giảm chú ý thì trẻ phải từ 4 tuổi trở lên và đặt ở hai môi trường khác nhau trong vòng 6 tháng. Để điều trị thì tùy vào mức độ của trẻ để áp dụng các liệu pháp về trị liệu tâm lý hoặc dùng thuốc. Cần nhất vẫn là sự kiên nhẫn, đồng hành cùng con của các bậc làm cha làm mẹ.