Trước tình trạng nhiều người rao bán bộ kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng…
Theo quảng cáo, mỗi bộ kit này gồm 2 test dùng cho 2 người hoặc 2 lần sử dụng, có kết quả ngay sau 15 phút. Nếu bảng hiện 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính. Do vậy, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng" bằng cách dùng que lấy dịch ở mũi, sau đó bơm vào dung dịch và chờ kết quả.
Tuy nhiên khi hỏi hoá đơn, chứng từ thì những người này cho biết do là hàng xách tay từ nước ngoài về nên có giá rẻ và không cần giấy tờ gì cả (?).
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, qua kiểm tra, phát hiện một số lượng lớn các bộ kit test nhanh COVID-19 được nhập lậu vào Việt Nam. Các sản phẩm này đa dạng và phần lớn được thẩm lậu vào nội địa qua đường xách tay.
Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, thu giữ vài nghìn bộ kit test nhanh COVID-19 và hầu hết là không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Do vậy, đề nghị người tiêu dùng hết sức lưu ý khi mua sản phẩm này, phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc sản phẩm và phải được cấp phép của Bộ Y tế”, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết: “Hiện nay, các test xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép theo các quy định tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT. Hơn nữa, các sản phẩm này thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao (loại C, D) nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh test xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế về nhân sự, điều kiện kho bảo quản, phương tiện vận chuyển.
Người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là mạng xã hội bởi những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành khi xét nghiệm có thể cho kết quả không chính xác. Như vậy, không những mất tiền oan mà nếu tin tưởng vào những kết quả này còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh cho cộng đồng”.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh: Với các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp phép, Bộ Y tế đã thông báo rộng rãi đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc đồng thời cũng đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội thu giữ số lượng lớn bộ kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc. |
Ngày 13/7/2021, Bộ Y tế cũng đã có công văn số 604/TTrB-P1 gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó việc thanh tra, kiểm tra về nhập khẩu, cung ứng, mua bán các trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm SARS-CoV-2.
Để quản lý chặt chẽ, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Liên quan đến hiện tượng một số người dân tự đi mua dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, các xét nghiệm nhanh COVID-19 là loại sinh phẩm liên quan đến sức khỏe nên phải do Bộ Y tế thẩm định, cho phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam.
"Người dân không nên mua và tự thực hiện xét nghiệm nhanh bởi có một số loại trôi nổi, không đảm bảo chất lượng chính xác", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Theo đó, các xét nghiệm nhanh có giá trị sử dụng chính xác với các trường hợp: Có triệu chứng nghi mắc COVID-19 như ho, sốt...; sau khi nhiễm từ 2-7 ngày. Còn với những trường hợp nhiễm sau 7 ngày (nồng độ virus ít đi), độ chính xác của xét nghiệm nhanh không cao, khó phát hiện ra người dương tính với SARS-CoV-2.
Chuyên gia Trần Đắc Phu giải thích việc thực hiện xét nghiệm COVID-19 thực hiện miễn phí, theo quy định của Bộ Y tế với các trường hợp có nguy cơ mắc (có triệu chứng, trờ về từ vùng có nguy cơ...). xét nghiệm nhanh có giá trị chứng nhận tại thời điểm thực hiện xét nghiệm, người được xét nghiệm cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2, không phải là nguồn bệnh lây sang người khác.
Sau thời điểm đó, người được xét nghiệm không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm thông điệp 5K, vẫn có nguy cơ nhiễm virus.