Trong những vấn đề khiến người dân phải đau đầu, thì việc lo ngại mất nghề truyền thống luôn thường trực trong suy nghĩ của họ.
Lo mất nghề truyền thống
Bao đời nay, người dân nơi đây sống nhờ vào biển cả, nay lại phải lao đao vì lo trong tương lai tới đây, họ sẽ không được làm nghề này nữa, chỉ vì… khu sinh thái và sân golf đang dần hình thành. Sự lo âu này bắt đầu có từ khoảng gần 2 tháng nay, khi mỗi gia đình có thuyền bè đều được đại diện chính quyền địa phương đến ghi chi tiết về kích cỡ các phương tiện bám biển. Nhiều thôn trong các xã ở thị xã Sầm Sơn đều đã xảy ra như vậy.
Ngư dân Lê Doãn Chung lo ngại về tương lai của nghề đi biển bị ảnh hưởng.
Tại thôn Bắc Kỳ (phường Trung Sơn), nhiều ngư dân tỏ ra rất buồn bực, họ không ngờ nơi mình sinh ra và lớn lên, đến việc làm mưu sinh, đó là nghề bám biển bao đời nay mà cũng gặp trở ngại. Những chiếc thuyền, bè tới đây sẽ không được đỗ ở những vị trí cũ tại vùng biển qua đoạn thôn Bắc Kỳ nữa, mà phải di chuyển đến một nơi khác, cách xa khoảng 3- 5 km. Vị trí này hoàn toàn bất lợi trong việc đi biển của những ngư dân.
Anh Lê Doãn Chung (35 tuổi, thôn Bắc Kỳ), cho biết, tổ tiên anh đã làm nghè bám biển, đến đời anh cũng vậy.
“Tôi đi biển từ năm 17 tuổi, rồi mấy năm sau đó lấy vợ sinh 3 người con, các cháu giờ vẫn đang tuổi ăn tuổi học. Bây giờ đi biển là công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi. Nay bỗng nhiên trưởng thôn đến nhà tôi và nhiều ngư dân khác để ghi kích cỡ thuyền, bè, có nói qua rằng, tới đây thuyền, bè của chúng tôi sẽ không được đỗ ở vị trí cũ nữa, bởi ở đây sẽ dành để xây dựng khu sinh thái của tập đoàn FLC”, anh Chung nói.
Anh Chung cũng cho biết, nhiều ngư dân ở đây nghe tin, nếu thuyền, bè chuyển đi sẽ đến lạch Hới, đây được coi là khu vực sóng lớn, khó mà đậu thuyền được. Hơn nữa, từ vị trí cũ mà thuyền, bè đang đậu đến đó cũng khoảng 3-5 km, rất bất tiện trong việc đi biển. Và quan trọng hơn hết, đó là nơi lạch không thể đậu thuyền lâu được. Cũng có thể, thuyền, bè sẽ được di chuyển đển điểm đậu ở xã Quảng Đại, nhưng từ khu đậu cũ đến đó cũng khoảng 5km.
Những ngư dân tại thôn Bắc Kỳ cũng cho rằng, họ còn nghe nói tập đoàn FLC sẽ xây dựng khu chắn sóng kéo dài từ đất khu sinh thái đến hết bãi tắm A, nếu xây như vậy, mà thuyền vẫn có nơi đậu cũng không thể nào đầu được, sóng sẽ đẩy thuyền đập vào đê dễ dẫn đến vỡ thuyền.
Bà Ly lo sợ nghề “chăm thuyền” truyền thống sẽ mất.
Cùng có tâm trạng như những chủ thuyền, bè trên, bà Lê Thị Ly (SN 1965, thôn Bắc Kỳ) cho hay, gia đình bà làm nghề “chăm thuyền” (tức trông coi thuyền, bè đậu trên bờ) từ 3 đời nay, nếu như đúng là phải chuyển đến nơi khác thì bà rất buồn. Bởi những chủ thuyền mà chuyển đi thì dứt khoát gia đình bà cũng phải chuyển theo, nhưng bà Ly sợ rằng, gia đình bà sẽ không được làm nghề truyền thống này nữa.
“Tôi không hiểu tại sao họ lại đuổi chúng tôi đi khỏi nơi này, trong khi đó đây là mảnh đất bao đời nay mà cha ông đã để lại. Chúng tôi sinh ra từ biển, lớn lên và sống ở biển nên chúng tôi không bao giờ muốn rời khỏi nơi đây. Tôi và nhiều người mới nghe nói vậy, sợ nhất là chúng tôi phải chuyển đến một nơi khác, mà không được đi biển, thì chúng tôi không biết phải làm gì để sinh sống. Chúng tôi cũng không thể hiểu tập đoàn FLC ngoài việc đã có đất xây dựng sân golf và khu sinh thái thì còn muốn tác động thêm gì nữa ở khu bãi biển mà thuyền bè đang đậu. Nếu đúng như FLC sẽ bắt tay vào việc này thì công việc đi biển sẽ bị hạn chế đi, cũng như việc “chăm thuyền” bấy lâu này sẽ không còn được duy trì nữa, có chăng cũng chỉ còn rất ít và mất dần”, một ngư dân bức xúc.
Ngăn cấm ra biển
Nguy cơ bãi đậu thuyền này sẽ mất đi.
Không phải chỉ có những người đàn ông mới phải lo khi vùng đất nơi họ sinh sống bị dự án sân golf và khu du lịch sinh thái lấn biển, mà những người phụ nữ cũng lo nghĩ không kém. Bởi đa số phụ nữ nơi đây đều ở nhà chờ chồng đi biển về để mang hải sản đi bán kiếm tiền nuôi sống gia đình. Họ cũng là những người phụ chồng con những việc lặt vặt khác, chủ yếu là phục vụ cho chồng đi biển. Nên một khi thuyền, bè phải chuyển đến nơi mới, họ cũng không thể nào yên lòng được. Những lúc đêm hôm phải đi bộ hàng mấy cây số, hoặc phải chạy xe vòng vèo nhiều đoạn đường mới đến được bến đỗ mới khi thuyền về neo đâu. Sự khó khăn này thật khó để người dân chấp nhận.
Ngoài giúp chồng ra, để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, những người phụ nữ nơi đây hàng ngày còn ra bãi biển lấy ngao, bắt ốc… Trước đây chưa có dự án xây dựng sân golf khu sinh thái, việc đi lại của những người dân bản địa rất thuận tiện, chỉ việc đi thẳng ra bãi biển là xong. Nhưng từ khi có dự án, nhất là nhiều ngày gần đây, bỗng dưng họ bị cấm ra… biển.
Chị Hương (thôn Hồng Thắng) tỏ vẻ rất bất ngờ: “Cách đây mấy hôm, tôi có ra biển để đi cào ngao, nhưng không hiểu sao khi đi gần đến vùng bãi biển mà FLC đang xây dựng phía trên, những người bảo vệ của tập đoàn này xuống không cho tôi đi. Họ nói là từ nay cấm không được đi đường này. Không chỉ có tôi mà bất kỳ ai cũng vậy. Vì thế, để ra được bãi biển cạo ngao, chúng tôi phải đi đường vòng qua vòng lại hết 3-4km mới đến được nơi để cạo ngao. Tôi không biết FLC lấy cái luật này ở đâu ra. Ruộng vườn của chúng tôi đã giao hết cho FLC, đến công việc đi biển của chồng cũng bị ảnh hưởng, nên chỉ còn con đường duy nhất là ra bãi biển cào ngao bán kiếm sống qua ngày mà họ cũng cấm thì chúng tôi không thể hiểu nổi nữa”.
Không những chị Hương, mà chị Mai (thôn Cường Thịnh, xã Quảng Cư) và nhiều người phụ nữ nơi đây cũng rất bất bình trước hành động kỳ lạ của tập đoàn FLC. Không biết luật kỳ lạ này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa và những bên liên quan có thảo qua hay chưa, hay chỉ mình tập đoàn FLC tự đặt ra luật chơi trên chính mảnh đất mà những ngư dân mới là những người chủ thực sự.
Vũ Đoàn