Sự quan tâm ngày càng gia tăng của công chúng dành cho các chủ đề về văn hóa, di sản đã trở thành “chất men” giúp đội ngũ phóng viên, nhà báo trong lĩnh vực này càng thêm say nghề, đóng góp những tác phẩm với góc nhìn sâu sắc, chất lượng và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
_______________________
Nhà báo, BTV Hoàng Trang, Đài truyền hình Việt Nam: Quan trọng là sự đồng hành của người làm báo và cộng đồng
BTV Hoàng Trang là một trong những gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình cả nước qua các chương trình nổi bật về văn hóa, di sản như Điểm hẹn văn hóa, Hành trình di sản, Ký ức thời gian, Chiều cuối năm, Giai điệu tự hào…
“Có nhiều giá trị mà bạn nhận được khi là một phóng viên nói chung là một phóng viên di sản, văn hóa nói riêng. Đã là phóng viên thì đương nhiên là vất vả, đặc biệt là với phụ nữ vốn thể lực không được bằng nam giới.
Việc đi lại, di chuyển nhiều, phải đảm bảo lịch trình liên tục cũng đòi hỏi phóng viên nữ phải nỗ lực rất nhiều. Làm mảng di sản thì việc đi tới các di tích, các vùng di sản với địa hình phần đa là tương đối khó khăn hiểm trở vừa là thách thức, vừa là động lực. Vì đi càng xa thì trải nghiệm càng nhiều và cảm nhận về nghề càng thú vị, hấp dẫn.
Nhà báo, BTV Hoàng Trang |
Mới đây, nhóm phóng viên văn hóa chúng tôi làm tin về Lễ hội Soóng Cọ ở Bình Liêu. Đây là làn điệu dân ca mang đặc trưng văn hóa của người Sán Chỉ, rất đặc sắc. Cho tới tận bây giờ, các làn điệu Soóng Cọ đang được người dân bảo tồn một cách hồn nhiên bằng việc ca hát trong đời sống thường ngày. Cộng đồng thực sự không nghĩ rằng khi chúng tôi kể câu chuyện về lịch sử, xuất phát điểm, truyền thuyết, tái hiện sự hình thành của điệu hát trên sân khấu thì di sản có thể trở nên sống động đến thế. Rất nhiều người đã khóc, họ chia sẻ là bao nhiêu năm nay họ đã hát nhưng không nghĩ rằng câu chuyện sinh ra điệu hát lại xúc động như thế.
Câu chuyện di sản có giá trị như thế nào, cần phải gìn giữ ra sao vẫn thường xuyên được nhắc đến. Nhưng làm sao để phóng viên đồng hành cùng cộng đồng, giúp họ hiểu được giá trị di sản đang nắm giữ là điều vô cùng quan trọng. Bởi cuối cùng, cộng đồng vẫn là nhân tố mang tính quyết định đối với công tác bảo vệ và quản lý các di sản, đặc biệt với di sản phi vật thể, chứ không trông đợi hoàn toàn vào những dự án diễn ra trong một vài ngày, vài tháng hoặc là một vài năm.
Nhà báo Lê Thuý Tình, Báo VietNamNet: Di sản đến từ quá khứ nhưng nhất thiết phải trở thành hợp phần hữu cơ của hiện tại
Với nhiều năm công tác trong mảng văn hóa, di sản các tác phẩm báo chí công phu của nhà báo Lê Thúy Tình đã chạm đến nhiều vấn đề cấp thiết trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, giúp nhiều di sản thoát khỏi sự mai một trong bối cảnh đô thị hóa.
“Truyền thông là hoạt động không thể thiếu đối với bất cứ lĩnh vực nào. Đặc biệt trong bối cảnh thay đổi và phát triển của xã hội đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay, khi các vấn đề về văn hóa dần được đặt đúng tầm vóc, ngang hàng với các vấn đề về phát triển kinh tế, “bài toán” về truyền thông về di sản càng trở nên cấp thiết và cần tập trung nhiều vào giới trẻ.
Nhà báo Lê Thuý Tình |
Di sản là một “mảng miếng” khá thách thức đối với đội ngũ phóng viên, nhà báo nhưng cũng tạo ra sự thú vị dành cho người làm nghề. Viết về di sản luôn tạo ra thôi thúc bản thân phải học hỏi không ngừng, không chỉ am hiểu văn hóa hiện nay mà còn cần đào sâu nghiên cứu sử sách, phải có cái nhìn kĩ lưỡng đối với từng hiện tượng khi đặt chúng trong mối tương quan giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Mất thời gian và dụng công như vậy nhưng thông thường các bài viết về di sản, văn hóa lại ít được quan tâm hơn so với các tin tức giải trí khác.
Dù vậy, các nhà báo theo dõi mảng di sản như chúng tôi vẫn đầy kỳ vọng vào công việc có đôi khi hơi “thầm lặng” của mình và thường đùa với nhau rằng: Chúng mình vẫn vui vì được chạm vào “ngàn năm”. Chạm vào những vốn quý mà ông cha ta để lại.
Di sản văn hóa vốn quý được tiếp nối qua các thế hệ |
Là nhà báo theo dõi mảng văn hoá di sản trong suốt 15 năm qua, tôi thấy di sản văn hoá đến từ quá khứ nhưng nhất thiết phải trở thành hợp phần hữu cơ của hiện tại, phải có khả năng đáp ứng tốt nhất các nhu cầu đa dạng và phong phú của xã hội. Đó là con đường đúng đắn để bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà không cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Và chúng tôi đang ngày ngày tuyên truyền, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đó tới cộng đồng.”
Nhà báo Vũ Xuân Cường, Thông tấn xã Việt Nam: Cần am hiểu kiến thức để truyền tải thông tin đúng
Nhà báo Vũ Xuân Cường là cây viết giàu kinh nghiệm trong mảng văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực du lịch di sản của báo Tin tức (TTXVN). Các bài báo của anh luôn được độc giả đón đợi, cung cấp thông tin cho những hành trình trải nghiệm văn hóa, phong tục tập quán trên khắp các vùng miền của tổ quốc.
“Công tác truyền thông với du lịch di sản có vai trò quan trọng bởi cung cấp chiều sâu kiến thức và kiến thức di sản tới du khách. Đơn cử như cách đây 20 năm, khi mới bước chân vào nghề, chúng tôi có dịp đi thực tập viết về bảo tàng lịch sử Việt Nam. Khi đó lãnh đạo Bảo tàng cho đi tham quan một lượt trước và hỏi cảm nhận của từng người. Hầu hết mọi người phát biểu về trực quan và những thông tin đọc được tại các bảng chỉ dẫn hiện vật. Sau đó, lãnh đạo bảo tàng có dẫn chúng tôi đi tham quan lại có thuyết minh viên. Họ cung cấp thông tin cụ thể về hiện vật và đằng sau mỗi hiện vật là câu chuyện. Mỗi câu chuyện đó mang đến cho du khách những kiến thức quý và có thể so sánh với những kiến thức đã học, đọc.
Nhà báo Vũ Xuân Cường |
Do đó, với du lịch di sản, công tác truyền thông có vai trò quan trọng. Do đó, bên cạnh thuyết minh viên như trước đây có nhiều hình thức khách khi ứng dụng công nghệ số như quét qr code, voi-text, video… để truyền tải thông tin. Tuy nhiên với du lịch, do nhu cầu và cảm nhận khác nhau nên việc cung cấp thông tin, truyền thông nên có chọn lọc.
Hiện nay, nhu cầu của công chúng đòi hỏi ngày càng cao và rộng, nhất là thế hệ Gen Z. Để đáp ứng công tác thông tin du lịch di sản đương nhiên phóng viên phải có kiến thức về du lịch và di sản văn hoá và có hình thức chuyển tải hợp lý và chiều sâu. Bên cạnh đó là có những hình thức chuyển tải mới, nhất là hình thức đa phương tiện.
Đối với phóng viên du lịch và di sản thì phải có sự am hiểu kiến thức về mảng theo dõi thì mới chuyển tải thông tin đúng, chính xác tới bạn đọc. Để đọc làm được điều này phải đọc, hiểu về bản chất vấn đề và đi công tác cơ sở.
Với các phóng viên theo dõi mảng du lịch gắn với di sản thì bên cạnh thông tin đúng cần có những góc nhìn mới và giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị đến với cộng đồng. Để mọi người hiểu hơn về di sản, về những giá trí của di sản để qua đó truyền tải đến bạn đọc và cũng là truyền tải quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đậm bản sắc văn hoá dân tộc.”
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà, Đài Tiếng nói Việt Nam: Mỗi di sản đều ẩn chứa một tiếng nói cần được cất lên
Là một trong những phóng viên của Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2) Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà đã và đang đóng góp góc nhìn sắc sảo của mình trong những chuyên mục văn hóa như: Đất nước ngàn năm, Nhịp sống văn hóa, Câu chuyện văn hóa, Gia đình Việt…
“Qua những trải nghiệm thực tế của bản thân khi đưa tin về những vấn đề văn hóa, lịch sử, di sản, tôi thấy rằng đây là một công việc khó, không hề dễ. Tôi rất tâm đắc một câu nói, rằng bất cứ công việc nào cũng chứa đựng một phần quà thú vị đằng sau nó và công việc của một phóng viên theo dõi về di sản cũng vậy. Có thể chúng tôi phải bước đi trên con đường khá gập ghềnh mà chẳng có hoa hồng dưới gót, nhưng những ai kiên trì với nghề sẽ tìm được những sự thú vị, tình yêu, niềm đam mê đằng sau những nhọc nhằn, vất vả ấy.
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà |
Nói nghề thú vị như thế nào rất khó, vì mỗi người là mỗi cảm nhận. Riêng tôi, tôi thấy công việc mang lại cho mình những điều hữu ích, cho mình trải nghiệm và kiến thức về lịch sử, văn hóa, di sản để tự tin hơn. Ví dụ, trong nhà, con cái tôi rất tin tưởng khi hỏi mẹ về lĩnh vực này, tôi cho đấy chính là món quà mà nghề mang lại cho bản thân mình. Đó là sự tin tưởng của con cái nói riêng và thế hệ trẻ nói chung dành cho mình.
Nói có thể hơi khó tin và có một chút sáo rỗng trong thực tại đời sống ngày nay, nhưng qua công việc đưa tin, viết bài về di sản nào đó, giúp di sản sống dậy, lan tỏa trong cộng đồng, bản thân tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc rất lớn. Đây có thể là một cảm xúc viển vông với những người thực tế, nhưng thực sự là cảm xúc thực của tôi trên mỗi trang tin, dòng viết trước những di sản mình theo đuổi khi chúng được biết đến, giới thiệu với công chúng, nhận sự quan tâm, được tiếp thêm sức sống, tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng.
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà trong một lần tác nghiệp |
Rất khó diễn đạt bằng lời, nhưng những di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể thực sự là những giá trị vô giá, trường tồn. Bất cứ một di sản nào nằm trong cộng đồng, dù là công trình lớn lao hay những di sản nhỏ nhắn còn ẩn dấu trong cộng đồng đều có tiếng nói riêng của nó, chứa đựng những bức thông điệp đến mai sau.
Tôi mong rằng những người quan tâm, yêu mến, đang làm công tác liên quan đến di sản văn hóa sẽ cảm nhận được những giá trị này để tiếp tục lan tỏa, phát huy những tiếng nói còn vang vọng từ di sản”.