Hội thảo xoay quanh chủ đề “Những Câu Chuyện Đông Dương” nhằm khám phá và trao đổi về sự giao thoa văn hóa trong thời kỳ Đông Dương qua các tài liệu lưu trữ, học thuật và ký ức lịch sử. Sự kiện này sẽ là cơ hội để các học giả, nhà nghiên cứu và công chúng cùng nhau tái khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa Việt Nam, đồng thời có những thảo luận sâu sắc hơn về mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại trong bối cảnh văn hóa đương đại.
Chương trình do GS.TS Phan Lê Hà và PGS.TS Liam C. Kelley, hai nhà sáng lập và điều hành tổ chức Engaging With Vietnam, chủ trì. GS Phan Lê Hà hiện là Giáo sư danh dự tại Viện Giáo dục thuộc Đại học College London, Vương quốc Anh. PGS.TS Liam C. Kelley là người đồng hành cùng bà trong vai trò tổ chức sự kiện.
Bên cạnh đó, hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả là những nhà nghiên cứu, học giả đến từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước như: TS Mai Minh Nhật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt; TS Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Đà Lạt; TS.KTS Lê Phước Anh, Trưởng Khoa Kiến trúc, Đô thị và Khoa học Bền vững thuộc Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Phan Lê Chung, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế; TS Lê Nam Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng và PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Mộc bản Quốc tế...
Chuỗi hội thảo quốc tế "Kết Nối Việt Nam" là sự kiện khoa học thường niên, uy tín, luôn thu hút sự tham gia của những học giả hàng đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu về Việt Nam. Năm nay, hội thảo "Kết Nối Việt Nam" chính thức kỷ niệm 15 năm thành lập. Ảnh: EWV |
Hội thảo dự kiến khai mạc tại Trường Đại học Đà Lạt vào ngày 21/12 với bài mở màn về sự phát triển của Đà Lạt từ một khu nghỉ dưỡng vùng cao đến một thành phố của văn hóa, khoa học, giáo dục và sáng tạo. Trong suốt ngày này, các phiên hội thảo tập trung vào các câu chuyện văn hóa Đông Dương qua chân dung học giả Phạm Huy Thông và những cải cách của các hoàng đế triều Nguyễn. Điểm nhấn của hoạt động là buổi ra mắt cuốn sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” của TS. Đặng Hoàng Giang.
Trong ngày 22/12, buổi sáng sẽ có phiên toàn thể với các tham luận về văn hóa in ấn và di sản tư liệu, lược qua mộc bản ở Việt Nam và cải cách khoa cử đầu thế kỷ 20 dưới triều Nguyễn. Ngoài ra, các học giả, nhà nghiên cứu tham dự sự kiện sẽ có cơ hội thăm Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV và tìm hiểu về những di sản tư liệu quý giá đang được bảo tồn tại đây.
Ngày 23/12, hội thảo tập trung bàn luận về sự giao thoa giữa ký ức và nghệ thuật đương đại. Các buổi tọa đàm và trình diễn nghệ thuật được tổ chức với nội dung đa dạng, từ góc nhìn điện ảnh, âm nhạc đến kiến trúc, tất cả đều gắn liền với không gian văn hóa và lịch sử Đà Lạt.
Vào ngày 24/12, các thảo luận tiếp tục tập trung vào các vấn đề như bảo tồn di sản kiến trúc hiện đại và mỹ thuật Đông Dương, qua đó nhấn mạnh sự quan trọng của việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện đại. Hội thảo sẽ kết thúc trong ngày 25/12 với chương trình tham quan tại các địa danh nổi tiếng của Đà Lạt như Dinh Tỉnh trưởng, Trường cao đẳng Lycee Yersin, xen kẽ là những trao đổi về chủ đề di sản và phát triển bền vững.
Hội thảo quốc tế "Những câu chuyện Đông Dương: Đối thoại giữa Lưu trữ, Học thuật, Ký ức và Tương tác đương đại" không chỉ là cơ hội trao đổi học thuật mà còn là dịp quan trọng để khám phá và bảo vệ các di sản văn hóa của thời kỳ Đông Dương.
Sự kiện này không chỉ mang giá trị trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội mà còn tạo ra những kết nối liên ngành, thu hút sự tham gia của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau từ nghiên cứu lịch sử, văn hóa, di sản đến sáng tạo và nghệ thuật. Điều này không chỉ làm phong phú thêm mối quan hệ hợp tác học thuật quốc tế mà còn thúc đẩy Đà Lạt phát triển thành một thành phố sáng tạo và di sản trong tương lai.