Vui buồn những phóng viên chuyên viết về trẻ em

Vui buồn những phóng viên chuyên viết về trẻ em

Viết về trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em bị HIV, trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ, trẻ bị xâm hại tình dục hay bạo lực học đường/ bạo lực gia đình… là một lĩnh vực khó và khá nhạy cảm. Phóng viên khi làm việc với trẻ em hoặc người giám hộ của trẻ đã gặp phải không ít trở ngại. Nhưng với lòng yêu nghề và tình yêu trẻ, họ đã giúp cho cộng đồng có cái nhìn thấu hiểu và đúng đắn hơn về trẻ em trong cuộc sống hiện đại.

__________________________

Vui buồn những phóng viên chuyên viết về trẻ em ảnh 1

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi tác nghiệp về trẻ em, nhà báo Kim Thanh của kênh VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết:

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn là vấn đề được xã hội quan tâm đặc biệt để dành cho trẻ em sự phát triển tốt nhất. Nhiều năm theo dõi lĩnh vực trẻ em, thuận lợi đó là chúng tôi luôn được tạo điều kiện tốt nhất từ chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh khi tiếp cận các đề tài về trẻ em, được cung cấp thông tin khá đầy đủ. Khi tiếp xúc với trẻ, dù là trẻ bình thường hay trẻ khuyết tật, tự kỷ, các em đều rất đáng yêu, thật thà, tạo cảm hứng cho chúng tôi có được những bài viết chân thực, xúc động, đem đến cái nhìn xác thực nhất về các đề tài liên quan đến trẻ em, góp phần tuyên truyền về quyền trẻ em một cách đầy đủ và rộng rãi, nâng cao nhận thức của xã hội về quyền trẻ em, những điều nên và không nên làm đối với trẻ em.

Vui buồn những phóng viên chuyên viết về trẻ em ảnh 2

Tuy nhiên, những khó khăn mà chúng tôi gặp phải, đó là khi chọn các đề tài nóng về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Nếu phóng viên thiếu hiểu biết về tâm lý trẻ em và Luật trẻ em, rất dễ phạm phải những điều không được làm, gây tổn thương cho các em. Ví dụ như khi đưa tin về những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, có những phóng viên vô tình đưa thông tin chi tiết về các em, đăng hình ảnh trẻ lên báo, giật title câu view với mục đích có thêm nhiều người đọc mà không biết rằng, điều này vi phạm quyền riêng tư của trẻ. Đôi khi phỏng vấn trẻ em hoặc người thân trong gia đình, phóng viên có thể hỏi những câu không nên hỏi, vô tình gây thêm nỗi đau cho các em và gia đình. Có những vụ việc, để đi đến tận cùng sự thật, phóng viên có thể gặp nguy hiểm bởi sự ngăn cản của những người phạm tội có “ô dù” hoặc có chức, có quyền, bị mua chuộc, lợi dụng để “đổi trắng thay đen”.

Nói về kỷ niệm sâu sắc khi làm việc với trẻ em, chị Kim Thanh cho biết: Quá trình viết bài về trẻ em, tôi có rất nhiều kỷ niệm vui, buồn nhưng điều làm tôi nhớ nhất, đó là khi tiếp xúc với những trẻ em yếu thế, khuyết tật, mồ côi. Những hành động, lời nói của các em khuyết tật dù ngây ngô nhưng vô cùng tình cảm và đáng yêu. Hay những em bé mồ côi luôn có khát vọng, ước mơ về tương lai tươi đẹp, luôn nỗ lực, cố gắng để vươn lên. Những gì chứng khiến cho tôi hiểu hơn những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu và luôn cố gắng tìm hiểu, phản ánh chân thực những vấn đề liên quan đến trẻ em, những gì nên và không nên viết về trẻ em.

Vui buồn những phóng viên chuyên viết về trẻ em ảnh 3

Phóng viên Đăng Doanh, Tạp chí Lao động và Xã hội hoạt động trong lĩnh vực trẻ em đã nhiều năm nhưng chị không phải là một phóng viên chuyên viết phóng sự hay điều tra, chị chuyên viết về các chính sách trẻ em, chị Đăng Doanh cho biết: Chính sách có nhiều góc độ, tôi buồn nhiều hơn vui, dù rằng bài viết nào cũng thường lồng ghép: Việt Nam là nước thứ hai phê chuẩn công ước quốc tế về quyền trẻ em; công tác trẻ em đã ghi nhận được nhiều thành tựu, được luật hóa bởi Luật trẻ em, các chương trình, chính sách dành cho trẻ em...

Trẻ em thì ở đâu cũng là con trẻ, mưu sinh sớm thì tội, bị bỏ rơi sớm thì thiệt, sống vùng sâu, vùng xa nghèo đói thì thương. Hàng năm, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của trung ương lẫn địa phương, của các ban, ngành đều đưa vào các chỉ tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... Rầm rộ nhất là dịp tháng 6 với hàng loạt hoạt động thăm hỏi, trao quà, tặng thưởng... Nhưng cũng như các lĩnh vực khác, các hoạt động sau cao điểm thường nhanh chóng rơi bị vào lãng quên và dường như độ bao phủ chưa đồng đều, vẫn còn nhiều trẻ em chưa được quan tâm.

Vui buồn những phóng viên chuyên viết về trẻ em ảnh 4

Hồi mới vào nghề, tôi được Sở LĐ-TB&XH một tỉnh miền núi giới thiệu đến trung tâm bảo trợ xã hội có địa chỉ ngay trung tâm thành phố. Hơn 15 năm trước, các trung tâm này chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều nhóm đối tượng, có cả trẻ em, người già, đối tượng chính sách... Lần đó, tôi tay cầm máy ảnh, tay sẵn sổ bút, luôn cười rạng rỡ nhìn mọi thứ mới lạ. Một em gái 15-16 tuổi lao vào sờ tay, sờ đồ của tôi, cứ: “Chị, chị...”. Em tươi cười, tôi ái ngại. Cô quản lý, nhân viên chăm sóc dứt khoát đẩy em ra, em khựng lại nhưng em vẫn cười rồi quay vào góc chỗ em vừa đứng. Cảm giác như em quen những hành động đấy rồi. Các cô nói nhỏ “Nó bị HIV đấy”, “Đừng đụng vào”. Hôm đó, tôi chỉ viết về các bác có công với cách mạng.

Tôi luôn ám ảnh chi tiết. Họ nuôi các em mà họ sợ, như kiểu virus HIV lây qua da, qua hơi thở. Em mới tầm ấy tuổi, em sẽ sống nơi đó, bị xa lánh, cô lập, tủi thân... đến lúc em chết phải không?! Em mà chết, ai đón em về, ai đến bên em lúc em bệnh, lúc em muốn gọi “bố ơi, mẹ ơi”? Các đợt thiện nguyện, các đoàn trao quà, chắc em gái ấy phải ngồi phía dưới, xa xa một chút. Nếu cứ ám ảnh, cứ khóc thương chắc mình trầm cảm, mình tự trói buộc mình mất. Tôi vốn đa cảm nhưng đã nghĩ vậy, tôi tự nhủ mỗi lần gặp những trường hợp như vậy, có thương cũng không khóc, nhất là không nhìn sâu vào ánh mắt các em! Tôi đã phải gặp bọn nhỏ bị bỏ rơi vì nhiều lý do của người sinh ra chúng, mấy nhỏ tí ti khuyết tật chỉ nằm im nhìn vô định. Trẻ con thấy bình an thì ăn ngủ, vui chơi, thấy đau, thấy bất ổn chắc chúng khóc. Còn ánh mắt vô hồn kia thì là gì? Tôi lướt qua các em, tấm quà miếng bánh, phần công tác phí đưa các cô, các mẹ - “Em cho mấy nhỏ một bữa sữa”, có giải quyết được gì đâu, có thay đổi gì trong ánh mắt bọn nhỏ mà tôi vờ lãng qua để không phải nhìn sâu vào. Điều này đã làm tôi rất buồn vì tôi rất hèn. Năm tháng làm báo, đọc và viết về trẻ em, tôi buồn triền miên, vui chỉ hời hợt!

Vui buồn những phóng viên chuyên viết về trẻ em ảnh 5

Chị Bạch Dương - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em tâm sự: Tôi nhớ mãi lần đến thăm trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội II - Hà Nội. Tiếp xúc với những đứa trẻ hồn nhiên trong trắng nhưng từng ngày, từng giờ lưỡi hái tử thần luôn đe doạ cướp đi mạng sống, tôi thấy điều đó không thể ngăn các em ước mơ đến một ngày mai tươi sáng. Tôi đã trào nước mắt khi gặp bé P.A 8 tuổi. Tuy không biết rõ về căn bệnh của mình, nhưng qua những đợt trị liệu, bé mơ hồ cảm thấy có một điều gì đó rất nghiêm trọng đang đến. Vì thế, khát vọng sống của em dường như mãnh liệt hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Cô bé ước sau này mình sẽ làm phóng viên để đi nhiều nơi, biết nhiều người. Bé nói mình đang gấp 1.000 con hạc giấy và ngước đôi mắt trong veo lên hỏi tôi: “Cô ơi, hạc giấy sẽ bay lên gặp Ngọc Hoàng xin cho cháu 3 điều ước: Thứ nhất là có một bộ đồ chơi nấu ăn, thứ hai là những mụn ngứa sẽ bay hết để cháu không bị hành hạ nữa và thứ ba là Ngọc Hoàng lại tiếp tục ban cho cháu những điều ước khác để cháu được sống bình thường như các bạn. Còn nếu cháu chết, cháu sẽ được lên thiên đường gặp mẹ (mẹ bé đã mất vì HIV/AIDS) phải không cô?”. Câu hỏi của bé, làm đau nhói trái tim tôi.

Vui buồn những phóng viên chuyên viết về trẻ em ảnh 6

Đó là một kỷ niệm buồn, nhưng 20 năm làm báo, tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm vui với trẻ em. Năm 1998, tôi cùng một đoàn từ thiện lên tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sát biên giới tỉnh Lào Cai. Chứng kiến sự hân hoan của các em khi khuân vác những thùng hàng và hớn hở nhận lồng đèn, bánh Trung thu…, chúng tôi cảm thấy vô cùng ấm lòng. Có lẽ bọn trẻ ở đây chưa bao giờ được vui đến thế. Chúng tôi nghẹn ngào nhìn các em ăn thật nhanh và ngon lành, nhưng không biết bóc bánh, kẹo (chợt chạnh lòng so sánh với các con ở Hà Nội, có những em bố mẹ nói mỏi miệng mà chẳng chịu ăn). Tôi hỏi cô bé Hmông có đôi mắt to tròn, mái tóc cháy nắng đang nhai ngon lành miếng bánh nướng, xem con có biết đang ăn bánh gì không và sững sờ khi nhận được câu trả lời là “không”. Thật tội nghiệp các em, có lẽ đây là lần đầu tiên các em nhìn thấy bánh kẹo nhiều đến thế…

Những kỷ niệm về trẻ em với tôi nhiều lắm. Tôi nhận thấy làm báo và viết về trẻ em, nhất là những nạn nhân của HIV/AIDS, trẻ em bị xâm hại tình dục… là vấn đề nhạy cảm phải lấy chữ tâm làm đầu. Tâm có sáng thì mới có được những bài báo, phóng sự hay. Nghề báo dù chịu không ít gian nan, vất vả nhưng nếu được chọn lại nghề thì tôi vẫn muốn làm nhà báo. Đơn giản vì tôi yêu bọn trẻ, yêu nghề và tự hào khi là nhà báo của trẻ em.

TIN LIÊN QUAN
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.