Lan tỏa làn điệu then Bình Liêu vào mọi mặt đời sống

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nhiều nghệ nhân người Tày tại Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) đang nỗ lực gắn di sản hát then vào mọi mặt đời sống và trở thành mũi nhọn đóng góp tích cực cho ngành du lịch.
Lan tỏa làn điệu then Bình Liêu vào mọi mặt đời sống

Khúc hát cầu an

Bình Liêu là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan sinh thái tươi đẹp, với những cung đường, thác nước, ngọn núi và bãi đá hùng vĩ cũng là địa bàn sinh sống của rất nhiều dân tộc, mỗi tộc người lại có những giá trị văn hóa riêng biệt tạo nên một bức tranh văn hóa vô cùng đa dạng và đặc sắc.

Theo thống kê của huyện Bình Liêu, hiện nay, địa phương có 22 di sản thuộc loại hình tập quán xã hội, bao gồm nghệ thuật trình diễn, nghề thủ công truyền thống, ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục, nhà cửa, trò chơi dân gian.

Nói riêng về dân ca, thì người Tày có diễn xướng Then đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Then Tày Quảng Ninh mà huyện Bình Liêu là đại diện đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2013. Trong những năm qua, các cấp ngành cùng người dân đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy vốn di sản quý giá này.

Then hay thiên nghĩa là trời, do đồng bào Tày phát âm chệch đi. Lời then diễn tả quãng đường đi gập ghềnh gian khổ, với vô vàn những hiểm nguy nhưng cũng vô cùng thi vị.

Tiếng đàn tính như nâng lời ca bay bổng thêm, khiến người nghe như cũng đang hòa cùng từng bước đi của đoàn quân then với cờ xí, ngựa xe, lễ vật rợp trời...

Xét về mặt nghi lễ, với tư cách là một hình thái sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, hát then chứa đựng những tín ngưỡng nguyên thủy và rất gần với diễn xướng hát văn chầu thánh của người Kinh. Trong đời sống văn hóa cộng đồng của đồng bào, then là khúc hát cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm.

Lan tỏa làn điệu then Bình Liêu vào mọi mặt đời sống ảnh 1

Nghệ nhân then Bế Thị Chau (bên phải) và nghệ nhân Trần Thị Lường tái hiện nghi thức cầu an Tại Ngày hội văn hoá dân tộc Tày huyện Ba Chẽ lần thứ nhất năm 2023.

Thạc sĩ Tô Đình Hiệu, Trung tâm Thể thao và Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết, then là một liệu pháp tinh thần, giúp người Tày vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống. Cũng có nhiều tác phẩm diễn tả những tâm tư sâu kín của cá nhân với những ca từ ví von ý nhị, thể hiện được nét đặc sắc của ngôn ngữ Tày.

Tiến sĩ Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, diễn xướng then Tày là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh tiêu biểu, đặc sắc, phản ánh một cách sinh động đời sống xã hội trong tiến trình hình thành và phát triển của người Tày ở miền biên viễn này.

"Trong then, mọi sinh hoạt ở xã hội xưa đều được thể hiện thông qua hàng loạt những mẩu truyện thần thoại, những truyện cổ tích, những câu thành ngữ, tục ngữ, châm ngôn, tất cả đều được xâu chuỗi, miêu tả rất sinh động, logic thành từng tầng, từng lớp, từng giai đoạn của sự phát triển xã hội", ông Đức Anh cho biết.

Các nghệ nhân xướng then hay còn được gọi là bà then, là những người thuộc các làn điệu dân ca, mỗi làn điệu then lại gắn với một nghi lễ.

Trong then nghi lễ, tùy hoàn cảnh có thể khác ở cách chuẩn bị lễ vật, hoặc cách thưa trình với các đấng cai quản (theo quy ước của người làm then) nhưng nội dung của lời then đều diễn tả con đường đưa binh mã đi. Có thể tóm tắt hành trình như sau: Trước tiên là mời các sư phụ đã khuất về nhập đoàn quân then, phù trợ cho việc làm lễ diễn ra được suôn sẻ.

Theo lời của các nghệ nhân cao niên, bà then phải là người có căn số, được tổ tiên của những dòng họ từng có người làm then lựa chọn. Nhiều bà then còn gặp phải những hoàn cảnh ngặt nghèo và họ đã vượt qua với tâm niệm tất cả khó khăn đều là tổ tiên thử thách người được lựa chọn để làm then.

Lan tỏa then trong đời sống

Theo Tiến sĩ Phạm Đức Anh, người Tày cư trú ở Bình Liêu thuộc nhóm Tày Phén hay Tày áo nâu. Người Tày ở đây gọi then là “Slin”, phụ nữ làm then gọi là “mè Slin”, đàn ông làm then gọi là “pò Slin”. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài lưu giữ, trao truyền và phát triển, then Tày Bình Liêu hiện cũng tồn tại dưới hai hình thức: Then tín ngưỡng và Then văn nghệ.

Then tín ngưỡng hay còn gọi là then cổ, là loại hình then có nguồn gốc từ cổ xưa, được các thầy then thực hành để phục vụ mục đích tín ngưỡng của cộng đồng. Then văn nghệ là loại hình ra đời từ giữa thế kỷ XX dựa trên chất liệu của then tín ngưỡng, mang trong mình hơi thở của thời đại.

Tại Bình Liêu, loại hình then văn nghệ đang phát triển mạnh mẽ thông qua hoạt động của nhiều CLB hát then - đàn tính hình thành từ những năm 2000. UBND huyện Bình Liêu cũng đã đưa hát then vào kế hoạch "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Bình Liêu năm 2024".

Lan tỏa làn điệu then Bình Liêu vào mọi mặt đời sống ảnh 2

Nghệ nhân dân gian ở Bình Liêu truyền dạy hát then cho người trẻ.

Để phục vụ du lịch, huyện cũng chú trọng vào việc tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy hát then - đàn tính, duy trì hoạt động của các CLB, hướng dẫn xây dựng các chương trình văn nghệ biểu diễn phục vụ khách tham quan. Các lớp truyền dạy hát then được mở thường xuyên thu hút hàng trăm lượt học sinh tham gia với sự hướng dẫn của các Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Viên, Lương Thiêm Phú, các nghệ nhân dân gian Lương Thiêm Thành, Đặng Văn Sàu, Hà Thị Ngọc, Chu Văn Thủng. Các hình thức truyền dạy được tổng hợp hài hoà, nhuần nhuyễn nhiều thể loại, cả then nghi lễ lẫn then văn nghệ.

Huyện Bình Liêu đã có những việc làm cụ thể, như giao chỉ tiêu kế hoạch hằng năm cho Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện mở các lớp truyền dạy theo hướng đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Ngoài ra, còn mở rộng truyền dạy hát then các vùng, miền khác, như: Then Việt Bắc, Cao Bằng, Lạng Sơn... và các điệu múa cơ bản trong diễn xướng then cổ (múa trầu, múa quạt, múa nón, múa đàn tính)...

Việc truyền dạy di sản diễn xướng then còn được thực hiện đều đặn qua hoạt động của các CLB văn nghệ của những người có cùng sở thích, có nhu cầu sáng tạo và truyền dạy bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hát then, đàn tính. Các thành viên đều tham gia sáng tác, đặt lời mới cho các làn điệu then và tham gia biểu diễn tại các dịp lễ hội, tết, ngày kỷ niệm trọng đại của tỉnh, huyện và các hoạt động văn hóa của thôn, bản, khu phố.

Hiện nay, ở Bình Liêu có 6 CLB văn nghệ cấp xã và 7 CLB cấp thôn, khu. Trong đó, xã Hoành Mô có 3 CLB thôn (thôn Pắc Pộc, Đồng Thanh, Đồng Mô), thị trấn Bình Liêu có 4 CLB khu (Nà Kẻ, Nà Làng, Chang Nà, Chang Chiếm). Mỗi CLB cấp xã có từ 20-30 thành viên, cấp thôn, khu có từ 15-20 thành viên tham gia sinh hoạt, thường xuyên tổ chức giao lưu biểu diễn, tham gia các hội thi, hội diễn, trao đổi, học tập lẫn nhau.

Phát triển du lịch trải nghiệm văn hoá

Phát biểu tại Hội thảo "Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu" hôm 10/5, ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu chia sẻ, huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho du lịch phát triển.

Đến nay, huyện đã hoàn thành đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Địa phương mong muốn được các nhà khoa học giúp định vị diễn xướng then Bình Liêu trong vốn văn hóa chung của Việt Nam, khẳng định giá trị của diễn xướng then Bình Liêu, cũng như chỉ ra những giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị quý báu của di sản.

Trong khi đó, Thạc sĩ Lý Thị Chiên, Hội Di sản văn hoá Việt Nam, đề xuất cơ quan chức năng địa phương cần phối hợp với các tổ chức, cá nhân làm du lịch và các công ty lữ hành nghiên cứu xây dựng các gói sản phẩm du lịch có hát then.

Tiến sĩ Trần Quốc Hùng, Học viện Dân tộc, cho rằng cần huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ ngân sách và các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào việc đầu tư tạo một mô hình điểm, mẫu mực để nhân rộng ra toàn huyện.

Đồng thời, việc xây dựng Làng Văn hóa - du lịch dân tộc Tày được thực hiện trên cơ sở bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, Quy hoạch phát triển du lịch và các chương trình mục tiêu quốc gia khác trên địa bàn, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đang triển khai trên địa bàn, để thực hiện đồng bộ, không chồng chéo nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa phải đảm bảo đạt chuẩn nông thôn mới và các quy hoạch chiến lược trên địa bàn huyện đã được phê duyệt Dự án hỗ trợ các hộ gia đình tham gia xây dựng và hoạt động du lịch cộng đồng.

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.