Ngày 19/6, Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lên án nạn phân biệt chủng tộc cũng như các hành vi bạo lực của cảnh sát.
Tuy nhiên, nghị quyết đã được sửa đổi không đề cập chi tiết tới Mỹ.
Theo thông báo, hội đồng gồm 47 thành viên của Liên hợp quốc đã đạt đồng thuận về nghị quyết sửa đổi, vốn ban đầu được các quốc gia châu Phi trình lên để kêu gọi thảo luận khẩn cấp sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd hôm 25/5 tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ).
Nghị quyết kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michele Bachelet chuẩn bị một báo cáo về “Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có tính hệ thống, vi phạm các luật quốc tế về nhân quyền chống người gốc Phi cũng như những người gốc Phi đã thiệt mạng do các lực lượng chấp pháp.”
Cũng theo nghị quyết, báo cáo nên đặc biệt lưu ý đến những vụ việc dẫn đến cái chết của Floyd cũng như những công dân gốc Phi khác nhằm góp phần chịu trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân.
Trong những ngày qua, làn sóng biểu tình đã xảy ra tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc sau cái chết của công dân Floyd.
Biểu tình lan rộng bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội đang áp dụng nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Do lo ngại các cuộc biểu tình biến thành bạo lực, chính quyền thành phố Tulsa của bang Oklahoma (Mỹ) đã áp đặt lệnh giới nghiêm trước thềm cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/6.
Theo sắc lệnh hành chính mới được ban bố, lệnh giới nghiêm được áp dụng tại khu vực trung tâm Tulsa xung quanh địa điểm Tổng thống Trump phát biểu, và có hiệu lực từ 22 giờ tối 18/6 đến 6 giờ sáng 20/6, sau đó nối lại đến 6 giờ sáng 21/6 sau khi chiến dịch vận động tranh cử kết thúc. Dự kiến, hơn 100.000 người tham dự sự kiện này.
Trong khi đó, cuộc biểu tình nhằm phản đối phân biệt chủng tộc tiếp diễn tại Italy. Ngày 19/6, những nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc tại Italy đã đổ sơn đỏ vào bức tượng của một vị tướng Italy vào thế kỷ thứ 19 và đổi tên một đường phố tại thủ đô Rome nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với phong trào Black Lives Matter (Quyền sống của người da màu) tại Mỹ.
Những nhà hoạt động thuộc một nhóm tự nhận là “Let's Remain Human Network" (Hãy duy trì mạng lưới nhân đạo) thừa nhận đã đổ sơn đỏ lên bức tượng của Antonio Baldissera, một vị tướng người Italy thời thuộc địa. Nhóm này cũng đã đổi biển tên đường phố từ Via Amba Aradam thành Via George Floyd và Bilal Ben Messaud.
Amba Aradam là nơi diễn ra một trận chiến vào năm 1936 khi các lực lượng vũ trang Italy đánh bại quân Ethiopia. Messaud là một người di cư đã thiệt mạng hồi tháng trước trong khi đang tìm cách bơi vào bờ từ một thuyền ở ngoài khơi bờ biển Sicily./.