Chiều nay (8/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự luật Giáo dục. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi để lại nhiều điều đáng suy nghĩ, theo báo VietNamNet.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng chuyện thi tốt nghiệp THPT có nhiều dư âm cần giải quyết, trả lời, xử lý kể cả vấn đề về pháp luật.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quốc hội |
Qua tiếp xúc cử tri, có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, có nên tiếp tục hay không, hay chỉ cấp chứng chỉ cho học sinh học tiếp lên hoặc chuyển sang học nghề.
Thứ hai, việc tổ chức thi được giao cho địa phương nhưng vừa qua có nhiều vấn đề phức tạp. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng cần có sự thận trọng, xin ý kiến cử tri, nhân dân, ý kiến chuyên gia và cần thêm nhiều thời gian để đưa ra quyết sách cho trúng, đúng.
"Nếu kỳ họp thứ 6 Quốc hội quyết thông qua luật này, tôi cho là hơi sớm, chưa chín lắm. Có thể thêm một kỳ nữa Chính phủ trình ra thì chín hơn, cũng là để cử tri, nhân dân yên tâm với sự thận trọng của Quốc hội để tìm ra giải pháp thấu đáo", Tổng thư ký Quốc hộilưu ý.
Với đề xuất về việc lùi thời gian xem xét thông qua dự luật để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến thêm tại một kỳ họp khác của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ sự đồng tình.
Bà Thúy Anh cũng tán thành hướng cân nhắc thêm phương án để các trường đại học có thêm một kỳ thi, để tự tuyển lựa sinh viên cho trường mình. Việc tổ chức kỳ thi đại học riêng là để giữ được truyền thống nghiêm túc của các kỳ thi đại học như trước đây.
“Đồng tình với việc dành thêm thời gian để ban soạn thảo hoàn chỉnh dự luật và truyền thông về những đổi mới của dự án luật. Để khi luật được thông qua có sự đồng thuận cao trong xã hội và đi vào thực tế đời sống” - bà Thúy Anh nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng phân tích, 2 phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và không thi đã được nêu ra.
“Trước đây ta tổ chức thi cả 2 kỳ mà đều tốt cả, người đào tạo ra đều tốt cả. Mà khi đó, kinh tế đất nước đâu đã phát triển, khó khăn lắm chứ, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn… mà vẫn thi được. Giờ đã có đầy đủ điều kiện mà lại hay trục trặc. Cải cách mà hết năm này sang năm khác, thi cử, giáo dục cứ luôn thay đổi, gia đình, học sinh, phụ huynh đều mệt mỏi”, báo Dân trí trích dẫn lời của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, dự luật này vẫn đưa ra cho ý kiến vào kỳ họp Quốc hội thứ 6 (tháng 10 năm nay), sau đó Quốc hội giao cho Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để hoàn thiện và lùi lại thông qua vào kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5 năm sau.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đây là vấn đề lớn, tác động, ảnh hưởng đến từng nhà nên làm dự luật cần thấu đáo và lấy kiến rộng rãi nhân dân giống như làm luật Đất đai trước đây được thông qua quy trình 3 kỳ họp”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thành tựu của nền giáo dục trong nhiều năm qua là rất lớn nhưng xây dựng luật về giáo dục cứ phải thông qua 3 kỳ họp cho chắc, kỹ lượng.
“Đổi mới là cần thiết nhưng đừng để người dân năm nào cũng phải lo lắng năm nay thay đổi sách, chương trình, cách thức thi THPT... như thế nào” - Chủ tịch Quốc hội kết luận.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ muốn lùi thời gian thông qua luật Giáo dục
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ nguyện vọng xin được lùi trình dự luật để chuẩn bị, đến kỳ họp thứ 7 với lý do khối lượng công việc rất nhiều.
“Thời gian chỉ còn 2-3 tháng nữa, rất khó để hoàn thiện hồ sơ. Tới kỳ thứ 7 chúng tôi trình, như vậy rất chắc chắn”, Bộ trưởng nói.
Ông cũng cho biết, dự luật phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các nội dung phải được làm thấu đáo. “Ngay cả vấn đề thi, chúng tôi cũng dự kiến có một cuộc hội thảo lớn, rộng rãi tới tất cả mọi người để tạo sự đồng thuận cao”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định, quyết định lùi luật Giáo dục là sáng suốt.
“Chúng tôi cũng mong muốn vậy vì ban đầu luật chuẩn bị theo hướng sửa đổi bổ sung một số điều, nay lại chuyển thành luật sửa đổi toàn diện. này vô cùng quan trọng, mọi người dân đều quan tâm mà hiện có một số vấn đề nếu chỉ xử lý trước mắt, không tính lâu dài thì không căn cơ mà muốn sửa cho lâu dài thì phải nghiên cứu lỹ, thấu đáo” – ông Đam nhận định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Dân trí |
Phó Thủ tướng phân tích, các nguyên lý của giáo dục như phổ cập giáo dục phổ thông thế nào, thi cử ra sao cần phải xác định chiến lược lâu dài nhưng có lộ trình trước mắt để thực hiện từng bước. Có nhiều biểu hiện của nền giáo dục hiện nay chưa đúng với nguyên lý giáo dục phổ thông, ví dụ như việc ở một số thành phố lớn, vấn đề thi đầu cấp như thi vào cấp 2, 3 rất căng thẳng… Đó là những vấn đề cần chỉnh sửa, theo Phó Thủ tướng.
Tổng hợp