Vào ngày Rằm tháng Tám (tết Trung thu), các gia đình thường không làm mâm cơm mặn như cúng Rằm tháng Bảy mà chuẩn bị mâm cúng chay, đồ ngọt.
Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Lâm (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, mâm cỗ đặc trưng của Rằm tháng Tám là bánh trái, hoa quả. Sau khi cúng xong, mâm cỗ được đưa ra ngoài trời, cho trẻ em ngắm trăng và phá cỗ.
Bà Lâm chia sẻ, đây còn là dịp để mọi người trong gia đình trổ tài, trang trí mâm bánh trái của nhà mình đẹp mắt nhất, hấp dẫn nhất.
Tuy nhiên, nếu ai không có thời gian, có thể lựa chọn những dịch vụ tỉa hoa quả, tạo hình thú vật...
Ý nghĩa của các loại hoa quả đặc trưng trên mâm cỗ Trung thu là: Nải chuối chín vàng, quả hồng (ý nghĩa no đủ), quả na (có nhiều mắt mang ý nghĩa sinh sôi), quả bưởi (mang ý nghĩa cầu điềm lành), quả lựu (may mắn).
Khi xưa, các món bánh được bày lên mâm thường là các loại bánh quy, bánh làm từ bột gạo có hình các con giống.
Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Lâm ở làng nghề Bát Tràng. |
Ngày nay, trên thị trường có đủ các loại bánh. Chỉ cần 500 nghìn đồng - 800 nghìn đồng là có thể mua được một mâm cỗ Trung thu tươm tất.
Các loại đèn trang trí bày cùng mâm bánh trái gồm đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con thỏ...
Bà Lâm cho biết thêm, để bài trí mâm ngũ quả cúng Rằm tháng Tám, mỗi người sẽ có cách làm khác nhau nhưng đa phần sẽ sử dụng các loại hoa quả.
Khi xếp mâm ngũ quả phải chú ý đến màu sắc, nên chọn cả quả xanh và chín để tạo sự hòa hợp âm dương, cân bằng vũ trụ theo quan niệm người xưa.
Bà Lâm cũng lưu ý, cần đặt quả cứng xuống dưới, các loại quả mềm dễ nứt vỡ để lên trên. Ngoài ra, ta có thể dùng băng dính để cố định các loại quả phía dưới sau đó mới xếp những quả khác lên trên.
Vào dịp này, bên cạnh bày biện mâm cỗ cho gia đình và các cháu, bà Lâm thường chuẩn bị một mâm cỗ cho các vị khách du lịch, đặc biệt là khách Tây.
Qua đó, bà giới thiệu nét văn hóa độc đáo của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, để du khách được trải nghiệm tết Trung thu theo phong cách cổ truyền.