Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cho biết, cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến hơn 97%. Những năm qua, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 30/6/2024 cả nước có 18.200 luật sư; 5.400 tổ chức hành nghề luật sư; khoảng 200 trung tâm tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương thiết lập, phê duyệt danh sách tư vấn viên pháp luật, trong đó chủ yếu là các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư (302 tư vấn viên pháp luật của Bộ Tư pháp và 2 tư vấn viên pháp luật của Bộ Công Thương).
Thực tế cho thấy, hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của mạng lưới tư vấn viên pháp luật hiện nay còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật trong hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp. Mặc dù hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là lực lượng yếu thế so với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, nhưng thực tế chính sách này chưa đi vào cuộc sống, chưa đáp ứng được yêu cầu Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.
Theo Luật sư Hoàng Ngọc Biên (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), đội ngũ tư vấn viên đang hoạt động tuy ít nhưng vẫn chưa nhiều khách hàng, dù nhu cầu tư vấn pháp luật của các doanh nghiệp rất cao. Luật sư Hoàng Ngọc Biên cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều lý do. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật, cần thống nhất quản lý đội ngũ này tại Bộ Tư pháp, không để phân tán ở các bộ khác; đồng thời nên cấp thẻ cho tư vấn viên vì theo Luật sư Bách “danh có chính thì ngôn mới thuận”.
Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Phạm Ngọc Hải (Luật sư Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, Bộ Tư pháp cần đăng tải công khai danh sách tư vấn viên pháp luật và lĩnh vực chuyên môn của từng tư vấn viên để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiện theo dõi và đăng ký theo nhu cầu; đồng thời Bộ Tư pháp cũng nên phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam để triển khai quán triệt Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhiều ý kiến của các Luật sư tại hội thảo cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường hạn chế về mặt kinh tế nên khó khăn trong việc thuê Luật sư giỏi mà cần phải tìm đến đội ngũ tư vấn viên pháp luật. Tuy nhiên, những tiêu chí để trở thành tư vấn viên pháp luật vẫn còn gò bó, khiến các Luật sư trẻ mới ra trường dù muốn cọ xát thực tế vẫn khó có cơ hội trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp rất cao.
Theo các Luật sư, hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Luật rất giỏi nhưng tiêu chí để trở thành tư vấn viên còn hạn chế. Để mở rộng cũng như nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đại biểu cho rằng Bộ Tư pháp nên giảm thiểu các yêu cầu hành nghề, thu hút thêm nhiều Luật sư trẻ tham gia đội ngũ tư vấn viên pháp luật.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu thực tiễn trong quá trình hoạt động của đội ngũ tư vấn viên pháp luật cũng như nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp; đồng thời cho rằng cần lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024; nắm bắt nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…