Định nghĩa mình như một nhà thám hiểm độc lập, Hà My – một phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu, cho biết mỗi lần tiếp xúc với người Điếc (*) là một lần cô đào sâu vào thế giới của họ và phát hiện ra những “kho báu” ngôn từ. Chính những “kho báu” này sẽ là công cụ để người phiên dịch kết nối hai thế giới giữa người nghe và người Điếc.
Đặt chân vào một thế giới mới
Hà My kể cô biết tới Ngôn ngữ ký hiệu qua lời giới thiệu của một người bạn, với sở thích học ngoại ngữ, cô quyết định đăng ký khóa học do chính một thầy giáo là người Điếc mở ra để đào tạo cho cả người Nghe và người Điếc.
“Ngay buổi đầu, tôi đã cảm thấy choáng ngợp khi thấy nhiều người xung quanh mình đồng loạt sử dụng các ký hiệu và biểu cảm để giao tiếp dù tôi đang ở giữa thành phố nơi mình sinh ra”, Hà My hồi tưởng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Dân số và nhà ở, hiện Việt Nam có 2,5 triệu người khiếm thính bao gồm người Điếc, Khiếm thính. Đặc biệt, cộng đồng người Điếc khác biệt hẳn so với các dạng khuyết tật khác vì họ sử dụng Ngôn ngữ ký hiệu như phương tiện giao tiếp chính.
Trong khi đó, số lượng phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu chuyên nghiệp chỉ trên dưới 10 người, một mức chênh lệch không tưởng (0,0004%), dù số lượng nhu cầu giao tiếp với người Nghe của người Điếc là vô cùng.
Thông thường những người tìm học Ngôn ngữ ký hiệu xuất phát từ việc trong gia đình có người Điếc, hoặc có công việc liên quan tới người Điếc. Tuy nhiên, vẫn có số ít phiên dịch viên trẻ tuổi với ham muốn học hỏi, đã đầu tư thời gian để tìm hiểu và thông thạo Ngôn ngữ ký hiệu.
Những ngày đầu, Hà My được dạy bảng chữ cái ngón tay, sau đó là các ký hiệu giao tiếp cơ bản để có thể giới thiệu bản thân, hầu hết những người học ký hiệu chỉ dừng lại ở những bước này. Trong quá trình học, chính thầy dạy cùng nhiều bạn là người Điếc khác nói cô có năng khiếu với Ngôn ngữ ký hiệu và có tiềm năng để trở thành phiên dịch.
“Do người Điếc thường xuyên thiếu hụt thông tin mà lại không có ai bên cạnh để dịch nên có rất nhiều khái niệm họ không biết. Ví dụ như các khái niệm trong ngành luật, hay y tế tôi phải cắt nghĩa cho các bạn ấy, ngược lại các bạn Điếc lại chỉ cho tôi từ này phải dùng ký hiệu như thế nào”, Hà My bật mí về sự tiến bộ của bản thân.
Bước chân vào thế giới của người Điếc, Hà My ngày càng nhận ra sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ của cộng đồng này. Ngôn ngữ của người Điếc có các yếu tố ngôn ngữ học như không gian, biểu cảm khuôn mặt, không hề giống với những ngôn ngữ mà cô biết trước đây.
“Nghe thì tưởng dễ, nhưng việc học Ngôn ngữ ký hiệu rất vất vả bởi cho tới hiện tại vẫn không hề có giáo trình hay giáo viên chính thống nào. Thứ nữa đây là một ngôn ngữ đặc thù nên nếu không thường xuyên tiếp xúc với người Điếc thì sẽ không đủ vốn từ để làm phiên dịch”, Hà My chỉ ra.
Ba tháng sau khi lớp học kết thúc, Hà My đăng ký vào dự án Giáo dục cho trẻ Điếc trước tuổi đến trường (IDEO), mà với cô là một bước ngoặt quan trọng với bản thân.
“Lúc đó tôi cũng nhận được công việc ở một kênh phát thanh trong thành phố Hồ Chí Minh, nên trong tuần thì đi làm ở đài, tối và các ngày cuối tuần thì tới các gia đình có trẻ Điếc cùng giáo viên người Điếc để dạy ký hiệu cho các bé và cha mẹ”, Hà My nói. “Sau 2 năm tôi trở ra Hà Nội và có những suy nghĩ về việc theo đuổi nghiêm túc con đường này”.
Hà My tâm niệm chỉ cần cộng đồng người Điếc tại Việt Nam lớn mạnh, cơ hội dành cho những phiên dịch viên như cô chắc chắn sẽ tự động nhiều lên. |
Từng có cho mình một công việc văn phòng ổn định, có cơ hội thăng tiến, nhưng Hà My vẫn bỏ ngang và không ngừng nuôi ý định kết hợp hai mảng chính mà mình tự tin đó là Ngôn ngữ ký hiệu và Truyền thông bằng cách chọn lọc những điểm chung trong hai mảng này để tạo ra con đường riêng cho mình.
“Ở nước ngoài, có rất nhiều người Điếc làm giáo sư đại học, luật sư hay bác sỹ… Điều này cho thấy trình độ phát triển của cộng đồng người Điếc ở đó rất cao, vốn từ vựng ký hiệu của họ rất phong phú, đủ để truyền tải những kiến thức khoa học hàn lâm. Ước mơ của tôi đó là một ngày người Điếc Việt Nam có thể chinh phục được những học hàm, học vị giáo sư, tiến sỹ để tôi có cơ hội làm phiên dịch cho họ trong những sự kiện với sự công nhận của xã hội”, Hà My chia sẻ.
Những người "vô hình"
Thu Hiền, người có kinh niệm gần 10 năm làm phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu, cho biết trước đây vai trò của người phiên dịch ký hiệu không được coi trọng, bởi vào thời điểm đó tiếng nói và quyền lợi của người Điếc cũng chưa được xã hội để tâm.
Phải đến khi các dự án phi chính phủ xuất hiện, nhận thức của người Điếc cũng dần được nâng cao. Các chuyên gia nước ngoài khi đó đã giải thích với cộng đồng người Điếc tại Việt Nam về vai trò và ý nghĩa của người phiên dịch, đây là một công việc bình đẳng như những công việc khác ngoài xã hội và người làm cần được trả thù lao thay vì làm miễn phí như giúp đỡ hay từ thiện.
Tại các nước phát triển, phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu đã được công nhận là một ngành nghề chính thức, có mã ngành đầy đủ. Còn ở Việt Nam, sự công nhận đối với nghề phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu vẫn hết sức mơ hồ.
Theo số liệu của dự án Inclusion (Hòa nhập), tại Việt Nam có 72 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hòa nhập cộng đồng cho người Điếc nói riêng (tiêu biểu là Trung tâm Đào tạo Ngôn ngữ Ký hiệu Hà Nội; Dự án IDEO; Trường THCS Xã Đàn; Trung tâm Nghiên cứu – Thúc đẩy Văn hóa Điếc;…).
Theo Hà My, ở thời điểm hiện tại chưa hề có chương trình đào tạo chính thống dành cho nghề phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, mặc dù Liên Hợp Quốc đã công nhận đây là ngôn ngữ chính thức của người Điếc, mà chỉ được tích hợp như một môn học trong ngành đào tạo Giáo dục đặc biệt. Từ trước đến nay, các thầy cô phải sử dụng vốn ngôn ngữ hạn chế như vậy để dạy cho các học sinh Điếc, chính điều này đã hạn chế khả năng phát triển của người Điếc.
Cách đây 5 năm, những người như Thu Hiền hay Hà My vẫn đi làm phiên dịch cho người Điếc nhưng chỉ thuần túy là giúp đỡ bạn bè mà không hề lấy thù lao. Kể từ khi Việt Nam tham gia Công ước Quốc tế về Quyền của Người Khuyết tật (2007), cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tổ chức phi chính phủ làm về lĩnh vực khuyết tật/ hòa nhập/ giáo dục người Điếc, thì xã hội mới biết tới những phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu.
“Dù vậy, giá trị của những phiên dịch viên không phải lúc nào cũng được chú ý. Đơn cử như những người phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu trên các bản tin thời sự hàng ngày, điều dễ thấy nhất là tên của họ không được xuất hiện ở cuối bản tin như các đồng nghiệp khác. Không phải ai cũng hiểu người hay xuất hiện ở góc màn hình TV có ý nghĩa thế nào với người Điếc”, Thu Hiền chỉ ra.
Theo Thu Hiền, việc giáo dục cho người Điếc tại Việt Nam chỉ mới được quan tâm và phát triển có hiệu quả nhiều hơn trong 20 năm trở lại đây và có lẽ phải mất thêm 20 năm nữa, khi cộng đồng người Điếc phát triển, có địa vị trong xã hội, họ cần giao tiếp và nói ra tiếng nói của họ thì khi đó vai trò của phiên dịch viên mới thực sự được nhìn nhận xứng đáng.
Quan niệm sai lầm về Ngôn ngữ ký hiệu
Khi phát hiện con mình không nghe thấy, các cha mẹ thường tự áp đặt các biện pháp y tế hoặc giáo dục khác nhau để ép trẻ phải nói được như người nghe. Việc học nói thụ động và ép buộc như vậy gần như là ác mộng với phần lớn trẻ Điếc bởi chúng không thể tiếp nhận được âm thanh gốc của từ ngữ để phát âm chuẩn, đây chính là nguyên nhân khiến trẻ Điếc bỏ lỡ cơ hội phát triển như các bạn cùng trang lứa.
“100 đứa trẻ khi sinh ra gặp vấn đề về thính giác thì đều được đưa đến bệnh viện điều trị, nhưng không cha mẹ nào tin rằng bên cạnh việc can thiệp theo quan điểm y tế, họ có thể cho con tiếp cận với Ngôn ngữ ký hiệu để trẻ sớm hình thành tư duy và nhận thức”, Thu Hiền chỉ ra. “Nếu như trong xã hội có nhiều người Điếc làm giáo viên, bác sĩ hay luật sư thì chắc chắn các gia đình sẽ không còn lảng tránh việc dạy con em sớm học cách biểu đạt bằng ký hiệu”.
Từng học chuyên ngành Đạo diễn, Thu Hiền ấp ủ thực hiện một bộ phim ngắn về quá trình một đứa trẻ Điếc được cha mẹ đưa đi chữa trị tại các bệnh viện. |
Nhiều gia đình tốn không ít tiền để cấy thiết bị trợ thính cho con em của mình, thế nhưng họ không nhận thức được đầy đủ hoặc bất chấp bỏ qua những rủi ro liên quan đến thần kinh của trẻ . Có không ít trường hợp khi nhỏ được gắn thiết bị trợ thính trong đầu, khi lớn lên lại mất nhiều tiền để mổ tháo ra hoặc bỏ lãng phí.
Sau này, khi các thiết bị trợ thính bắt đầu được cải tiến công nghệ thì nhiều gia đình càng có cớ bỏ qua việc dạy Ngôn ngữ ký hiệu. Họ cho rằng thiết bị trợ thính sẽ giải quyết tất cả vấn đề của con em mình mà không nhận ra rằng ngôn ngữ mới là gốc gác của vấn đề. “Kể cả có thiết bị trợ thính, thì Ngôn ngữ ký hiệu vẫn là ngôn ngữ thứ nhất đối với người Điếc, chúng ta không nên tước bỏ quyền sử dụng ngôn ngữ tự nhiên của trẻ”, Thu Hiền nói.
Để người Điếc tự cất tiếng nói
Hơn 10 năm làm nghề, Hồng Phong - một phiên dịch viên tại Hà Nội, gặp không ít trường hợp những người Điếc bị xâm phạm quyền lợi và cơ hội phát triển.
Nhiều năm trước, Phong được nhờ về huyện Thạch Thất để phiên dịch cho một người phụ nữ Điếc, gia đình cô có một mảnh đất lớn và người anh trai thì muốn em gái đồng ý trao quyền thừa kế mảnh đất cho mình.
“Khi đó tôi cố gắng dịch rất kỹ để cô ấy cân nhắc các hệ quả giữa việc cho và không cho, chính lúc đó người anh trai cũng gây áp lực lên tôi và em gái mình”, Hồng Phong nhớ lại. “Cuối cùng, cô ấy vẫn quyết định trao quyền thừa kế cho anh trai mình”.
Với Phong, đó là một trải nghiệm khiến anh thấm thía và trưởng thành hơn. Anh quan niệm một phiên dịch chuyên nghiệp ngoài việc phải hiểu văn hóa của người Điếc, nhất là cách tư duy của họ, thì rất cần có đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp.
“Với tư cách là một phiên dịch, tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình đó là cung cấp thông tin cho người Điếc để cho họ hiểu thấu đáo một vấn đề. Còn họ mới là người tự quyết định mình sẽ nói gì, đó là quyền của người Điếc và người phiên dịch không được phép quyết định thay họ”, Hồng Phong nói.
Còn theo Hà My, khi làm việc với người Điếc, phiên dịch viên phải tuân thủ nguyên tắc: “Không có cái gì về chúng tôi mà không có chúng tôi” (“Nothing about us, without us”). Có nghĩa là vai trò của người phiên dịch không phải là nói thay cho người Điếc mà phải để họ tự cất lên “tiếng nói”, để nâng cao vị thế của mình.
Ở các sự kiện đông người, những người phiên dịch sẽ truyền tải hết thông tin cho người Điếc và người nghe, nếu người Điếc ngại không muốn lên tiếng, thì phiên dịch sẽ khuyến khích họ nói ra suy nghĩ, nhưng cốt yếu là tôn trọng ý kiến của họ nếu người Điếc không muốn chia sẻ.
“Hiện tại, người Điếc đã ý thức rõ quyền lợi của mình mà không cần phải khuyến khích, họ sẽ vẫn tự nói ra quan điểm của mình, còn với những người phiên dịch, chúng tôi sẽ chỉ cần làm đúng vai trò của mình - đó là dịch mà thôi”, Hà My khẳng định.
(*) Phần đông trong cộng đồng người Nghe (là người có khả năng nghe bình thường) thường dùng từ “khiếm thính” và tránh dùng từ “điếc”. Nhưng trong cộng đồng những người không có khả năng nghe thì họ tự gọi mình là người Điếc.
Bắc Hiệp